Cam Lâm (Khánh Hòa): Chấn chỉnh hoạt động khai khoáng

Xuân Lam| 01/03/2022 09:50

Thời gian gần đây, tình trạng khai thác đất san lấp, cát, đá và vật liệu xây dựng trái phép, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc diễn ra thường xuyên ở một số nơi trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Để khắc phục tình trạng trên, mới đây, Huyện ủy Cam Lâm đã ban hành Nghị quyết số 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, không để xảy ra điểm nóng liên quan đến các lĩnh vực này.

Lỏng lẻo công tác quản lý

Theo báo cáo của phòng TN&MT huyện Cam Lâm, thời gian qua, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản thiếu chặt chẽ. Một số địa phương còn buông lỏng và chậm xử lý vi phạm; tình trạng khai thác đất san lấp, cát, đá và vật liệu xây dựng trái phép, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc còn diễn ra thường xuyên ở một số nơi; việc xử lý ô nhiễm môi trường chưa đạt yêu cầu đề ra.

Được biết, trên địa bàn huyện đang diễn ra nhiều dự án lớn dẫn đến nhu cầu về đất san lấp, cát, đá với khối lượng lớn, trong khi nguồn cung ứng khan hiếm. Cùng với đó, hiện nay, khối lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn rất lớn nhưng chủ yếu xử lý bằng chôn lấp, chưa có nhà máy xử lý rác thải hiện đại để giải quyết khối lượng rác thải tương ứng, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, một số quy định của Nhà nước về quản lý tài nguyên, cấp phép khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường còn bất cập; việc triển khai đầu tư dự án xử lý rác thải trên địa bàn huyện còn chậm...

khoang-san-cl2.jpg

Một điểm cải tạo đất trái phép ở Khánh Hòa đã bị xử phạt.

Ông Nguyễn Trọng Trung, Bí thư Huyện ủy Cam Lâm cho biết: Nguyên nhân khách quan là do cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa nâng cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý chặt chẽ về tài nguyên khoáng sản; thiếu giải pháp khả thi, hữu hiệu trong quản lý tài nguyên khoáng sản tại địa phương, chưa quyết liệt trong xử lý các vi phạm.

Các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong tham mưu và thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn có liên quan. Một bộ phận cán bộ, công chức năng lực còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm trong công việc chưa cao. Việc chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, môi trường của một số cá nhân, tổ chức không nghiêm, còn nhiều sai phạm.

Chấn chỉnh hoạt động khai khoáng

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Trung, nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Huyện ủy xác định cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc trong công tác tuyên truyền và hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý tài nguyên, quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường phải được nêu cao; chấn chỉnh và khắc phục kịp thời tình trạng buông lỏng trong quản lý tài nguyên khoáng sản, tăng cường kiểm tra quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Các tổ chức, cá nhân vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định. Bản thân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, môi trường thuộc địa bàn quản lý. Đối với cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp phụ trách lĩnh vực này, nếu có hành vi tiếp tay trục lợi hoặc cố tình vi phạm, cần xem xét trách nhiệm kỹ lưỡng, nghiêm minh hơn, xử lý kỷ luật nghiêm khắc hơn…

Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 7 trường hợp khai thác khoáng sản và cải tạo đất trái phép với tổng số tiền 21,5 triệu đồng. Tuy nhiên, việc phát hiện, theo dõi hoạt động khai thác khoáng sản, cải tạo đất trái phép trên địa bàn còn chậm do cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc dẫn đến chưa đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng khai thác đất san lấp, cát, đá và vật liệu xây dựng trái phép, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc, UBND huyện Cam Lâm cũng ban hành văn bản triển khai việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện giao Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát khai thác khoáng sản tại địa bàn quản lý; ngăn chặn và xử lý nghiêm, dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm; chủ động lập kế hoạch kiểm tra và xử lý các trường hợp cải tạo đất và thu hồi khoáng sản trái phép.

UBND huyện giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND xã Cam Hòa, Cam Hải Tây thường xuyên tuần tra, xử lý dứt điểm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực núi Hòn Thẻ. Thanh tra huyện tham mưu UBND huyện bổ sung kế hoạch thanh tra trách nhiệm công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản đối với UBND các xã: Cam Hiệp Bắc, Sơn Tân và Suối Cát. Phòng Nội vụ rà soát các nội dung UBND huyện đã chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu UBND huyện xem xét trách nhiệm đối với một số lãnh đạo, công chức cấp xã để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan nhưng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả theo các văn bản UBND huyện đã chỉ đạo từ năm 2017 đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cam Lâm (Khánh Hòa): Chấn chỉnh hoạt động khai khoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO