Cần cụ thể hóa chủ trương, chính sách về ứng phó với BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long

04/08/2014 00:00

(TN&MT) - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL”.

(TN&MT) - Ngày 2/8, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long”.
   
  Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng Đoàn giám sát cho biết: Thực hiện chương trình hoạt động giám sát năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tổ chức giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; việc tổ chức thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn từ năm 2007 đến nay tại 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long.
   
  Đoàn giám sát đánh giá hệ thống chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu hiện vẫn chưa cụ thể, cơ chế vẫn chưa tạo điều kiện để phát huy các nguồn lực và phù hợp với điều kiện của đất nước. Hệ thống chính sách, pháp luật mới chỉ chú trọng vào phòng, chống thiên tai mà chưa coi trọng tới thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
   
Chỉ cần mực nước biển dâng lên 1m, 1/3 diện tích ĐBSCL sẽ ngập sâu trong nước
    
  Hiện nay vẫn chưa có một chính sách tổng thể, toàn diện về ứng phó với biến đổi khí hậu mà chỉ được lồng ghép trong các văn bản liên quan, không thể hiện rõ được mối quan hệ giữa thích ứng và giảm thiểu trong ứng phó với biến đổi khí hậu…
   
  Đoàn giám sát cho rằng, là khu vực chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ việc nước biển dâng và xâm nhập mặn, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động, tích cực trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch của Trung ương.
   
  Tuy nhiên do nhu cầu kinh phí để thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu rất lớn nên các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các giải pháp cũng như các dự án ưu tiên. Nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu còn không ít hạn chế, do đó chưa có biện pháp hiệu quả để hạn chế những tác động tiêu cực thông qua quá trình sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.
   
Lũ lụt tại ĐBSCL xảy ra ngày càng thường xuyên hơn
   
  Đoàn giám sát đề nghị các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục kiện toàn tổ chức và bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chuyên môn về ứng phó biến đổi khí hậu ở cơ sở; rà soát tổng thể, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản về ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi các dự án đầu tư trọng điểm về ứng phó biến đổi khí hậu; khuyến khích, hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả năng lượng giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực…
   
  Bên cạnh đó, cần nhân rộng các mô hình, dự án thí điểm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ để các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chủ động xây dựng phương án ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai hiệu quả kế hoạch châu thổ sông Cửu Long nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; tập trung huy động nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt là xã hội hóa nguồn lực để tăng cường việc trồng rừng ngập mặn, bảo vệ bờ biển dưới tác động của biến đổi khí hậu…  
   
T.H
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cụ thể hóa chủ trương, chính sách về ứng phó với BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO