Cần chiến lược an ninh nguồn nước cho biển đảo Tây Nam

Hùng Long| 10/04/2020 11:03

(TN&MT) - Những ngày này, cư dân ven biển miền Tây quý nước ngọt như “vàng” và hải đảo Tây Nam cơn khát lâu đời càng thêm khốc liệt…

Hòn Hàng thuộc hệ thống rừng đặc dụng quốc gia nhưng không có rừng vì không có nguồn nước ngọt, thảm thực vật nghèo nàn và hầu hết đều bị hủy diệt vào mùa khô

Không có nước ngọt, thảm thực vật bị hủy diệt vào mùa khô

Không chỉ hạn mặn cực đoan, cứ vào mùa khô ra biển Tây Nam, lên đỉnh Hòn Hàng (còn gọi là Hòn Buông ở tọa độ 8053’ vĩ độ Bắc và 104034’ kinh độ Đông), một điểm đảo tiền tiêu, thuộc hệ thống rừng đặc dụng quốc gia, dưới cái nắng gần 40oC, chỉ có đá silic, cỏ cây khô cháy và ngôi miếu hoang dựng sơ sài viếng linh hồn ngư dân tử nạn trong cơn bão Linda 1997, sẽ thấu cảm nhu cầu nước ngọt bức xúc đến mức nào.

Mấy năm trước, Đại úy Trần Bình Phục (Đồn Biên phòng 704 Hòn Chuối), trong một lần tìm kiếm cứu hộ ngư dân Thái Lan, khi hết nước ngọt anh cùng đồng đội cũng đã lên đảo Hòn Hàng nhưng không tìm được nguồn nước và các anh phải cùng nhau dùng chung ít nước mưa còn sót lại trong hốc đá, thấm ướt lưỡi để tiếp tục hành trình.

Nước ngọt là nguồn năng lượng sinh tồn của muôn loài, để những con tàu từ dãi đất liền 40.000km2 vươn ra vùng lãnh hải biển đảo Tây Nam rộng hơn 360.000km2, bảo vệ chủ quyền, khai thác tiềm năng hơn 2.000 loài thủy sản, bể trầm tích dầu khí trải rộng 80.000 km2 dưới thểm lục địa kéo dài từ bờ biển Cà Mau đến Hà Tiên,…

Không phải ngẫu nhiên trên vùng biển này đến giờ vẫn còn tương truyền xưa kia khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, bỏ đất Hà Tiên bôn tẩu ra biển Tây Nam, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, thiếu nước ngọt, quân tướng tìm đến đảo Phú Quốc thì đã rệu rã, tan tác, ông cầm gươm chỉ lên trời khấn vái, xin ban nước, rồi dậm chân, cắm mũi kiếm thần xuống đất, bỗng một dòng nước mát tung vọt lên và quân tướng thoát nạn.

Nhờ dòng nước ấy dân chài tề tựu định cư và họ đặt nhiều tên gọi “Giếng Tiên”, “Giếng Gia Long”, “Giếng Ngự”, rồi xây đền “Minh Vương”, lưu giữ dấu chân Nhà Nguyễn, tôn tạo thành di tích tại khu vực tả ngạn sông Dương Đông, cách thị trấn An Thới hơn 2km.

Giếng Gia Long - di tích mang tính tâm linh thu hút du khách và ngư dân đến đây uống dòng nước thiêng để cầu an

Nguồn năng lượng sinh tồn

Ngày nay, cùng với công nghệ xử lý nước, ngành công nghiệp chế biến nước lọc đóng chai, đóng bình, đông lạnh,… ở các địa phương ven biển và các đảo phát triển, cung ứng cho các hoạt động trên biển đảo đã trở thành thị trường sôi động.

Từ những chiếc ghe cào, hơn 24.000 tàu đánh bắt gần bờ, đến hơn 6.000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ và tàu khai thác dầu khí, tàu buôn,… đều thiết kế, bố trí dự trữ, bảo quản nước ngọt, đảm bảo cơ động trên biển trong mọi tình huống.

Với chỉ tiêu tiết kiệm, tối thiểu bình quân cứ 5 ngư dân vận hành một tàu công suất khoảng 300 mã lực, hoạt động thời gian khoảng 20 ngày trong bán kính 300 hải lý trên biển phải dự trữ hơn 20 tấn nước đá, hơn 7.000 lít nước ngọt.

Mỗi phương tiện đánh bắt xa bờ phải dự trữ hàng chục tấn nước ảnh hưởng nhiều đến khả năng di chuyển và hiệu quả hoạt động

Để giảm áp lực không gian, tải trọng từ việc tích trữ nước ngọt, nâng cao hiệu quả di chuyển, hoạt động trên biển, cùng với việc khuyến khích triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt, nhu cầu tiếp nước cho các phương tiện hoạt động dài ngày trên biển từ các điểm đảo cũng đòi hỏi gia tăng. Tuy nhiên, hệ thống dịch vụ hậu cần tại các điểm đảo đang bước đầu triển khai và ngay tại các đảo thì nhu cầu nước ngọt phục vụ sinh hoạt trong mùa khô xưa nay chưa bao giờ đầy đủ.

“Trong số 150 điểm đảo trên biển Tây Nam có thảm thực vật phong phú và bề mặt đủ rộng để giữ ẩm, trữ nguồn nước rất hạn chế, trong khi biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiệt độ tăng, nắng nóng kéo dài, bốc hơi cao… đang tác động ngày càng làm suy kiệt nguồn nước ngọt trên các đảo” - Tiến sỹ Trương Minh Chuẩn (Trường Đại học Nha Trang - Phân hiệu Kiên Giang), cho biết từ kết quả nghiên cứu thực tiễn.

Mạch nước ngầm quý giá trong hốc đá dưới chân đảo Hòn Chuối

Mạch ngầm quý giá để cư dân bám đảo

Tại đảo Hòn Chuối, dù có rừng nguyên sinh nhưng diện tích đảo chỉ có khoảng 1km2 và độ cao tới 130m và chỉ tìm được một mạch nước ngầm rỉ ra từ hốc đá dưới chân đảo. Từ nhiều năm qua, mạch nước ngầm này là nguồn sống vào mùa khô cho cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng 704 - Hòn Chuối cùng 54 hộ cư dân bám đảo.

Gần đây, Đồn Biên phòng tăng cường bồn trữ nước mưa và được Sở TN&MT Cà Mau hỗ trợ lắp đặt hệ thống thiết bị công nghệ lọc nước biển sử dụng năng lượng mặt trời. Theo tính toán của Thiếu tá Nguyễn Đức Thông - Đồn phó, để lọc được 10 lít nước ngọt từ nước biển phải tốn 1 lít dầu để bơm nước biển từ chân đảo lên đưa vào hệ thống lọc và chất lượng nước lọc cũng không bằng nước ngọt tự nhiên.

Tuy nhiên, vào cao điểm mùa khô cán bộ, chiến sỹ phải quán triệt thực hiện nghiêm việc tiết kiệm nước ngọt để dành nguồn nước ngầm cho cư dân trên đảo và ngư dân trên biển, đồng thời dự trữ sẵn sàng tiếp ứng trong các tình huống khó khăn.

“Chúng tôi giao lại nguồn nước ngầm cho ông Lê Văn Phương (Tổ trưởng Nhân dân tự quản) quản lý, tổ chức cung ứng phục vụ sinh hoạt cho bà con cư dân trên đảo và ngư dân trên biển có nhu cầu, chỉ thu chi phí xăng dầu vận hành, không được bán giá cao” - Thượng tá Trần Quốc Thái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 704 - Hòn Chuối, cho biết.

Ông Phương, đặt đường ống, nối máy bơm hút, cung ứng cho 54 hộ cư dân trên đảo (110 nhân khẩu) sinh hoạt và ngư dân các tỉnh miền Tây đánh bắt xa bờ quanh vùng biển có nhu cầu tiếp nước ghé lại, với mức thu 30.000 đồng/phi (khoảng 200 lít). “Mạch nước này mỗi ngày chỉ có thể chắt được vài trăm lít, nước ngọt sinh hoạt mùa khô thiếu thường xuyên, làm sao để có đủ nguồn nước sạch sinh hoạt chính là mong ước chung của mọi người ở đây” - ông Phương nói.

Cán bộ chiến sỹ các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải, những cư dân đang bám đảo ai cũng thấu rõ nguồn nước là điều kiện tiên quyết duy trì, phát triển mọi hoạt động trên đảo, trên biển và đã trở thành thách thức khi nhu cầu sử dụng không ngừng gia tăng.

Tiến sỹ Trương Minh Chuẩn đã có lý khi cho rằng yêu cầu tích cực thực hiện biện pháp bảo tồn, gia tăng diện tích thảm thực vật bề mặt để tăng cường khả năng thấm và trữ nước ngọt tự nhiên trên hệ thống đảo biển Tây Nam là giải pháp cơ bản, lâu dài nhưng cấp bách trong điều kiện phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần quốc tế và lượng người hoạt động trên biển đảo gia tăng đột biến.

Hệ thống thiết bị ứng dụng công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời do Sở TN&MT Cà Mau hỗ trợ Đồn Biên phòng 704 - Hòn Chuối triển khai ứng dụng

Cần thực hiện giải pháp đồng bộ

Đáng chú ý, quần đảo Phú Quốc, với diện tích đất, thảm thực vật bề mặt và sông, suối phong phú nhất hệ thống đảo biển Tây Nam, nguồn nước ngọt đã trở nên căng thẳng trước tác động của BĐKH trong khi nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng gia tăng, nhất là dịch vụ du lịch.

Nếu như năm 2018 có trên 2 triệu lượt khách, thì năm 2019 đã tăng lên trên 4 triệu lượt khách đến quần đảo này cùng với tốc độ triển khai các dự án xây dựng, phát triển sản xuất kinh doanh, khiến quần đảo này đối mặt nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Hồ chứa Dương Đông, có dung lượng 3 triệu khối, được xây dựng và phục việc cung ứng nguồn nước chủ yếu cho quần đảo Phú Quốc từ gần 20 năm qua giờ đã thiếu hụt. Mới đây, cơ quan chức năng đã cảnh báo và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng tiết kiệm, chủ động chuẩn bị nguồn nước.

UBND huyện Phú Quốc phải chỉ đạo khoan một số giếng nước ngầm gần khu vực hồ nước Dương Đông để ứng phó tình huống xấu có thể xảy ra, mặt khác triển khai các biện pháp khôi phục hệ thống sông, suối, bảo vệ môi trường nguồn nước mặt, đầu tư mở rộng hồ chứa Dương Đông, đồng thời đề xuất tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng một loạt hồ chứa tại các xã Cửa Cạn, Dương Tơ, Hàm Ninh và Bãi Thơm…

Sông Rạch Tràm - một trong những dòng sông cần chú trọng bảo vệ nguồn nước mặt cho quần đảo Phú Quốc

Ngoài các biện pháp tăng diện tích thảm thực vật bề mặt tạo khả năng thấm giữ nguồn nước, ứng dụng công nghệ lọc nước biển, xây hồ chứa đang được chính quyền các địa phương ven biển và hải đảo tập trung thực hiện, trao đổi với phóng viên, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn - người có quá trình nghiên cứu sâu về tài nguyên nước ở miền Tây, cho rằng cần phải bảo tồn cả hệ thống các hồ chứa trên núi từ An Giang qua Kiên Giang để thực hiện giải pháp đồng bộ đảm bảo an ninh nguồn nước cho biển đảo Tây Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chiến lược an ninh nguồn nước cho biển đảo Tây Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO