Cần làm rõ trách nhiệm cấp phép dự án thủy điện

02/11/2013 00:00

(TN&MT) - Thảo luận về quy hoạch thủy điện, đa số ý kiến đại biểu đều bày tỏ lo ngại trước phong trào làm thủy điện ở một số địa phương và đề xuất làm rõ trách...

(TN&MT) - Thảo luận về quy hoạch thủy điện, đa số ý kiến đại biểu đều bày tỏ lo ngại trước phong trào làm thủy điện ở một số địa phương và đặt câu hỏi “Để tràn lan thủy điện thì trách nhiệm ở đâu?” Nếu Quốc hội không yêu cầu rà soát thì hơn 400 dự án thủy điện bị loại này bây giờ làm hết rồi...
   
Xác định cụ thể diện tích rừng bị mất do làm thủy điện
  Thảo luận về quy hoạch thủy điện, các đại biểu đều bày tỏ lo lắng: Công tác quy hoạch, phát triển thủy điện còn thiếu chặt chẽ, tình trạng quy hoạch tràn lan xảy ra ở nhiều địa phương, vùng miền, gây nguy cơ thiệt hại nhiều diện tích rừng, tác động xấu tới môi trường sinh thái, sản xuất của người dân.
   
  Các đại biểu cũng cho rằng, cần xem xét vấn đề thực hiện cam kết trồng lại rừng sau khi phát triển thủy điện thời gian qua như thế nào. “Vấn đề trồng rừng thay thế và thực hiện chính sách môi trường đã nêu cơ bản nhưng tôi đề nghị cần thống kê rà soát đầy đủ diện tích đất rừng bị mất”, Đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) nói. “Cần nêu cụ thể rõ diện tích đất rừng bị mất do làm thủy điện trên cả nước. Nêu rõ diện tích trồng rừng thay thế và bao nhiêu diện tích chưa trồng được, nguyên nhân vì sao”.
   
  Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho biết, trong Nghị quyết của Quốc hội lần này cũng cần xác định diện tích đất rừng bị mất do thủy điện là bao nhiêu, trách nhiệm thuộc về ai. Phải làm rõ để tránh hệ lụy sau này. Bởi lẽ, theo ông Trương Văn Vở, rừng tự nhiên phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy hoạch quản lý phát triển và bảo vệ rừng. Nói chung là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vườn Quốc gia phải bảo vệ nghiêm ngặt. Đụng tới diện tích đất rừng đó thì phải xem xét thận trọng trong quá trình lập quy hoạch. Lần này, Chính phủ đề nghị loại ra trên 400 dự án thủy điện trong đó, có 6 dự án thủy điện bậc thang, nhưng diện tích rừng để nhường cho các dự án thủy điện loại ra khỏi quy hoạch này là bao nhiêu, loại ra có mất rừng hay không, các giải pháp thay thế để cho số diện tích rừng mất đi là như thế nào... Tôi đề nghị Chính phủ phải làm rõ. Ngoài ra, Quốc hội cũng nên quy định rõ trong Nghị quyết để xác định trách nhiệm.
   
  Tuy nhiên, theo đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, quy định về trồng lại rừng đã mất cho thủy điện là một điều bất cập, hoàn toàn không có tính khả thi. “Theo quy định, công trình thủy điện lấy bao nhiêu diện tích đất rừng thì phải trồng lại từng đó, song đất để trồng rừng lại không có. Ngay cả quy định là nộp tiền để cho cơ quan có thẩm quyền trồng rừng cũng là rất hãn hữu, phải tính lại hết sức cẩn thận”, đại biểu đề xuất.
   
Đề xuất xóa thủy điện nhỏ
  Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét hiệu quả kinh tế và độ an toàn của các dự án đang vận hành, đặc biệt là dự án thủy điện nhỏ và vừa. Nếu không an toàn thì cần thiết phải đóng cửa hoặc có biện pháp khắc phục nguy cơ mất an toàn.
   
  Chung quan điểm, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) phản đối chuyện làm thủy điện nhỏ với lý do cho rằng, thủy điện nhỏ không tạo ra bao nhiêu năng lượng mà gây biết bao hệ lụy.
   
  Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) phân tích: Thủy điện nhỏ chủ yếu do tư nhân làm nên thường chỉ tính đến hiệu quả kinh tế mà chưa thực sự quan tâm đến việc đảm bảo môi trường. “Tôi đọc tài liệu, báo cáo thấy các địa bàn làm dự án thủy điện nhỏ kiểu này đều là những cánh rừng già, nhiều gỗ quý. Chúng ta đã tính toán được rồi: để có được 1MW điện thì phải mất 2ha rừng. Quy hoạch thủy điện phải đặt trong mối quan hệ quy hoạch tổng thể về năng lượng. 815 dự án thủy điện còn lại phải tiếp tục rà soát để loại tiếp”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
   
  Liên quan đến chuyện pháp lý quy hoạch, Đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề: Giả sử nếu Quốc hội không yêu cầu thì chắc toàn bộ mấy trăm dự án bị loại này bây giờ làm hết rồi. Vì ta chưa có luật quy hoạch nên cứ quy hoạch mà không thấy được trách nhiệm. Trên thực tế có không ít dự án thủy điện được quy hoạch, doanh nghiệp bỏ ra một mớ tiền để làm nhưng phải dừng lại, thiệt hại của doanh nghiệp ai chịu? Tôi muốn nói ở đây là vấn đề pháp lý. Giả sử bây giờ Quốc hội ra nghị quyết về quy hoạch thủy điện thì 800 dự án còn nằm lại sẽ như thế nào? Đại biểu Trần Du Lịch đặt câu hỏi: Tương lai có chắc chắn tất cả sẽ được làm không? Có ai đảm bảo sau này không còn loại bỏ dự án nào nữa không? Quy hoạch của ta có tạo rủi ro quá lớn cho nhà đầu tư không?.
   
  Để các dự án thủy điện có hiệu quả, các đại biểu cũng đề xuất phải công khai, minh bạch công tác quy hoạch, đầu tư và khai thác thủy điện để Quốc hội và người dân tham gia giám sát.
   
PV
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần làm rõ trách nhiệm cấp phép dự án thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO