Cần một “công việc tử tế”

30/05/2019 10:14

(TN&MT) - Số liệu mới nhất của Bộ GD&ĐT chỉ ra rằng, do chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn khoảng 200.000 lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm; chưa thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm để nâng cao chất lượng giáo dục.

sin vien
Ảnh minh họa

Một số liệu khác của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc  Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho những con số báo động: Có đến 26,2% cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, dù khái niệm việc làm ở đây được hiểu rất rộng là bất cứ công việc gì tạo ra thu nhập, không nhất thiết phải đúng với trình độ, chuyên ngành đào tạo.

Những con số trên đây đã cho thấy ít nhất hai vấn đề nghiêm trọng. Một là, chất lượng giáo dục hiểu theo ý nghĩa hẹp nhất là năng lực, kỹ năng thụ đắc được sau 4 năm học ở bậc đại học, đã thấp đến nỗi hơn một phần tư sinh viên sau khi ra trường từ 1 đến 5 năm vẫn chưa tìm được việc làm. Hai là, giữa nhà trường và thế giới việc làm bên ngoài đang có một khoảng cách quá lớn.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay, toàn hệ thống có 235 trường đại học, học viện (bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Chính từ đây đã đào tạo cho đất nước bao nhân tài, bao cán bộ khoa học, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của đất nước. Nhưng sòng phẳng khi đặt câu hỏi rằng: Chúng ta đã sử dụng hết nguồn lực này chưa? Câu trả lời rằng chưa. Và điều đau lòng là, một bộ phận những người có thực tài đã không được sử dụng tốt, nhưng khi ra nước ngoài họ được trọng dụng, được trả mức lương hậu hĩnh. Còn trong nước, một bộ phận cán bộ nghiên cứu khoa học vẫn “vật vã” trước bao hoài bão, ý tưởng.

Đó là chưa kể hàng trăm công trình nghiên cứu, bảo vệ xong rồi bỏ đấy. Cũng theo đó, một bộ phận “tiến sĩ giấy” ra đời theo kiểu lục tìm để… chép (chưa nói đến những trường hợp thuê làm luận văn hay thầy làm hộ trò, nhân viên làm hộ thủ trưởng…).

Trên diễn đàn Quốc hội tuần qua, có đại biểu đã chỉ ra rằng, cơ chế tuyển dụng lao động trong các cơ quan Nhà nước, nếu không thay đổi sẽ rất dễ lãng phí một nguồn lực chất xám rất lớn (lực lượng lao động có trình độ thực sự). Đặc biệt, cần loại bỏ tâm lý “sính bằng cấp” vốn rất nặng nề. Nếu không có động cơ cạnh tranh, vẫn duy trì cơ chế, tư duy, văn hóa ứng xử kiểu: “nhất quan hệ, nhì tiền tệ…” thì sẽ ngày càng có nhiều “tiến sĩ giấy” và những nghiên cứu khoa học “giả vờ”.

Phát triển kinh tế phải gắn với thúc đẩy an sinh xã hội, phải thu bớt khoảng cách giàu nghèo, đó là mong muốn của bất cứ quốc gia nào. Nếu kinh tế phát triển mà một bộ phận người lao động không được quan tâm đúng mức thì sự phát triển ấy chỉ đem lại lợi ích cho một số người. Kinh tế tăng trưởng mà tỷ lệ nghịch với nó là sự xuống cấp của môi trường sống, một bộ phận người dân không có được một “công việc tử tế” để nuôi sống bản thân, gia đình và phục vụ xã hội thì phải xem lại tính bền vững của sự tăng trưởng ấy. Nếu những kẻ tham quyền tiến thân từ mua bằng cấp vẫn cảm thấy an toàn mà không bị truy tố, thì họ sẽ có khuynh hướng lấn xa hơn nữa. Bản thân điều này có thể gây bất ổn. Nguy cơ lớn hơn là làm mục ruỗng từ trong hệ thống, cản trở sự phát triển.

Một năm học vừa kết thúc, cũng là thời điểm hàng vạn sinh viên ra trường, bổ xung thêm một lực lượng lao động có trình độ cho xã hội. Nhưng, con đường để có một việc làm ổn định với họ chắc chắn sẽ không dễ dàng.

Bởi lẽ, chừng nào còn thiếu sự minh bạch trong việc tuyển lựa, sử dụng cán bộ, chừng đó còn những quan tham đục khoét ngân sách Nhà nước. Theo đó, con số những cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ thất nghiệp sẽ càng lớn hơn.         

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần một “công việc tử tế”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO