Cần có cơ chế quản lý, duy tu bảo dưỡng hệ thống cầu treo

04/06/2014 00:00

(TN&MT) - Hiện Cao Bằng có gần 80 chiếc cầu treo lớn nhỏ bắc qua các con sông, suối...

(TN&MT) - Hiện Cao Bằng có gần 80 chiếc cầu treo lớn nhỏ bắc qua các con sông, suối. Tuy nhiên, sau khi đầu tư xây dựng xong đưa vào sử dụng vì chưa có cơ chế quản lý, bảo dưỡng hợp lý nên đa số các cầu này đã bị xuống cấp, hư hỏng, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
       
Cầu treo tổ 10, phường Sông Bằng (Thành phố) bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn là đường huyết mạch duy nhất của 40 hộ dân sống bên kia suối Củn
   
  Đến tổ 10, phường Sông Bằng (Thành phố) chúng tôi phải đi qua 1 chiếc cầu treo nhỏ bắc qua suối Củn. Đây là cây cầu được đầu tư xây dựng từ năm 1966 đã bị xuống cấp trầm trọng. Anh Đặng Trung Sơn, người dân tổ 10 bức xúc cho biết: Cầu làm đã lâu, bị xuống cấp nhưng chẳng được quan tâm đầu tư bảo dưỡng, sửa chữa. Vì đây là cầu huyết mạch phục vụ đi lại của hơn 40 hộ dân bên suối nên năm nào nhân dân tổ 10 cũng phải huy động 1 - 2 lần tiền mua tôn, sắt phi 6..., thuê nhân công kỹ thuật để hàn vá chằng, vá đụp lại mặt cầu, nối lại dây treo. Mỗi lần chỉ được 5 - 6 tháng mặt cầu, dây treo, dầm ngang, dầm dọc... lại bị han rỉ, tổ lại vận động nhân dân đóng góp tiền sửa cầu. Dẫn chúng tôi xuống dưới gầm cầu, chỉ vào những thanh dầm cầu đã bị han rỉ, anh Sơn than thở, chẳng biết khi nào nó bị gãy rời, lúc đó hậu quả sẽ khôn lường.
       
Anh Đặng Trung Sơn chỉ vào những thanh dầm dọc dưới cầu đã bị hoen rỉ
       
Toàn bộ dầm dọc, dầm ngang, tôn tận dụng lát mặt cầu đã bị rỉ sét, mục nát
   
   
       
Thép cổng cầu cũng bị han rỉ
       
Thậm chí chân cổng cầu đã sắt đứt rời
   
  Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, hiện toàn tỉnh có 76 chiếc cầu treo lớn nhỏ. Đa số đây là những chiếc cầu được đầu tư xây dựng đã lâu, hàng năm kinh phí duy tu bảo dưỡng không đáp ứng, lại không được trùng tu, đại tu kịp thời nên xuống cấp trầm trọng. Nguyên nhân do hệ thống cầu treo trên địa bàn tuy thời gian xây dựng khác nhau nhưng đều có tình trạng chung là kết cấu chịu lực chính như cổng cầu thép, cáp chủ, tăng đơ cáp chủ, neo cáp, dây treo, dầm ngang, dầm dọc, cáp chống lắc... từ khi nghiệm thu đưa vào sử dụng đều không được bảo trì thường xuyên. Ván mặt cầu chủ yếu sử dụng gỗ nhóm IV, nhóm V nên dễ mục nát chỉ sau vài năm đưa vào sử dụng. Mặt khác, một số cầu tuy mới đầu tư xây dựng hoặc cải tạo nâng cấp nhưng lắp ráp chưa đúng thiết kế (cáp chủ bị lệch không cân bằng, mặt cầu không đảm bảo độ vồng...); các cấu kiện chịu lực như tăng đơ cáp chủ, tăng đơ dây treo... gia công đạt yêu cầu kỹ thuật.
   
  Qua kiểm tra đánh giá, hiện chỉ có 24 chiếc cầu còn tương đối tốt, 52 chiếc còn lại (chiếm 68%) đã bị xuống cấp, cần trung, đại tu hoặc đầu tư xây dựng mới, thay thế bằng cầu bê tông cốt thép. Trong đó, có 3 chiếc cầu gồm cầu treo bắc qua sông Gâm tại tổ 9, thị trấn Bảo Lạc; cầu bắc qua tổ 10, phường Sông Bằng (Thành phố) và cầu Nà Phường, xã Độc Lập (Quảng Uyên). Ước tính để thay thế, sửa chữa toàn bộ số cầu đã xuống cấp này cần đến hơn 23 tỷ đồng gồm 7 tỷ đồng thay thế 3 cầu treo nói trên; hơn 12 tỷ đồng sửa chữa lớn 7 chiếc cầu khác; 2,5 tỷ đồng sửa chữa vừa 5 cầu cũ và hơn 1,5 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng hệ thống cầu treo còn lại.
   
            Ông Trần Hữu Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Những chiếc cầu đã xuống cấp trên địa bàn nếu không có biện pháp khắc phục, tiếp tục cho khai thác sử dụng nguy cơ mất an toàn là điều khó tránh khỏi. Hiện nay, kinh phí cho mỗi xã được bố trí 30 triệu đồng/năm để duy tu bảo dưỡng đường GTNT. Tuy nhiên, các địa phương đều dùng số tiền này chủ yếu là mua vật tư, xi măng để bê tông hóa đường. Đối với các cầu treo trên địa bàn hoạt động duy tu bảo dưỡng thường chỉ là thay ván mặt cầu khi đã bị quá mục nát. Xã cũng chỉ có thể huy động sức dân chống ngập hố neo, chân cổng cầu... Trong khi đó, đối với các kết cấu chịu lực chính cần sơn sửa, duy tu bảo dưỡng đòi hỏi phải có nhân công lao động kỹ thuật mới có điều kiện thực hiện. Để đảm bảo an toàn giao thông cho hệ thống cầu treo, tỉnh cần bố trí kinh phí thường xuyên cho các địa phương để bảo trì cầu, ít nhất 25 - 30 triệu đồng/cầu để địa phương mua vật tư, thuê nhân công kỹ thuật thực hiện các bước duy tu bảo dưỡng. Mặt khác, các xã cũng cần quan tâm hơn nữa việc huy động sức dân để thực hiện các công việc đơn giản như chống ngập hố neo, chân cổng cầu, thay ván mặt cầu, thường xuyên kiểm tra các kết cấu chịu lực chính, nếu phát hiện bất thường báo ngay cơ quan chuyên môn để kịp thời xử lý.
Ngọc Minh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có cơ chế quản lý, duy tu bảo dưỡng hệ thống cầu treo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO