Cấm con đến lớp để phản đối sáp nhập trường ở Nghệ An: Do dân vận kém?

23/09/2014 00:00

(TN&MT) - Để phản đối việc xóa điểm trường để sáp nhập trường, huyện Đô Lương đã không cho con em mình đến trường học.

   
(TN&MT) - Để phản đối việc xóa điểm trường để sáp nhập trường, phụ huynh của 53 học sinh thuộc làng Văn Hà, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương đã không cho con em mình đến trường học hơn 1 năm nay. Liên tiếp từ sáng 19 đến 22/9 vừa qua, các phụ huynh này đã đưa con em đến phòng tiếp dân UBND tỉnh và Sở GD-ĐT Nghệ An để phản đối. Câu hỏi đặt ra ở đây, phải chăng do công tác dân vận có vấn đề?
   
Điểm trường lẻ làng Văn Hà, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương
   
  Thực hiện chủ trương sáp nhập để nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2012-2013, huyện Đô Lương đã tiến hành sáp nhập 2 khối 4 và 5 từ điểm trường lẻ về trường chính. Năm học 2013-2014, huyện tiếp tục sáp nhập 3 khối 1,2,3 về trường chính. Tuy nhiên sau khi chủ trương được phổ biến thì người dân 3 xóm làng Văn Hà đã phản đối. Ngày 19/08/2013, ngày bắt đầu năm học 2013-2014, trong tổng số 65 học sinh thuộc làng Văn Hà chí có 12 em nhập học. Số học sinh này chủ yếu là con em giáo viên và cán bộ xã. Còn lại 53 em, phụ huynh không cho con em đến trường.
   
  Sáng 19/9 vừa qua tỉnh Nghệ An đã phải huy động lực lượng công an, cảnh sát cơ động, CSGT và dân quân tự vệ được tăng cường để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trước trụ sở UBND tỉnh và trước cổng sở GD-ĐT. Trong khi đó, phụ huynh đưa con, em mình đến với tấm biển treo trước ngực “cháu khao khát muốn học”, “mở điểm trường lẻ cho cháu học”…
   
  Hai tuần trôi qua kể từ ngày khai giảng năm học mới, những học sinh này vẫn chưa được đến trường đi học bởi phụ huynh phản đối việc sáp nhập điểm trường lẻ lên điểm trường chính.
   
Phụ huynh đưa con em mình đến UBND tỉnh và sở GD-ĐT để phản đối sáp nhập trường
   
  Nhiều phụ huynh bức xúc phản ánh, việc chính quyền địa phương và nhà trường “xóa sổ” điểm trường làng Văn Hà theo chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia đang đẩy con em mình rơi vào cảnh thất học.
   
  Theo lý giải của UBND xã Quang Sơn, UBND huyện Đô Lương và phòng GD-ĐT huyện Đô Lương, điểm trường lẻ tại làng Văn Hà được xây dựng từ lâu, phòng học không được đảm bảo cho việc dạy học. Bên cạnh đó, việc đưa học sinh từ điểm trường lẻ lên điểm trường chính nằm trong chủ trương chung của tỉnh về sáp nhập trường và kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện Đô Lương, đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia của xã Quang Sơn.
   
  Tuy nhiên, phụ huynh học sinh của 3 khối lớp 1,2,3 tại điểm trường lẻ làng Văn Hà kiên quyết phản đối chủ trương sáp nhập điểm trường lẻ lên điểm trường chính với các lý do như đường sá đi lại xa xôi, khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ; phụ huynh không có thời gian đưa đi đón về vì đường xa, bận mùa màng…Qua nhiều lần tổ chức đối thoại nhưng giữa phụ huynh và chính quyền xã Quang Sơn, UBND huyện, phòng GD-ĐT Đô Lương vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
   
  Một năm học trôi qua, các em học sinh không được đến trường giờ đã lớn quá tuổi so với tuổi thực đi học, trong đó có nhiều trẻ tuổi lên 7 nhưng không biết mặt chữ.
   
  Chiều 19-9, Sở GD-ĐT Nghệ An tổ chức buổi họp báo về vụ việc học sinh Trường Tiểu học Quang Sơn, xã Quang Sơn chưa đến trường đi học do phụ huynh phản đối việc sáp nhập trường.
   
Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An phát biểu tại buổi họp báo
   
  Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo UBND huyện, phòng GD-ĐT huyện Đô Lương và đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
   
  Ông Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, cho hay điểm trường lẻ làng Văn Hà là một ngôi nhà cấp 4 chỉ có 4 phòng gồm 3 phòng học và 1 phòng kho, được xây dựng 1981 hiện đã xuống cấp trầm trọng. Điểm trường lẻ không có các phòng chức năng, không có công trình vệ sinh và hệ thống nước sạch, không đảm bảo đủ ánh sáng, không có bóng cây xanh. Khoảng cách từ điểm trường chính đến đầu làng Văn Hà là 1,8km, từ điểm trường chính đến điểm trường lẻ là 2,3km. Ngày 5-9-2014, trong số 74 em học sinh làng Văn Hà (bao gồm 21 em từ lớp mầm non lên lớp 1) thì chỉ có 63 em đến khai giảng. Tính đến ngày 16-9-2014, qua nhiều cuộc vận động, tuyên truyền thì vẫn còn 49 em làng Văn Hà chưa đi học (trong đó lớp 1 là 27 em, lớp 2 có 16 em và lớp 3 còn 6 em).
   
  Thời gian qua, một số đối tượng có hành vi phá hoại tài sản nhằm vào những gia đình đưa con đi học như đốt rơm, phá hơn 1000m2 lúa sắp đến thời kỳ thu hoạch. Chính quyền địa phương và nhà trường đã có kế hoạch phân công đứng lớp, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh đi học trở lại. Ngoài biện pháp kiên trì thuyết phục, vận động phụ huynh ngành giáo dục đề nghị công an tỉnh hỗ trợ ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.
   
  Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng, việc sáp nhập điểm lẻ làng Văn Hà lên điểm trường chính là thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp theo nghị quyết 272, tháng 12-2009 của UBND tỉnh Nghệ An để nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc sáp nhập tại địa phương này đang vấp phải sự phản ứng của người dân và phụ huynh. Một em hay 49 em đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đi học là một thiệt thòi lớn cho các em và làm cho ngành giáo dục trăn trở về lương tâm, trách nhiệm đưa các em đến trường theo quyền mà các em đáng lẽ được hưởng.
   
  Về việc sáp nhập các điểm trường lẻ về trường chính tại Nghệ An trong những năm qua là việc làm rất dễ dàng không hề có vướng mắc gì. Thế nhưng, nhiều phụ huynh ở làng Văn Hà lại phản đối với lí do đường xa, không có thời gian đưa đón con đến trường là điều khó hiểu. Thực tế, việc sát nhập điểm lẻ về trường chính cũng chỉ đi xa hơn 2km, với tinh thần hiếu học như đất học Nghệ An thì đây chưa phải là lí do chính. Một làng mà có hàng chục đảng viên, hàng trăm đoàn viên, hàng chục cử nhân, hàng chục sinh viên mà lại hành động như vậy ắt phải có lí do. Điều quan trọng là làm sao để phụ huynh đồng lòng đưa con đến trường trong niềm hân hoan.
   
  Một câu hỏi đặt ra cho sự việc không đang có trên khiến dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng là công tác dân vận của chính quyền địa phương đang có vấn đề?.
   
Đình Tiệp
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấm con đến lớp để phản đối sáp nhập trường ở Nghệ An: Do dân vận kém?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO