Xã hội

Cần Thơ: Chú trọng phòng chống thiên tai góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững

Lê Hùng 20/06/2023 - 16:55

(TN&MT)- Trước diễn biến ngày càng phúc tạp, khó lường của các loại thiên tai, TP. Cần Thơ đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân, góp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) TP. Cần Thơ.

a11-thien-tai.jpg
Ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN TP. Cần Thơ

PV: Ông có thể cho biết, thiên tai đã và đang gây thiệt hại như thế nào cho người dân trên địa bàn TP. Cần Thơ?

Ông Nguyễn Quí Ninh:

Trong những năm gần đây, trên địa bàn TP. Cần Thơ thường xuyên xảy ra các loại thiên tai như sạt lở bờ sông, dông lốc, ngập lụt gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của người dân. Chỉ tính riêng trong năm 2022 trên địa bàn TP. Cần Thơ xảy ra tổng cộng 42 đợt mưa lớn kèm theo giông lốc ở các quận, huyện như Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai làm sập hoàn toàn 23 căn nhà; tốc mái 113 căn nhà; đồng thời xảy ra 13 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 360m khiến cho 5 căn nhà bị trượt hoàn toàn xuống sông và 11 căn nhà bị ảnh hưởng một phần. Ước tổng thiệt hại do dông lốc, sạt lở năm 2022 hơn 6,2 tỉ đồng.

Bên cạnh các loại thiên tai như dông lốc, sạt lở, trong năm 2022, trên địa bàn TP. Cần Thơ còn xảy ra 04 đợt triều cường với mức đỉnh triều vượt báo động 3. Tại thời điểm triều cường đạt đỉnh nhiều tuyến đường bị ngập sâu gây ảnh hưởng, trở ngại rất lớn đối với các hoạt động giao thông, kinh doanh buôn bán, giáo dục đào tạo, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường tại khu vực trung tâm của thành phố. Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù là thời điểm của mùa khô, song các loại thiên tai như mưa trái mùa kèm theo dông lốc, sạt lở bờ sông, kênh rạch, triều cường liên tiếp xảy ra tại một số quận, huyện của thành phố, gây nhiều thiệt hại về đất đai, hoa màu, nhà cửa của người dân cũng như cơ sở hạ tầng cầu, đường của Nhà nước.

a22-thien-tai.jpg
Các loại thiên tai các gây nhiều thiệt hại về đất đai, nhà cửa,… cho người dân TP. Cần Thơ

PV: Vậy công tác ứng phó thiên tai, giúp người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo kịp thời khắc phục hậu quả trong thời gian qua được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quí Ninh:

Để chủ động phòng chống thiên tai, hàng năm Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố luôn bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra; đồng thời cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn TP. Cần Thơ luôn chủ động, vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “bốn tại chỗ” để huy động sức mạnh của các ngành, các cấp và người dân trong công tác phòng chống thiên tai.

Cùng với đó, các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền về tình hình thời tiết, nhất là tình hình sạt lở đất giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin để chủ động đưa ra các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản; tổ chức khảo sát thực địa, xác định cụ thể nguyên nhân để triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả, an toàn.

Cụ thể, để ứng phó với sạt lở, TP. Cần Thơ một mặt tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống sạt lở bờ sông; khuyến khích người dân trồng cây bảo vệ bờ sông, không chất tải, không xây cất nhà cửa lấn chiếm lòng sông, không khai thác đất, cát ven sông; tổ chức cắm biển cảnh báo sạt lở tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao để người dân và chính quyền địa phương chủ động phòng chống; thực hiện gia cố các điểm sạt lở bằng giải pháp đóng cừ, dừa, bạch đàn kết hợp với rọ đá.

Tại những khu vực sạt lở không thể áp dụng các công trình mềm, TP. Cần Thơ tập trung các nguồn lực xây dựng các công trình kè kiên cố vào hoạt động; đồng thời bố trí, di dời các hộ dân sinh sống ven sông, kênh rạch nằm trong khu vực bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở đến nơi ở an toàn theo Quyết định số 98/QĐ-UBND ngày 13/01/2017 của UBND TP. Cần Thơ về quy hoạch bố trí dân cư đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài các giải pháp phòng chồng thiên tai, TP. Cần Thơ cũng luôn quan tâm công tác khắc phục hậu quả sạt lở, ngập lụt, dông lốc; kịp thời tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ, động viên người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Trong năm 2022, từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai của thành phố đã trực tiếp hỗ trợ cho hơn 150 hộ dân trên địa bàn thành phố bị thiệt hại về nhà cửa, vật kiến trúc do sạt lở, dông lốc gây ra với tổng số tiền gần 2,6 tỉ đồng; đồng thời hỗ trợ nơi ở ổn định cho một số hộ dân nằm trong khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lỡ, giúp họ an tâm trong cuộc sống.

a33-thien-tai.jpg

PV: Thưa ông, để chủ động ứng phó các loại thiên tai góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới TP. Cần Thơ sẽ sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gì?

Ông Nguyễn Quí Ninh:

Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho người dân, trong thời gian tới TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Cùng với đó, TP. Cần Thơ sẽ thường xuyên tổ chức diễn tập về công tác phòng, chống thiên tai; phổ biến kinh nghiệm phòng, tránh thiên tai đến người dân nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng để phòng, tránh thiên tai có hiệu quả; củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, mạng lưới cảnh báo, dự báo đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống; tiếp tục rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn TP. Cần Thơ với 03 loại thiên tai chính là bão, sạt lở, ngập lụt.

TP. Cần Thơ cũng sẽ rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ, bão, sạt lở; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn mình quản lý; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu mùa vụ thích hợp đối với vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ, hạn mặn để giảm thiểu thiệt hại; tập trung huy động mọi nguồn lực để tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố đê bao ngăn lũ, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu đảm bảo phục vụ ngăn lũ cho lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản.

Ngoài các giải pháp nêu trên, TP. Cần Thơ cũng sẽ tiếp tục triển khai di dời các hộ dân, nhất là những hộ thuộc diện nghèo, khó khăn nằm trong khu vực bị sạt lở đến nơi ở an toàn; hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra xây dựng, sửa chữa nhà cửa, vay vốn, giúp họ có điều kiện ổn định nơi ở, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Xin chân trọng cảm ơn ông!

Xin chân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ: Chú trọng phòng chống thiên tai góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO