Cần đưa nuôi, chế biến cá tra vào danh sách ngành sản xuất có điều kiện vì ảnh hưởng đến môi trường

24/10/2013 00:00

(TN&MT) - Ngày 24/10, BCĐ Tây Nam Bộ phối hợp Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị trưng cầu ý kiến về “Đề án tái cơ cấu ngành...

   
(TN&MT) - Ngày 24/10, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị trưng cầu ý kiến về “Đề án tái cơ cấu ngành cá tra”.
   
  Theo báo cáo của Vụ nuôi Trồng thủy sản, diện tích nuôi cá tra từ đầu năm đến nay là 4.432ha, bằng 90,9% so với cùng kỳ năm 2012; diện tích thu hoạch 2.971ha, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2012; sản lượng thu hoạch 825.838 tấn, bằng 96,0% so với năm 2012, năng xuất bình quân đạt 278 tấn/ha, cao hơn 9 tấn so với cùng kỳ năm 2012. Đối với việc xuất khẩu, tính đến hết tháng 9/2013 thị trường Mỹ vẫn dẫn đầu về nhập khẩu cá tra Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2013 Mỹ đã nhập khẩu 131,627 triệu pao cá tra Việt Nam, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2012; EU là thị trường lớn thứ 2 của cá tra Việt Nam, chiếm 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt giá trị 285 triệu USD, trong đó Tây Ban Nha là thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều nhất trong khối EU, đạt được mức tăng trưởng khả quan 39,2%, đạt 5,8 triệu USD… Dự báo, diện tích mặt nước nuôi cá tra nguyên liệu trong 3 tháng cuối năm 2013 sẽ giảm trên 1.000ha; sản lượng chỉ đạt 300.000 tấn; xuất khẩu đạt 325 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2012…
   
Quang cảnh hội nghị.
    
   
  Các cơ quan chức năng thừa nhận, trong khoảng 10 năm (từ năm 2002 đến 2012), không có ngành, lĩnh vực nào phát triển “thần tốc” như ngành sản xuất cá tra, diện tích nuôi thương phẩm chỉ tốn khoảng 6.000ha, bằng 1% diện tích nuôi tôm, nhưng sản lượng nuôi đạt 1.300.000 tấn/năm, xuất khẩu đạt trên 1,8 tỉ USD/năm, thị trường xuất khẩu mở rộng đến 136 nước và vùng lãnh thổ… Tuy nhiên, việc phát triển ngành sản xuất cá tra “thần tốc” đã và đang tạo ra nhiều hệ lụy như: trong khi sản lượng tăng không dưới 2 con số/năm thì giá xuất khẩu cá tra lại đi theo chiều ngược lại, từ 3,76USD/kg vào năm 2000 rớt dần xuống còn 2,2USD/kg năm 2012; tỷ trọng giá trị gia tăng quá thấp, chưa đầy 1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra; sản lượng nuôi bắt đầu giảm…
   
  Để vực dậy ngành nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra, Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đưa ra 6 giải pháp “tái cơ cấu ngành cá tra”, như: ban hành quy chế áp dụng thí điểm hệ thống cấp và kiểm soát hạn ngạch sản lượng (quota) nuôi cá tra cho xuất khẩu phù hợp với như cầu thị trường; ban hành chương trình nâng cao chất lượng và phòng bệnh cho cá tra giống; ban hành quy chế kiểm soát chất lượng thức ăn nuôi cá tra; ban hành chương trình chất lượng quốc gia sản phẩm cá tra phile đông lạnh xuất khẩu; cho phép áp dụng thí điểm cơ chế xuất khẩu qua đầu mối duy nhất và cho phép thu phụ phí phát triển vào bảo vệ thị trường ngành cá tra.
   
hu hoạch cá tra ở Hậu Giang.
    
   
  Tại hội nghị, đa số các doanh nghiệp cho rằng, cho dù thị trường có biến động như thế nào đi nữa, nhưng sản lượng không tăng đột biến, đảm bảo chất lượng sản phẩm thì sẽ vượt qua được khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua hai vấn đề này không được thực hiện tốt nên cứ khó khăn không gỡ ra được. Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty CP Cafatex: 6 giải pháp được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đưa ra cũng cần thiết, nhưng quan trọng nhất là khống chế, giảm sản lượng cá tra nguyên nhân chính hiện nay làm cho các doanh nghiệp nuôi, chế biến, xuất khẩu gỡ ra được là sản lượng cá tra, cũng vì lợi ích, siêu lợi nhuận, rất nhiều thành phần tham gia, từ đó tạo dư thừa về sản lượng. “Cái gốc của vấn đề là làm sao giảm được khoảng 70% sản lượng như hiện nay thì ngành cá tra mới hồi phục được”- Ông Kịch nhấn mạnh. Cũng theo ông Kịch, quá trình nuôi, chế biến cá tra tự phát như thời gian qua đã ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sản phẩm, nên phải đưa vào danh sách ngành sản xuất có điều kiện, khi đó sẽ chọn được những ao nuôi cá đảm bảo môi trường, chất lượng sản phẩm sẽ được tăng lên.
   
  Ông Nguyễn Phước Bửu Huy, Tổng Giám đốc Công ty CADOVIMEX II, cho rằng: Việc sản xuất, xuất khẩu trong trong thời gian qua tự phát, ai muốn làm thì làm, do đó cần phải đổi mới phương thức tổ chức, giải quyết cung cầu ngành cá tra, hình thành cơ chế “một cửa” xuất khẩu đi nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng cá tra đang có hàng trăm thương hiệu, mỗi công ty, doanh nghiệp của Việt Nam đều có nhãn hiệu riêng do nước ngoài đưa ra. “Sau khi ổn định được sản lượng, nâng cao chất lượng thì phải thống nhất được nhãn hiệu bao bì, lúc đó mới thực hiện được cơ chế “một cửa”. Bên cạnh đó, nếu thực hiện được cơ chế này, thì cũng phải đưa ra các giải pháp kiểm soát, chế tài đối với công ty, doanh nghiệp có hành vi xé rào”- Ông Huy đề nghị.
          
  Đối với việc thu phí, các đại biểu đều dề nghị hiện nay các doanh nghiệp, công ty nuôi, chế biến, xuất khẩu lúc này đang gặp khó khăn, không nên gây thêm áp lực nữa, các công ty, doanh nghiệp sẽ thực hiện cũng không muộn.
   
  Bài & ảnh: Lê Hùng
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đưa nuôi, chế biến cá tra vào danh sách ngành sản xuất có điều kiện vì ảnh hưởng đến môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO