Cần lắm những người thầy và thợ trẻ thắp lửa nghề thêu

24/04/2015 00:00

(TN&MT) – Đã từng rất hưng thịnh và thu hút nhiều lao động, nghề thêu tay Quất Động và Bình Lăng lừng danh cả nước đang "ngắc ngoải" do cơ chế thị...

(TN&MT) – Đã từng rất hưng thịnh và thu hút nhiều lao động, nghề thêu tay Quất Động và Bình Lăng lừng danh cả nước đang “ngắc ngoải” do cơ chế thị trường. Những nghệ nhân tâm huyết với nghề tâm sự rằng, họ gặp không ít khó khăn, từ nguồn vốn, thu nhập, đầu ra đến sự cạnh tranh không lành mạnh.
 
Làng nghề “ngắc ngoải” giữa cơn lốc thị trường
 
Ghé Quất Động (Thường Tín – Hà Nội) hôm nay, nơi được coi là “làng tổ” của nghề thêu trong vùng, không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến một địa phương mà nghề thêu đã đạt đến độ tinh xảo và điêu luyện đang dần mất đi những nét truyền thống, mất đi cái hồn vốn có từ ngàn xưa. Nhìn những bộ khung thêu nằm chỏng chơ phủ đầy bụi và mạng nhện, các cửa hàng bán tranh đìu hiu ế ẩm, chúng tôi bất giác lo lắng trước nguy cơ nghề thêu Quất Động có thể biến mất trong nay mai.
 
Chỉ đường cho chúng tôi đến công ty thêu tranh - ảnh mỹ nghệ cao cấp của chị Hoàng Thị Khương (40 tuổi, Quất Động), một người dân trong làng nói với giọng buồn bã: Cả làng giờ đây chỉ còn khoảng bốn đến năm xưởng thêu tay thôi! Trong số các xưởng còn tồn tại thì xưởng thêu của chị Khương là xưởng đặc biệt nhất, bởi chủ cơ sở này và hơn 50% nhân công của xưởng đều là người khuyết tật.
 
 
Vừa thêu tranh chị Khương vừa chia sẻ những khó khăn trong nghề thêu
Vừa thêu tranh chị Khương vừa chia sẻ những khó khăn trong nghề thêu
 
 
Sinh ra trong một gia đình có bốn thế hệ làm nghề thêu tay truyền thống, vượt lên sự nghiệt ngã của số phận bởi đôi chân bị tật do một cơn sốt từ khi mới vài tháng tuổi, chị Khương đã luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi để thêu nên những bức tranh tinh xảo.
 
Thêu tay là một công việc không dễ dàng đối với người bình thường bởi nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn, và nó càng khó khăn hơn với những người khuyết tật. Một thợ thêu khuyết tật ở xưởng của chị Khương tâm sự: “Mỗi khi trái gió trở trời, chị Khương cũng như chúng tôi đều bị những căn bệnh hành hạ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công việc. So với mức lương từ 2-3 triệu đồng/tháng của những người khỏe mạnh thì thu nhập trung bình của chúng tôi chỉ dao động từ 1-1,5 triệu đồng/tháng/người.”
 
Là một công ty còn non trẻ, ra đời chưa đầy hai năm, việc xoay vòng vốn đã khó, nhưng việc tìm đầu ra lại càng khó hơn. Ánh mắt nhìn xa xăm, chị Khương chia sẻ: “Sau thời gian thành lập công ty không lâu, kinh tế bị khủng hoảng nên tranh làm ra khó bán và chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. Gắn bó với nghề đã mấy mươi năm, tôi luôn mong muốn mở một phòng triển lãm tranh thêu mang tên mình để quảng bá sản phẩm của mình, của quê hương đến khắp bạn bè năm châu. Nhưng dường như để làm được điều đó, con đường mà tôi phải đi vẫn còn xa, xa lắm…”
 
 
Vào những ngày trái gió trở trời, những nhân công khuyết tật ở xưởng thêu của chị Khương bị bệnh tật hành hạ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc thêu thùa
Vào những ngày trái gió trở trời, những nhân công khuyết tật ở xưởng thêu của chị Khương bị bệnh tật hành hạ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc thêu thùa
 
 
Lớn lên cùng những đường kim, mũi chỉ, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục (làng Bình Lăng – xã Thắng Lợi - Thường Tín - Hà Nội) đã gắn bó với nghề thêu tay truyền thống hơn nửa thế kỷ, trải qua bao thăng trầm cùng nghề thêu. Đứng trong căn nhà hai tầng theo lối cổ, xung quanh là bốn bức tường được treo nhiều tranh, giữa nhà là ba khung tranh đang thêu dở, nghệ nhân chia sẻ: “Nghề thêu tay lắm công phu, nhìn qua tưởng nhàn hạ "mưa không tới mặt, nắng không tới đầu" nhưng kỳ thực đòi hỏi người thợ ngoài đôi tay khéo léo còn phải có đôi mắt tinh tường, trí tưởng tượng phong phú và đặc biệt, phải yêu nghề.”
 
Ông tâm sự với chúng tôi những khó khăn của làng nghề, khi mà những sản phẩm thêu tay không chuyên đang lấn át thị trường của thêu tay nghệ thuật. “Hiện nay, vì miếng cơm manh áo mà nhiều người phải thêu ẩu, thêu lấy số lượng, vì thế những sản phẩm kém chất lượng bày bán la liệt ngoài chợ. Làm như vậy, nghề thêu truyền thống rất dễ mai một!”.
 
Gắn kết làng nghề truyền thống với phát triển du lịch?
 
Gặp gỡ những nghệ nhân “cố sống cố chết” với nghề thêu tay truyền thống, những người phụ nữ tật nguyền “thêu” thương hiệu lớn, chúng tôi không khỏi xót xa khi nghe những trăn trở, tâm sự của họ về sự mai một của làng nghề. Để cứu được làng nghề thêu tay truyền thống Quất Động, Bình Lăng và nhiều làng khác trong huyện Thường Tín, phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch liệu có phải là một hướng đi đúng đắn? 
 
Đem câu hỏi này đến gặp ông Nguyễn Huy Hưng, Chủ tịch UBND xã Quất Động để mong nhận được lời giải đáp, ông Hưng nói: Một số làng nghề truyền thống của tỉnh Bắc Ninh cho phép du khách quan sát, tìm hiểu và tự tay tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm truyền thống, đồng thời được khám phá những giá trị văn hóa đặc sắc luôn gắn liền với lịch sử phát triển của sản phẩm làng nghề, điển hình như Gốm Phù Lãng, Tranh Ðông Hồ, Gỗ Ðồng Kỵ… Mô hình làng nghề của Bắc Ninh rất hay, đáng để học theo, tuy nhiên còn phải phụ thuộc vào “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. 
 
 
   Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục cần mẫn bên khung thêu với những bức tranh thêu tinh xảo
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục cần mẫn bên khung thêu với những bức tranh thêu tinh xảo
 
 
Tay cầm chén trà, mắt nhìn đăm chiêu vào bức tranh thêu treo trên phòng làm việc, ông Hưng trầm ngâm: “Có lẽ nguyên nhân khiến làng nghề thêu tay trong làng đang dần mai một là do cơ chế thị trường. Thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đầu ra lại khó khăn, khiến người làng chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề tổ. Nhiều năm trước, khi làng nghề phát triển mạnh mẽ, khách du lịch trong và ngoài nước đến với Quất Động, thăm quan các xưởng thêu rồi mua tranh, đặt tranh. Tuy nhiên, một thời gian sau do khủng hoảng kinh tế, các chủ xưởng thêu không bán được tranh, gặp khó khăn trong đầu ra nên làng nghề dần bị mai một. Giờ đây, khách đến làng tham quan đều rất ít nên việc học theo mô hình của tỉnh Bắc Ninh là rất khó!”
 
"Để vực dậy làng nghề, giải pháp trước mắt nên làm là khuyến khích những nghệ nhân có tên tuổi và đặc biệt là lớp trẻ truyền nghề cho con cháu. Có làng nghề nhưng nếu không có đầu ra, không có người hưởng ứng, không có người tiêu thụ thì làng nghề đó không thể phát triển được!" - ông Hưng chia sẻ.
 
 
Làng nghề thêu Bình Lăng – xã Thắng Lợi - Thường Tín - Hà Nội
Làng nghề thêu truyền thống thôn Bình Lăng, xã Thắng Lợi (Thường Tín - Hà Nội)
 
 
Cùng là “người con” của những làng nghề thêu tay truyền thống lừng danh một thời, nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục cũng có cùng suy nghĩ với ông Hưng: “Các thế hệ cha ông tôi ngày trước chỉ dạy nghề và truyền nghề bằng hình thức dạy thực hành và truyền miệng nên nhiều khi những kinh nghiệm dân gian bị thất truyền. Vì vậy, để nghề thêu truyền thống có thể tồn tại và phát triển trong tương lai, cần lắm những người thầy và những thế hệ tiếp nối”.
 
Tạm biệt làng tổ Quất Động và Bình Lăng khi bóng xế chiều, chúng tôi trở về Thủ đô Hà Nội với sự hối hả, ồn ào nơi phồn hoa đô thị mà lòng không khỏi tiếc nuối về nghề thêu đang dần mai một. Thiết nghĩ, để duy trì và phát triển làng nghề thêu truyền thống nói riêng và làng nghề nói chung, bên cạnh ý thức giữ gìn truyền thống của bà con, sự quan tâm đúng mực của ngành chức năng thì cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
 
Bài và ảnh: Mai Đan
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lắm những người thầy và thợ trẻ thắp lửa nghề thêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO