Dưới cái nắng trưa oi ả vào cuối tháng 4, chị Ka Phu Thị Tiên (trú thôn Pà Ong, xã Cà Dy, huyện Nam Giang) mang những chai nhựa nhỏ bỏ vào trong chiếc gùi rồi đi bộ sang gia đình cách nhà hơn 100 m để xin lấy nước về sinh hoạt.
“Bình thường tôi phải đi bộ gần 2 km để lên suối C5 lấy nước về dùng. Hôm nay, trời nắng quá nên tôi qua chỗ nhà hàng xóm xin nước về dùng tạm, chứ đi bộ xa mệt quá. Nơi tôi ở có mấy bể chứa nước tự chảy đã xuống cấp, không còn nước mấy tháng nay rồi. Thiếu nước dùng, khổ lắm”, chị Tiên chia sẻ.
Người dân thôn Pà Ong, xã Cà Dy, huyện Nam Giang đi gùi nước về sử dụng |
Cách nhà chị Tiên không xa, gia đình ông A Lăng Dũng nằm sát bên một bể chứa nước tự chảy, song vẫn phải ngày ngày đi gùi nước về dùng. Ông Dũng cho biết, bể chứa nước tự chảy sát nhà ông được đưa vào sử dụng nhiều năm trước, nhưng mấy tháng nay, bể chứa nước bị xuống cấp, đường ống cũng gặp sự cố nên nước không về nữa. Do đó, hàng chục hộ dân tại thôn Pà Ong, xã Cà Dy phải ngày ngày đi gùi nước về để sinh hoạt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Doãn Bing, Chủ tịch UBND xã Cà Dy, huyện Nam Giang, cho biết người dân địa phương sử dụng nguồn nước tự chảy được kéo từ các khe, suối về các bể chứa nước để sử dụng. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài dẫn đến các khe suối bị cạn nước, một số bể chứa nước gặp sự cố nên hiện nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Cà Dy đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, năm 2020, tác động thiên tai bão lũ làm một số công trình nước bị hư hỏng nặng.
Qua tìm hiểu, ngoài xã Cà Dy, một số nơi khác của huyện Nam Giang cũng đang xuất hiện tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt. Ở xã Chà Vàl, người dân phải thức dậy từ sáng sớm để vào tận rừng sâu gùi nước về sử dụng, nhưng do nhu cầu sử dụng quá lớn, nguồn nước ở khe suối này cũng đang dần cạn kiệt, ai đến muộn thì không có nước để mang về. Giải pháp tình thế là thanh niên trong thôn tiến hành đào giếng với hy vọng có được nguồn nước ngầm, đảm bảo để sử dụng trong những ngày nắng hạn.
Ông Avô Tô Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết nguyên nhân của việc thiếu nước sinh hoạt là do các công trình nước sạch được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 134, 135 trước đây trên địa bàn huyện đã xuống cấp, hư hỏng và do suối đầu nguồn đã cạn kiệt nên nước chảy về qua đường ống rất yếu. Để có nước sinh hoạt, bà con phải đi hàng cây số để gùi từng can nước về sử dụng.
Người dân xã Chà Vàl, huyện Nam Giang đào giếng với hy vọng có được nguồn nước ngầm |
Trước thực trạng trên UBND huyện Nam Giang đã yêu cầu các phòng, ban chức năng của huyện phối hợp với UBND xã Cà Dy, xã Chà Vàl, thị trấn Thạnh Mỹ tiến hành kiểm tra hiện trạng, đề xuất UBND huyện phương án cụ thể để sửa chữa, nâng cấp kịp thời các hệ thống cung cấp nước sinh hoạt.
Trước mắt, UBND các xã Cà Dy, Chà Vàl kiểm tra, chỉ đạo các thôn tổ chức khơi thông hệ thống dẫn nước vào các bể chứa tại các thôn; điều tiết lượng nước cho các thôn một cách hợp lý, tránh trường hợp sử dụng nước lãng phí tại các điểm dân cư đầu nguồn nhằm đảm bảo thôn nào cũng có nước sinh hoạt.
Riêng tại xã Cà Dy, cuối tháng 4/2021, tổ chức đấu thầu và đến nay đã thi công xong hạng mục nước sinh hoạt cho một số thôn của xã Cà Dy, nguồn nước lấy từ suối C5, cơ bản đã đảm bảo cấp nước sạch cho dân.
Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, tình trạng nắng hạn kéo dài cũng khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất trên địa bàn bàn huyện Nam Giang. Ông Nguyễn Đăng Chương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang, cho biết do là địa phương miền núi, mặt bằng làm ruộng lúa nước không lớn nên toàn huyện chỉ có khoảng 350 ha lúa vụ Đông Xuân, trong khi đó diện tích lúa rẫy khoảng 1.700 ha. Do vụ Đông Xuân đã và đang được thu hoạch nên không cần đến nước tưới. Song, nếu nắng hạn còn kéo dài gay gắt thì nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ Hè Thu là rất lớn.
Các hệ thống nước sinh hoạt do Nhà nước đầu tư và nhân dân tự làm đều có khả năng bị ảnh hưởng do suối bị cạn kiệt không đủ nước cung cấp như điểm cấp nước ở khe Blao của thị trấn Thạnh Mỹ, khe Cà Rung, suối Tà Bhing, suối La Ê, suối La Dê, suối Đắc Tôi, suối Chơ Chun, suối Đắc Pring, suối Đắc Pre… ảnh hưởng đến việc cấp nước phục vụ cho nhu cầu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất của nhân dân. Từ đầu năm đến nay, huyện đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục 19 công trình nước sinh hoạt và hệ thống thủy lợi.
Đến nay, hạng mục cấp nước sinh hoạt cho một số thôn của xã Cà Dy, nguồn nước lấy từ suối C5, đã thi công xong đáp ứng cấp nước sạch cho dân. |
Để tháo gỡ khó khăn cho nước sản xuất, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND huyện Nam Giang ban hành Phương án phòng, chống hạn đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Theo đó, các cơ quan chức năng huyện Nam Giang tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân hiểu tác hại của việc phá rừng đầu nguồn, từ đó có ý thức bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn các công trình thủy lợi, công trình nước tự chảy. Nghiêm cấm người dân không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát, thiếu nước khu vực đoạn cuối kênh.
Ngành Nông nghiệp huyện Nam Giang đã triển khai giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chỉ đạo các địa phương tập trung gieo sạ lúa trung và ngắn ngày, hạn chế tối đa giống lúa dài ngày nhằm rút ngắn thời gian tưới, tiết kiệm nước. Đối với vùng trồng lúa thường xuyên bị thiếu nước thì vận động nhân dân chuyển đổi sang cây trồng cạn hoặc sử dụng các giống lúa chịu hạn cao nhằm hạn chế thiệt hại cho sản xuất.