Môi trường

Cần có dự báo các kịch bản tác động môi trường

Đà Hải (thực hiện) 14/03/2024 - 09:20

(TN&MT) - Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Qua 2 năm triển khai, bước đầu đem lại những kết quả tích cực, gần với thực tiễn. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Chinh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

h1(1).jpg
Ông Lê Trung Chinh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

PV: Để Luật Bảo vệ môi trường 2020 đi vào cuộc sống, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện như thế nào để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn thành phố?

Ông Lê Trung Chinh: Triển khai Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Công văn số 3484/UBND-STNMT ngày 07/6/2021 về việc triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020. Trên cơ sở đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng; các sở, ban ngành; UBND các quận, huyện; các hội, đoàn thể; các cơ quan Trung ương, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn thành phố; các cơ quan, đơn vị liên quan đã chỉ đạo, triển khai đến cấp cơ sở thuộc phạm vi, địa bàn quản lý để thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao.

Theo đó, thành phố đã từng bước kiện toàn hệ thống văn bản pháp lý tại địa phương theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các bộ, ngành; công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, trong đó có hạ tầng kỹ thuật môi trường được chú trọng; hoàn thiện hệ thống thu gom, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đẩy mạnh công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; chú trọng công tác kiểm soát, tuân thủ môi trường và diễn tập ứng phó, phục hồi môi trường; đẩy mạnh công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong BVMT; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và các công cụ hỗ trợ công tác quản lý, giám sát, công khai thông tin về môi trường, hỗ trợ cộng đồng tham gia BVMT; bố trí tương ứng từ ngân sách thành phố, nghiên cứu khoa học; chủ động tạo lập sự hợp tác, tiếp nhận sự hỗ trợ, đa dạng hóa nguồn vốn, nguồn lực kỹ thuật về BVMT…

PV: Xin ông cho biết kết quả bước đầu triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 tại các quận, huyện và đơn vị trên địa bàn thành phố?

Ông Lê Trung Chinh: Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường đến công chức, viên chức, người lao động và nhân dân để hiểu rõ, thực hiện bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị và từng đối tượng, địa bàn thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Một số kết quả điển hình như: Hơn 333 buổi tập huấn/ngày hội, hơn 31.782 lượt người tham gia, phát hành trên 15.500 ấn phẩm tuyên truyền các loại, hơn 500 tin, bài… Sử dụng các kênh truyền thông với sự tương tác cao đến người xem: Livestream, Youtube: Tọa đàm về Bảo vệ động vật hoang dã với hơn 50.000 lượt xem, tương tác; Hội nghị phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường với hơn 3.500 lượt xem và chia sẻ; sử dụng hệ thống phát thanh trên hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên toàn địa bàn thành phố; thực hiện Chuyên mục Thành phố môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng; Sở TN&MT đã xuất bản ấn phẩm Bản tin điện tử TN&MT TP. Đà Nẵng để phục vụ công tác tuyên truyền…

h2.jpg
Ra quân tổng vệ sinh, làm đẹp môi trường biển khu vực đường Nguyễn Tất Thành

PV: Để thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020, địa phương có kiến nghị gì, thưa ông?

Ông Lê Trung Chinh: Luật Bảo vệ môi trường 2020 với rất nhiều quy định mới, vì vậy việc tổ chức, triển khai Luật được Đà Nẵng vận hành trên cơ sở tiếp cận những quy định mới từ Luật vào công tác quản lý như: Quản lý chất thải rắn, khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là công tác giảm phát thải khí nhà kính, tiếp cận các mô hình về kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, công tác quản lý về đa dạng sinh học, quản lý lưu vực sông liên tỉnh, quản lý môi trường đối với các di sản thiên nhiên...

Bên cạnh đó, các thủ tục đầu tư các dự án về hạ tầng kỹ thuật môi trường có liên quan, nhất là các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết; thiếu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch, tái chế, tuần hoàn… ở cấp quốc gia.

Để những quy định của Luật Bảo vệ môi trường được thực thi hiệu quả, sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, TP. Đà Nẵng kiến nghị Bộ TN&MT: Tiếp tục chủ trì, tổ chức các hội nghị tập huấn, trao đổi chuyên sâu theo các chuyên đề, đặc biệt trong các lĩnh vực mới về cấp phép môi trường, các quy định kỹ thuật trong xây dựng các kế hoạch quản lý môi trường (quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn, quản lý di sản thiên nhiên, quan trắc chỉ tiêu về đa dạng sinh học, quản lý đất ngập nước…).

Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường như phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích, đáp ứng quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn…

Chủ trì tổ chức các hội nghị chuyên đề để rà soát, nghiên cứu, cải thiện trình tự, thủ tục đầu tư đối với các dự án về môi trường, nhất là loại hình dự án xử lý chất thải rắn; sớm ban hành chính sách xã hội hóa (khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân) đầu tư về bảo vệ môi trường, nhất là trong hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải. Sớm tổ chức hướng dẫn, chuyển giao hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường ở cấp bộ, kết nối, chia sẻ với các địa phương.

Rà soát, đánh giá vai trò, bổ sung hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của Quỹ BVMT cấp tỉnh, chức năng thành lập, từ đó hoàn thiện các văn bản pháp lý để Quỹ BVMT cấp tỉnh hoạt động ổn định, có hiệu quả (mở rộng phạm vi hoạt động, loại hình hỗ trợ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân trong BVMT).

Đồng thời, tăng cường các hoạt động đào tạo chuyên môn dành cho cán bộ quản lý môi trường, chú trọng chuyển giao để khai thác, sử dụng các công cụ mô hình, phân tích, dự báo các kịch bản tác động môi trường từng ngành, lĩnh vực, khu vực, lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có dự báo các kịch bản tác động môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO