Cần Thơ: Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học

Lê Hùng| 29/10/2019 17:45

(TN&MT) - Thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, thâm canh, cùng với tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự đa dạng sinh học (ĐDSH) của các hệ sinh thái nông nghiệp ở TP. Cần Thơ.

Việc xáo trộn sử dụng đất là nguyên nhân khiến số lượng loài động thực vật giảm đi nhiều

Theo đánh giá của các nhà khoa học, TP. Cần Thơ là địa phương có hệ thống cây trồng, vật nuôi đa dạng. Về hệ sinh thái gồm hệ sinh thái trên cạn và dưới nước, trong đó hệ sinh thái đất ngập nước như: sông, cồn, cù lao đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của thành phố.

Tuy nhiên, sự đa dạng thành phần loài động thực vật trên địa bàn TP. Cần Thơ trong thời gian qua đã bị suy giảm do dư lượng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp; ô nhiễm nguồn nước; sự gia tăng dân số; sử dụng xung điện, xuyệt điện để khai thác thủy sản; sinh vật ngoại lai.

TS. Trần Thị Kim Hồng, Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ cho biết, việc xáo trộn trong sử dụng đất cho sản xuất, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư làm cho TP. Cần Thơ không còn hệ sinh thái nào đạt tiêu chuẩn nguyên thủy. Cần Thơ cũng không có một khu bảo tồn hệ sinh thái nào. 

“Chính vì điều này đã làm cho số lượng loài động thực vật giảm đi nhiều, một số loài quý hiếm thường hiện diện thông qua con đường nuôi nhốt; nhiều côn trùng có ích cho cây trồng bị tiêu diệt do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; việc quản lý nguồn gen như: lập lý lịch cây con giống, quản lý quy trình nhân phôi giống chưa dựa trên cơ sở khoa học, chưa gắn kết giữa bảo tồn và phát triển” - TS. Trần Thị Kim Hồng nêu thực trạng. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Thế, nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Cần Thơ trong thời gian qua đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự ĐDSH. Qua kết quả nghiên cứu mới đây của các viện, trường, nhà khoa học cho thấy, Cần Thơ có mức đa dạng loài thuộc nhóm trung bình, còn về sinh thái thì không có hệ sinh thái nào đạt tiêu chí còn tự nhiên, tất cả đều đã bị xáo trộn từ mức độ thấp đến cao. 

Sự đa dạng hệ sinh thái dưới nước đang bị suy giảm do môi trường nước bị ô nhiễm

Để bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH ở TP. Cần Thơ, TS. Trần Thị Kim Hồng đề xuất, trong thời gian tới, Cần Thơ quan tâm lồng ghép quy hoạch bảo tồn ĐDSH vào quy hoạch phát triển du lịch ở cồn Ấu (quận Ninh Kiều), cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt). Đồng thời, xây dựng mãng xanh tại khu đô thị, khu công nghiệp và các hành lang xanh gắn với bảo tồn ĐDSH.

Bên cạnh đó, các Sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện công tác giáo dục để nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ và sử dụng bền vững ĐDSH cũng như thử nghiệm, nhân giống một số cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH tiếp tục được

Cũng theo TS. Trần Thị Kim Hồng, TP. Cần Thơ cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh mở mang ngành nghề theo hướng bảo tồn ĐDSH; áp dụng rộng rãi sản xuất nông nghiệp hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường.

Còn TS. Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao ĐBSCL cho rằng, tại TP. Cần Thơ, những giống cây đặc sản của địa phương thơm, ngon, chống chịu "stress" sinh học và phi sinh học là rất hiếm.

Vì thế, việc xác định mức độ đa dạng di truyền của bộ giống cây trồng bản địa có nguồn ở Cần Thơ là vấn đề cấp thiết nhằm thực hiện có hiệu quả trong việc chọn tạo giống, đồng thời để xây dựng định hướng về kiểm tra, quản lý và bảo vệ nguồn gen.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ: Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO