Cần sửa đổi, bổ sung tiêu chí và phân định miền núi, vùng cao

Ngọc Trâm | 17/08/2021, 20:33

(TN&MT) - Chiều 17/8, tại Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổng kết đánh giá toàn diện, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chí phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất, đồng bộ thực hiện chính sách pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.

Trình bày Báo cáo giám sát về việc phân định miền núi, vùng cao trong công tác quản lý Nhà nước hiện nay, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, căn cứ tiêu chí phân định theo Tờ trình số 98/MNDT của Văn phòng Miền núi và Dân tộc (nay là Ủy ban Dân tộc), từ năm 1993 đến nay, đã có 9 Quyết định công nhận tỉnh, huyện, xã là miền núi vùng cao.

Từ năm 1996, Chính phủ đã phân định cùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng cao theo trình độ phát triển. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành thêm một số hình thức phân loại: Phân định địa bàn khu vực biên giới trên đất liền và trên biển; Phân loại xã bãi ngang ven biển và hải đảo; Phân loại đơn vị hành chính cấp xã vùng khó khăn; Phân loại đơn vị hành chính cấp xã/phường/thị trấn. Mỗi phân định, phân loại có các tiêu chí khác nhau, mục đích, phạm vi, đối tượng để ban hành chính sách trong lĩnh vực quản lý Nhà nước khác nhau.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận định, việc phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao là việc làm cần thiết, làm cơ sở, căn cứ cho việc tổ chức các giải pháp quản lý Nhà nước và xây dựng một số chính sách phù hợp về đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho cư dân tại chỗ. Kết quả phân định đã và đang là các căn cứ quan trọng phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước và xây dựng cơ chế, pháp luật, chính sách, tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao.

Tuy vậy, việc phân định miền núi, vùng cao vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tiêu chí phân định chưa thực sự bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, tính phù hợp và tính đồng bộ giữa một số phân định; Các tiêu chí chính để xác định miền núi, vùng cao còn quá giản đơn; Trong hệ thống văn bản pháp luật, chính sách hiện nay, nhiều văn bản pháp luật quy định phạm vi quá rộng cho nhiều vùng và chưa thống nhất về nội hàm các khái niệm dẫn đến việc quy định đối tượng chính sách chưa cụ thể theo tính chất chính sách, đôi khi chồng lấn, khó cụ thể hóa và tổ chức thực hiện, làm giảm hiệu quả chính sách.

Mặt khác, công tác tổng kết, kiểm tra, đánh giá việc phân định chưa được thực hiện kịp thời, việc phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao được thực hiện từ năm 1993 đến nay đã 28 năm, nhưng các cơ quan quản lý, chủ trì chưa có hoạt động tổng kết, đánh giá.

Trên cơ sở kiến nghị giám sát, Hội đồng Dân tộc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tổng kết đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định miền núi, vùng cao; phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; cùng với việc xem xét các hình thức phân định khác. Trong đó, xác định một cơ quan đầu mối quản lý chủ trì theo dõi chung về vấn đề phân định…

Toàn cảnh Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: baodantoc.vn

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã giải trình về những vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập. Đồng thời, Bộ trưởng kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc phối hợp cùng với Ủy ban Dân tộc và một số Bộ, ngành liên quan đánh giá lại tiêu chí phân định miền núi, vùng cao.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổng kết đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định miền núi, vùng cao; rà soát các văn bản, chính sách, pháp luật có liên quan bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; nghiên cứu sửa đổi bổ sung tiêu chí phân định miền núi, vùng cao làm cơ sở thống nhất, đồng bộ thực hiện chính sách pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Tờ trình số 98/MNDT của Văn phòng Miền núi và Dân tộc (nay là Ủy ban Dân tộc), từ năm 1993 đến nay, đã có 9 quyết định công nhận tỉnh, huyện, xã là miền núi vùng cao. Năm 2017, Việt Nam có 12 tỉnh vùng cao, 9 tỉnh miền núi, 23 tỉnh có miền núi; cấp huyện có 168 huyện vùng cao, 133 huyện miền núi; cấp xã có 2.529 xã vùng cao, 2.311 xã miền núi. Văn bản của Bộ Nội vụ gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia vào tháng 3/2021 đã có sự thay đổi về số lượng, giảm 32 huyện vùng cao, giảm 105 xã vùng cao và 272 xã miền núi.
Bài liên quan
  • Sớm hoàn thiện chính sách tài chính cho Chương trình Mục tiêu quốc gia
    (TN&MT) - Ngày 5/8, Ủy ban Dân tộc đã có buổi họp trực tuyến với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) về Báo cáo kết quả xác định Chương trình DPO (hỗ trợ ngân sách có mục tiêu), trong đó thảo luận về công tác chuẩn bị, dự kiến một số cơ chế, chính sách tài chính cho Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vui tết Độc lập trên rẻo cao Tây Bắc
(TN&MT) - Đến với những bản làng của đồng bào dân tộc Mông tại tỉnh Sơn La những ngày này, đâu đâu cũng thấy không khí rộn rã trước ngày hội lớn. Trong những năm gần đây, với đa dạng các hoạt động vui đón Tết, Tết Độc lập không chỉ là ngày hội của bà con dân tộc Mông, mà đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú... ở các địa phương trong, ngoài tỉnh cùng về chung vui.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO