Cần nguồn nhân lực chất lượng cao cho quản lý tài nguyên, môi trường biển

04/12/2014 00:00

(TN&MT) - Để trở thành một quốc gia mạnh về biển cần thiết phải có nguồn nhân lực quản lý TNMT biển nhằm góp phần BVMT sống và chủ quyền biển đảo Việt Nam

   
(TN&MT) - Theo hiến lược Biển Việt Nam, chúng ta phải phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước. Để thực hiện mục tiêu trên, cần thiết phải có nguồn nhân lực quản lý TNMT biển nhằm góp phần BVMT sống và chủ quyền biển đảo Việt Nam
   
Nhân lực phân tán, chủ yếu quản lý gián tiếp
   
  Theo điều tra của Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, hiện không kể số cán bộ trực tiếp tham gia quản lý tại cấp huyện (132 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh ven biển)  và cấp xã (hơn 700 xã, phường, thị trấn ven biển ) và tại các đơn vị của quân đội nhân dân (Cảnh sát biển), công an nhân dân (Cảnh sát môi trường), có 4.797 người làm công tác quản lý TN&MT biển tại các bộ, ngành, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (Sở và tương đương) có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến biển.
   
   
Để trở thành một quốc gia mạnh về biển cần thiết phải có nguồn nhân lực quản lý TNMT biển. Ảnh Minh họa
   
  Tuy nhiên một khối lượng lớn số người trong đó làm công tác quản lý và nằm rải rác khắp các cơ quan hành chính như: Tổng cục quản lý đất đai (Cục Đăng ký thống kê, Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Cục Quy hoạch đất đai) và Sở TN&MT 28 tỉnh, thành phố ven biển.
   
  Là lĩnh vực tập trung khá đông các cơ quan, tổ chức ở các ngành khác nhau, lĩnh vực bảo vệ môi trường biển có 3.119 cán bộ, nhưng phần lớn nằm ở các cơ quan Sở TN&MT, Sở Công thương, Sở GTVT… thuộc 28 tỉnh ven biển. Qua điều tra, khảo sát có tới 957 người trên thực tế có tham gia vào công tác BVMT biển. Tuy nhiên,  trong việc triển khai công tác này ở các sở, ngành địa phương cũng như các Chi cục BVMT, thường không có sự phân chia rõ ràng giữa nhóm làm công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm biển từ đất liền và nhóm làm công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm từ các hoạt động trên biển.
   
  Và đa số nguồn nhân lực từ các sở, ngành địa phương làm kiêm nhiệm, chưa có sự phân tách giữa một số các lĩnh vự liên quan đến TNMT và phân biệt những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước và những người làm công tác BVMT trong các đơn vị sự nghiệp.
   
Đầu tư cho nguồn nhân lực tương lai
   
  Thực tế cho thấy, hiện trạng nguồn nhân lực đảm bảo cho việc quản lý và phát triển nguồn tài nguyên biển còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Mỗi năm, nước ta chỉ có khoảng 300 sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này, nhưng chỉ khoảng 20 - 30% trong số đó là làm việc đúng ngành nghề, nhiều sinh viên học xong, ra trường đã chuyển sang làm ở lĩnh vực khác. Nguyên nhân chủ yếu do đây là ngành nghề khó khăn, vất vả nhưng chế độ đãi ngộ, lương bổng chỉ ngang bằng với những ngành nghề hành chính khác. Đặc biệt, Việt Nam đang thiếu cán bộ làm việc trong các lĩnh vực chuyên sâu như: Luật biển, quản lý TNMT biển,  KTTV biển…
   
  Nguyên nhân thì có nhiều, song qua con số thống kê về trình độ và ngành học của các án bộ trong lĩnh vực này cho thấy công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu và quản lý TNMT biển của nước ta trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều ngành đào tạo liên quan tới môi trường biển, sinh thái biển, địa chất, địa vật lý và khoáng sản biển, quản lý biển, quy hoạch phát triển kinh tế biển, luật biển và đặc biệt là ngành Hải dương học chưa có các chương trình riêng.
   
  Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực làm việc trong ngành tài nguyên và môi trường biển, rất cần có chính sách đãi ngộ để thu hút sinh viên ra trường "trụ" và "sống" được với chính ngành nghề mình đã học. Bộ TN&MT đóng vai trò quan trọng trong hoạch định các chiến lược phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ quản lý bảo vệ TN&MT biển, đảo.
   
  Bên cạnh đó, vấn đề nâng cấp cơ sở vật chất ở trường đại học và các cơ quan có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tìm tòi, khám phá và chấp nhận hiểm nguy của các cán bộ khi nghiên cứu về biển. Bởi nghiên cứu và khám phá về biển và đại dương là lĩnh vực rất mạo hiểm, đòi hỏi người cán bộ, nhân viên phải được bảo vệ an toàn. Đồng thời, cần  đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên ở các trường đại học và nâng cấp trang thiết bị. Mở rộng các khóa huấn luyện cho giáo viên và sinh viên về kỹ năng khi xuống biển tìm tòi, khám phá động, thực vật của biển. Khuyến khích đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng anh, tin học và các kỹ năng quản lý, thực hành khác để tiếp cận, hội nhập vào khu vực và quốc tế.
   
Minh Thư
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nguồn nhân lực chất lượng cao cho quản lý tài nguyên, môi trường biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO