Cần thiết phải bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Srêpốk và Sê San

06/08/2014 00:00

(TN&MT) - Sự phát triển ồ ạt của thủy điện trên 2 con sông này cũng là một phần nguyên nhân gây ra lũ lụt, hạn hán khắc nghiệt cho hạ du.

   
(TN&MT) – Sáng 5/8, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bộ TN&MT đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpốk và Sê San. Quy trình vận hành này đã nâng trách nhiệm của chủ hồ chứa và tăng quyền điều hành cho các địa phương liên quan trong việc cắt lũ, cung cấp nước tưới cho hạ du các hồ thủy điện.
   
Vào mùa khô, đoạn sông Srêpốk nằm sau thủy điện Srêpốk 4 và 4A (ở huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) thường xuyên bị khô cạn do thủy điện Srêpốk 4A chuyển dòng chảy.
   
Nâng trách nhiệm chủ hồ và quyền điều hành của địa phương
   
  Trong những năm qua, rất nhiều thủy điện được xây dựng trên sông Srêpốk (chảy qua địa phận tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông) và sông Sê San (chảy qua địa phận tỉnh Gia Lai - Kon Tum). Sự phát triển ồ ạt của thủy điện trên 2 con sông này cũng là một phần nguyên nhân gây ra lũ lụt, hạn hán khắc nghiệt cho hạ du. Vì thế,  việc Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpốk và Sê San có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường cho khu vực Tây Nguyên.
   
  Theo ông Hoàng Văn Bảy – Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước của Bộ TN&MT thì Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 2 lưu vực sông Sê San và Srêpốk vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1182/QĐ-TTg và Quyết định số 1201/QĐ-TTg, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8/2014 và thay thế cho các quy hành vận hành liên hồ chứa trước đó. “Các hồ chứa thủy điện trên sông Sê San và Srêpốk chủ yếu xây dựng với mục đích phát điện chứ chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề thiết kế như xả nước hay chống lũ cho vùng hạ du. Quy trình vận hành mới ban hành lần này đặt vấn đề bảo đảm công trình, đảm bảo lưu lượng nước và cắt giảm lũ cho vùng hạ du là ưu tiên số 1, nhiều vụ phát điện là vấn đề thứ yếu, phải đặt ở phía sau” – ông Bảy cho biết thêm.
   
  Theo quy trình này, đối với mùa lũ, nguyên tắc vận hành các hồ chứa thủy điện phải đảm bảo không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực hạ du. Bên cạnh đó, các chủ hồ sẽ chủ động tích nước trong thời kỳ cuối lũ nhằm nâng cao khả năng tích đầy hồ, đảm bảo nguồn nước cho mùa cạn. Đối với mùa cạn, công tác vận hành hồ phải đảm bảo cơ nguyên tắc cơ bản: vận hành hồ và phân bổ nguồn nước cho hạ du theo các thời kỳ và theo thời hạn 10 ngày, đồng thời đảm bảo mực nước hồ trong từng giai đoạn không được nhỏ hơn giá trị quy định. Các hồ chứa hoặc chuyển đổi dòng chảy làm gián đoạn dòng chảy của các đoạn sông tương đối như: Thượng Kon Tum, Buôn Kuốp, Srêpốk 4 và Srêpốk 4A cần xả đúng theo Quy trình, đảm bảo dòng chảy tối thiểu về vùng hạ du cũng như dòng chảy hạ lưu về phía Campuchia.
   
   
  Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpốk và Sê San cũng quy định rất rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị như Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, UBND các tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai; các Bộ, ngành liên quan; chế độ quan trắc, dự báo, thông tin… Trong đó, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (CHPCTT-TKCN) các tỉnh có thủy điện trên lưu vực 2 sông sẽ quyết định việc vận hành các hồ khi dự báo có khả năng xuất mưa lũ. Vào mùa cạn, nếu trong trường hợp chủ hồ không bảo đảm việc duy trì mực nước hồ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc điều chỉnh lưu lượng, thời gian xả để bảo đảm duy trì mực nước hồ cho các thời đoạn tiếp theo. Đối với các hồ chuyển nước hoặc chuyển đổi dòng chảy làm gián đoạn dòng chảy của các đoạn sông tương đối lớn như: Thượng Kon Tum, Buôn Kuốp, Srêpốk 4 và Srêpốk 4A phải duy trì dòng chảy tối thiểu trong mùa cạn. Trong đó, hồ Sê San 4 và Sê San 4A phải phối hợp xả nước liên tục 195m3/s về hạ du. Còn hồ Srêpốk 4 và Srêpốk 4A phải phối hợp xả nước về hạ du liên tục không nhỏ hơn trong nhiều thời kỳ, cụ thể là các mức xả: 64m3/s trong tháng 1,41m3/s tháng 2,27m3/s  tháng 3 và 4,40m3/s tháng 5.
   
Cần phải bổ sung nhiều ý kiến
   
  Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai cho rằng: “Với nguyên tắc ưu tiên hàng đầu là giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ và điều tiết nước cho hạ du trong mùa cạn, hai quy trình này đã quy định cụ thể chế độ vận hành, cơ chế phối hợp giữa các hồ với nhau, với các địa phương và các bộ, ngành liên quan. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cụ thể hóa yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước trên lưu vực sông Srêpốk và Sê San”. Nhưng một số lãnh đạo địa phương, nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên cho rằng có nhiều điểm trong hai quy trình vận hành liên hồ chứa này còn chưa hợp lý và cần phải điều chỉnh.
   
   
  Đại diện ban CHPCTT-TKCN tỉnh Đắk Lắk cho rằng quy hành vận hành hồ chứa phụ thuộc vào 2 yếu tố: dự báo của đơn vị quan trắc, khí tượng và xử lý tình huống khi xảy ra sự  cố. Chính vì vậy, ban CHPCTT-TKCN các tỉnh yêu cầu chủ hồ phải chủ động nắm rõ các báo cáo về số liệu thông số và xây dựng chế độ thông tin hợp lý để báo cáo lên tuyến trên; trường hợp Trưởng ban đi vắng thì ủy quyền cho ai điều hành việc vận hành hồ chứa lúc điều kiện thời tiết bất thường chưa được quy trình nói rõ…
   
  Ông Nguyễn Tấn Triết – Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp lại cho rằng thời gian quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, qua nhà máy ít nhất 15 phút/1 lần và thực hiện bản tin dự báo vào 10 giờ sáng hàng ngày trong quy định là chưa hợp lý. Chính vì vậy, đơn vị đã kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện bản tin dự báo vào 11 giờ sáng hàng ngày và thời gian báo cáo quan trắc, tính toán mực nước hồ… nên căn cứ vào điều kiện thực tế của từng mùa, từng thời điểm (nhất là khi có lũ lớn) chứ không thực hiện theo kiểu nguyên tắc.
   
  Đại diện Công ty Thủy điện Sê San cho rằng UBND các tỉnh nên thành lập 1 ban tham mưu có đầy đủ kỹ năng xử lý và kinh nghiệm trong vận hành hồ thủy điện để khi có tình huống xảy ra, có thể xử lý và tham mưu cho UBND hướng xử lý. Bên cạnh đó, quy trình vận hành đơn hồ ở thời điểm hiện tại đã quá lạc hậu nên công ty cũng đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT và các Bộ, ngành liên quan sớm có 1 quy trình vận hành đối mới, phù hợp hơn.
   
   
Thủy điện Srêpốk 4A tách dòng và làm khô cạn khoảng 20km sông Srêpốk trong mùa khô.
   
  Theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Srêpốk từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm, các hồ chứa phải đảm bảo mực nước xả về hạ lưu như sau: Buôn Tua Srah (không được nhỏ hơn 100m³/s), Buôn Kuốp (100m³/s), Srêpốk 3 (130m³/s), Srêpốk 4 (64m³/s) và Srêpốk 4A (27m³/s). Nhưng với thủy điện Srêpốk 4A, rất khó đảm bảo được mực nước xả về hạ lưu không được nhỏ hơn 27m³/s. Ông Khuất Văn Sơn, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn – chủ đầu tư thủy điện Srêpốk 4A, cho biết: “Lưu lượng nước về kênh dẫn dòng nhà máy chúng tôi phụ thuộc vào lưu lượng xả của các nhà máy nằm trên sông Srêpốk, vì thế không thể chủ động được nguồn nước. Cống phay của nhà máy vẫn có thiết kế xả đủ 27m³/s, nhưng vào mùa khô không thể đủ nước để xả lưu lượng như thế”.
   
  Trước những vấn đề trên, ông Hoàng Văn Bảy cho biết: “Trong quá trình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Sê San và Srêpốk, nếu lãnh đạo các địa phương hoặc các chủ hồ chứa thủy điện thấy vấn đề nào còn bất cập thì đề nghị gửi kiến nghị cho Bộ TN&MT. Sau khi tiếp nhận và căn cứ vào từng vấn đề, Bộ sẽ trực tiếp tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý để hoàn chỉnh 2 quy trình này.
   
  Bài & ảnh: Lê Phước
   
         
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần thiết phải bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Srêpốk và Sê San
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO