Cần phân bổ hợp lý kinh phí cho xử lý chất thải rắn

Hoàng Ngân| 13/04/2023 17:03

(TN&MT) - Đó là khuyến nghị của ông Ashraf El-Arini – Đại diện Ngân hàng thế giới tại hội thảo “Tăng cường hợp tác đa bên nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn về nhựa ở Việt Nam” do Bộ TN&MT cùng Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức.

rac-thai.jpg
Rác thải phát sinh ngày càng lớn

Chi phí cho xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam còn thấp

Ông Ashraf El-Arini, Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Hiện nay, có hai nguồn kinh phí chính cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam là ngân sách nhà nước và phí vệ sinh môi trường. Năm 2020, ngân sách nhà nước phân bổ cho xử lý rác tổng cộng 10.897 tỷ đồng (gồm 9.104 tỷ cho vận hành và 1.793 tỷ đồng cho đầu tư). Phí vệ sinh môi trường trong cùng năm ước tính là 3.439 tỷ đồng.

Tổng kinh phí cho quản lý rác thải rắn sinh hoạt ước tính là 14.336 tỷ đồng, tương ứng 0,23% GDP. Con số này thấp hơn một nửa so với chi tiêu toàn cầu cho quản lý chất thải là 0,5% GDP. Dựa trên mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội, kinh phí dành cho xử lý chất thải sinh hoạt thấp hơn từ 5 - 8 lần so với các quốc gia có thu nhập trung bình khác. Kinh phí đầu tư được phân bổ cho mỗi hộ gia đình mỗi năm tương đương với 67 nghìn đồng (tương ứng 0,04% thu nhập hộ gia đình trung bình trên toàn quốc).

Ông Ashraf El-Arini đánh giá, Việt Nam đang dành nguồn tài chính cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt thấp hơn so với mức khuyến nghị và so với quốc tế. Nguồn kinh phí vận hành hiện có đủ để trang trải chi phí thu gom và vận chuyển song không đủ cho chi phí xử lý và tiêu hủy.

4 kịch bản quản lý chất thải rắn ở Việt Nam

Đại diện World Bank cũng đưa ra 4 kịch bản quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, tương ứng với mức đầu tư từ thấp đến cao. Mức thấp là hệ thống quản lý chất thải rắn cơ bản được hiện đại hóa. Thứ hai là kịch bản giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế tại nguồn. Kịch bản 3 có công nghệ xử lý chất thải tiên tiến với chi phí thấp hơn và cuối cùng là kịch bản dùng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến.

Theo đó, nếu tiếp tục cơ cấu phân bổ nguồn tài chính cho xử lý rác thải rắn như hiện tại thì chỉ với kịch bản thứ nhất, ngân sách nhà nước sẽ phải chịu gánh nặng lớn, ứng với mức chi phí 27.763 tỷ đồng (tăng 154%), kịch bản 2 chi phí gần 49.000 tỷ đồng (tăng 350%). Gánh nặng cho kịch bản 3 và 4 lớn hơn đáng kể.

Nếu nguồn tài chính hoàn toàn từ phí vệ sinh môi trường sẽ tăng tổng chi phí hiện tại lên tương đương 1.157 nghìn đồng mỗi hộ gia đình một năm đối với Kịch bản 1 (tương ứng 0,63% thu nhập trung bình của hộ gia đình và nằm trong ngưỡng quốc tế là 1%). Đối với kịch bản 3 là 2.041 nghìn đồng, lúc này tổng chi phí cho mỗi hộ gia đình tăng lên 1,1% thu nhập trung bình (cao hơn ngưỡng một chút). Đối với kịch bản 4 là 3,723 nghìn đồng, chi phí tăng lên 2% thu nhập.

Do đó, ông Ashraf El-Arini khuyến nghị Việt Nam nên kết hợp cân bằng giữa phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước và phí vệ sinh môi trường theo hướng sử dụng ngân sách nhà nước để cung cấp vốn đầu tư và phí vệ sinh môi trường được sử dụng để trang trải chi phí vận hành. Phí vệ sinh môi trường có thể trang trải toàn bộ chi phí vận hành của kịch bản 1 (0,45% thu nhập trung bình) và kịch bản 3 (0,74%). Đồng thời, chuyển nguồn ngân sách nhà nước 10.897 tỷ đồng từ chi phí vận hành cho chi phí đầu tư hàng năm là 7.986 tỷ đồng trong kịch bản 1 và còn lại 2.911 tỷ đồng cho các khoản đầu tư quan trọng khác.

Điều này sẽ thu hút nguồn tài chính và sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, giải phóng nguồn lực cho các khoản đầu tư thiết yếu không thể huy động từ các nguồn tư nhân và thực hiện các giải pháp khuyến khích, ưu đãi để giảm phát sinh chất thải và tác động đến hành vi của người dùng.

Việc thiếu hụt tài chính đầu tư của Nhà nước có thể được đảm bảo từ các nhà đầu tư bên ngoài, các quỹ và tổ chức tài chính quốc tế. Khả năng tiếp cận các quỹ như vậy sẽ được cải thiện đáng kể nếu chi phí hoạt động được chi trả toàn bộ hoặc một phần bằng phí vệ sinh môi trường. Phần thiếu hụt còn lại cần phải được bảo đảm từ các nguồn tài chính công.

Khi đó, nguồn vốn được giải phóng từ ngân sách nhà nước cùng nguồn bổ sung từ các tổ chức tài chính quốc tế có thể được sử dụng cho các khoản đầu tư trọng điểm như để đóng cửa các bãi rác và nâng cấp các bãi chôn lấp không hợp tiêu chuẩn vệ sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần phân bổ hợp lý kinh phí cho xử lý chất thải rắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO