Cải tạo thao trường làm mất 400 ngôi mộ

11/05/2015 00:00

Mấy ngày qua, dân làng Nghi An (phường Hoà Phát, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) vô cùng phẫn nộ trước việc doanh nghiệp khai thác đất tại khu vực kho đạn K55 (thuộc...

 

Mấy ngày qua, dân làng Nghi An (phường Hoà Phát, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) vô cùng phẫn nộ trước việc doanh nghiệp khai thác đất tại khu vực kho đạn K55 (thuộc Quân khu 5) đã “múc” đi khoảng 400 ngôi mộ. Số mộ bị múc mất không chỉ là thân nhân của họ mà còn có mộ phần các nghĩa sĩ đã hy sinh trong thời chiến.

Người dân và chính quyền địa phương chuyển 10 ngôi mộ phát hiện an táng lại gần khu vực đào đất.
Người dân và chính quyền địa phương chuyển 10 ngôi mộ phát hiện an táng lại gần khu vực đào đất.

Nghĩa trang lâu đời

Theo ông Ngô Đằng (83 tuổi, trú tổ 15A, thôn Nghi An, P.Hòa Phát) - Chủ tịch Hội đồng chư phái tộc (HĐCPT) thôn Nghi An, có khoảng 400 ngôi mộ thuộc khu nghĩa trủng Hố Kè - Gò Đồ đã bị Cty Tiến Thanh (Q.Cẩm Lệ) khai thác đất bốc đi mất. Đây là công trình san ủi cải tạo mặt bằng thao trường kho kỹ thuật K55 thuộc quản lý của Quân khu 5, theo hợp đồng Cục Hậu cần Quân khu 5 ký với Cty Tiến Thanh vào tháng 5.2014.

“Trong lịch sử Đảng bộ, nghĩa trủng có 2.000 ngôi mộ. Khi Mỹ vào Đà Nẵng đã thông báo dân cất bốc mộ đi chỗ khác. Phía thôn Đông Phước bốc kịp, còn thôn Nghi An không làm kịp nên họ đóng lại. Từ đó đến nay, mồ mả ông bà thôn chúng tôi vẫn nằm ở đó” - ông Đằng nói. Hằng năm, các tộc họ trong thôn làm lễ cúng ở nghĩa trủng. Thỉnh thoảng, HĐCPT thôn Nghi An phải làm đơn xin chính quyền để vào khu đất trên thăm mả hương khói.

Theo HĐCPT thôn Nghi An, mộ âm linh làng Nghi An có khoảng 1.000 ngôi mộ đất nằm tại khu vực Hố Kè - Gò Đồ, nay là khu vực cụm kho CK55. Đây là những ngôi mộ vô chủ, trong đó hầu hết là các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong thời chống Pháp. Cụ thể là mộ của các chiến sĩ bộ đội thuộc Trung đoàn 96 đã hy sinh trong mặt trận tại cầu Bà Điếc (Nghi An) và mộ của các tù binh bị Pháp xử bắn. Trong số bị Pháp bắn chết năm 1952, có 2 liệt sĩ là Phạm Trường (du kích) và Phạm Loan (vệ quốc đoàn) đã được gia đình lén đem xác về chôn. Hiện ông Phạm Tồn là cháu đang thờ cúng tại tổ 13, phường Hòa Phát.

Ngoài ra, còn có mộ của các nghĩa binh của tướng Nguyễn Tri Phương đã chết khi Pháp tấn công thành Thái Phiên, được chôn tại Vũng Bò. Khi Pháp xây dựng sân bay Đà Nẵng, dân làng Nghi An đã chuyển lên.

Không biết mộ đã đi đâu

Ông Nguyễn Lư (87 tuổi, trú tổ 14C, thôn Nghi An) cho biết, gia đình ông có 6 ngôi mộ bị đào đi mất, nay không tìm được. “Năm ngoái tôi có xin vào thăm thì vẫn thấy nguyên xi. Mấy hôm trước, nghe tin anh lái máy múc trong đó ra ăn cơm trong thôn nói múc thấy mộ, chúng tôi vào xem thì mộ đã không còn” - ông Lư nói.

Theo ông Mai Xuân Tuấn - Chủ tịch UBND P.Hòa Phát, hiện tại chưa xác minh cụ thể bao nhiêu ngôi mộ bị múc. Đó là một khu phế tích, cây cối rậm rạp, nhìn bằng mắt thường thì không xác định được khu mộ. Phát hiện sự việc, Cty Tiến Thanh đã có công văn báo cáo lên phường và quận.

Theo bà Nguyễn Thị Trinh - GĐ Cty Tiến Thanh, theo hợp đồng đã ký kết ngày 5.5.2014 giữa Cty với Cục Hậu cần Quân khu 5 thì Cty phải thi công theo các mốc giới đã được Cục Hậu cần Quân khu 5 bàn giao. “Cty không biết và cũng không thấy dấu tích mồ mả. Trong quá trình thực hiện công trình, một số công nhân đã phát hiện có một đền thờ đã đổ nát hoang phế, tuyệt nhiên không thấy mồ mả mà thấy có vài vết cát trắng xuất hiện nên Cty đã dừng thi công” - bà Trinh nói. Thế nhưng, ông Tuấn xác nhận, vào ngày 8.5, chính quyền đã cùng người dân làm lễ táng lại cho 10 ngôi mộ bị phát lộ tại khu vực đào của Cty trên. Những ngôi mộ này còn thấy cả xương người, hộp sọ.

Trước đó, tháng 2.2014, HĐCPT thôn Nghi An đã có đơn đề nghị gửi UBND TP.Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, phòng Chính sách Quân khu 5 và các ban ngành liên quan về việc giữ lại, quy tập và trùng tu mộ âm linh làng Nghi An (nghĩa trủng), nhưng đến nay không nhận được phản hồi nào. Đáng nói, từ năm 2014 đến nay, Quân khu 5 cho phép doanh nghiệp “cải tạo” đất nhưng đất đó lại được chở ra khỏi địa bàn. Bây giờ không ai biết khoảng 400 ngôi mộ và đất đã đổ ở đâu.

“Quan điểm của chính quyền là hoàn thổ, xây lại bờ kè để bảo vệ khu mộ. Chúng tôi sẽ tiến hành cùng các tộc họ làm mộ gió chứ giờ không thể tìm được những mộ đã bị bốc mất” - ông Tuấn nói. Về phía các tộc họ, ông Đằng đề nghị các đơn vị liên quan cần phải hoàn trả lại mặt bằng, kè chống nếu không mùa mưa sẽ trôi hết mộ và phát quang, khoanh vùng tôn tạo.

Trước sự việc nghiêm trọng này, ngày 10.5, Thành uỷ Đà Nẵng đã ra văn bản khẩn chỉ đạo UBND TP nhanh chóng xử lý việc múc đất làm mất đi 400 ngôi mộ. Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng yêu cầu UBND TP đình chỉ ngay việc khai thác đất đồi tại khu vực Nghĩa trang Nghi An và tiến hành làm rõ việc hàng trăm ngôi mộ của nghĩa sĩ, người dân bị đào xới và báo cáo lại cho Thành uỷ.

Theo Báo Lao Động

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải tạo thao trường làm mất 400 ngôi mộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO