Cam kết đương đầu với BĐKH hướng đến xây dựng thành phố tương lai

19/11/2015 00:00

(TN&MT) - Trong tương lai, việc phát triển các thành phố bền vững đáng sống, bảo tồn hệ sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu của nhiều quốc gia và khu vực.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Áp lực từ các thành phố phát triển

Các thành phố trên toàn cầu đang mọc lên ngày một nhanh chóng – trong 7,2 tỉ người dân số toàn cầu, hơn một nửa đang sinh sống thành phố, con số này được cho là sẽ lên đến 6 tỉ người sinh sống ở các thành phố vào năm 2050, hầu hết ở châu Phi và châu Á. Các thành phố hiện nay đóng góp khoảng ¾ các hoạt động kinh tế toàn thế giới, chiếm giá trị hơn 50 nghìn tỷ USD.

Và chính cư dân của các thành phố này phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề như: tài nguyên và năng lượng hạn chế, sự ấm lên toàn cầu và xã hội lão hóa. Hệ quả là, việc các thành phố hành động (hoặc không) đối với biến đổi khí hậu có thể quyết định đến kết quả cuối cùng của sự nóng lên của trái đất.

Thành phố tương lai hướng tới trọng tâm là con người để từ đó tạo ra các giá trị mới giải quyết những thách thức của môi trường và lão hóa. Đó là yếu tố cần thiết để giải quyết những thách thức như sự nóng lên toàn cầu, giới hạn về nguồn lực và năng lượng, giải quyết vấn đề lão hóa bằng cách thiết lập hệ thống kinh tế xã hội bền vững và đoàn kết xã hội. Yếu tố cơ bản thứ hai là cần xác định thành phố là nơi mà mọi người đều muốn sống và mọi người cần phải có sức sống và vì thế, thành phố phải luôn tạo ra giá trị mới. Yếu tố thứ ba, chất lượng cuộc sống của người dân cần phải được nâng cao nhiều hơn nữa. Thành phố tương lai được định nghĩa như một thành phố mà ở đó giá trị của môi trường, xã hội và kinh tế được nâng cao đến mức độ thỏa mãn của con người.

Nhiều thành phố trên toàn thế giới đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ để đương đầu với biến đổi khí hậu. Hiệp ước các thị trưởng được tuyên bố tại Hội nghị thượng định về khí hậu của Liên hợp quốc tại thành  phố New York, Mỹ đã kêu gọi các thành phố cùng nhau thiết lập các mục tiêu đầy tham vọng và có báo cáo minh bạch thường xuyên về các hoạt động của mình. Thông qua Hiệp ước, một số mạng lưới các thành phố hàng đầu thế giới –  Nhóm thành phố tiên phong về khí hậu C40, Các chính quyền địa phương vì sự bền vững- ICLEI và Các chính quyền địa phương và thành phố đoàn kết (UCLG) – cùng với 25 tổ chức bao gồm Viện nguồn lực thế giới (WRI) đang huy động các thành phố thuộc mạng lưới của mình mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa các cam kết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Thực hành cam kết toàn cầu về phát triển bền vững cấp thành phố

Trong khuôn khổ hoạt động Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5, ngày 19/11, PEMSEA và Việt Nam đã tổ chức các Hội thảo với chủ đề Thành phố tương lai - Tương lai của thành phố với mục tiêu làm nổi bật vai trò quan trọng, mức độ cần thiết của các thành phố, chính quyền địa phương trong khu vực trong việc tham gia và dẫn đầu trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Qua đó, tăng cường nhận thức về những tiến bộ, thành tựu và các thực hành tốt về giảm nhẹ tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp độ thành phố, chính quyền địa phương trong khu vực, sử dụng Quản lý tổng hợp vùng bờ (QLTHVB) như nền tảng và khung quản lý cho các hành động. Tìm kiếm lợi ích và cơ hội để tăng cường các sáng kiến Mạng lưới chính quyền địa phương về biến đổi khí hậu thông qua mối liên kết với các mạng lưới quốc tế của chính quyền địa phương và các chương trình của họ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề liên quan đến phát triển của thành phố tương lai, thành phố đáng sống như: phát triển bền vững  thành phố với hỗ trợ nỗ lực của chính quyền địa phương; giới thiệu về các nỗ lực của Ansan trong chuyển đổi từ khói bụi đến cây xanh, hành động để “tô màu thành phố” như một trong những chương trình hàng đầu vì mục tiêu phát triển bền vững; các thành viên, thành phố thuộc Mạng lưới chính quyền địa phương PEMSEA (Đà Nẵng, Hạ Môn) và Sing-ga-po (điểm trình diễn quản lý tổng hợp vùng bờ của PEMSEA), UCLG, Các thành phố C40… trình bày các chương trình và tiến bộ của mình trong việc tạo điều kiện phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tại các thành phố tương ứng.

Đà Nẵng nỗ lực hướng tới thành phố đáng sống
Đà Nẵng nỗ lực hướng tới thành phố đáng sống

Từ đó, đóng góp tiềm năng cho Hiệp ước các thị trưởng và các cam kết về mục tiêu biến đối khí hậu trong chiến lược cập nhật SDS-SEA. Rút ra các bài học và thực hành tốt trong việc sử dụng QLTHVB như nền tảng cho phát triển bền vững, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Nâng cao nhận thức về các sáng kiến tương tự được thực hiện thông qua mạng lưới quốc tế của các thành phố, chính quyền địa phương.

Hội thảo lần này gửi đến thông điệp chính: các thành phố, chính quyền địa phương phải đi đầu trong các hành động xây dựng nền kinh tế bền vững cùng lúc với đương đầu ảnh hưởng của biến đối khí hậu. Các thành phố,chính quyền địa phương có nghĩa vụ và công cụ để: Thiết lập mục tiêu hữu hình cho phát triển bền vững. Xây dựng các chiến lược để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, một trong những trở ngại chính của phát triển bền vững và các thành phố đáng sống. Giám sát, báo cáo và công bố thông tin về tiến trình và kinh nghiệm trong phát triển bền vững và giảm nhẹ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài & ảnh:Ni Na – Quỳnh Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cam kết đương đầu với BĐKH hướng đến xây dựng thành phố tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO