Cách xác định hộ đồng bào DTTS được hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt

Phạm Oanh | 30/10/2021, 14:24

(TN&MT) - Gia đình tôi có chồng là người dân tộc thiểu số, bản thân tôi là dân tộc Kinh. Hiện nay, cả gia đình sống tại quê chồng tại xã miền núi, điều kiện khó khăn. Xin hỏi, hộ gia đình chỉ chồng là người dân tộc thiểu số sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ về nước sinh hoạt như thế nào? Căn cứ theo văn bản nào? (Nguyễn Thị Tho, Lào Cai).

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Cách xác định hộ gia đình dân tộc thiểu số

Căn cứ Công văn 1031/UBDT-CSDT năm 2017 xác định hộ gia đình dân tộc thiểu số được xác định là hộ có chủ hộ hoặc có vợ, chồng của chủ hộ là người dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, Điểm a, Khoản 2, Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-UBDT quy định: Đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo (gồm cả dân tộc Kinh) ở xã khu vực III, thôn, bản, buôn, làng, ấp, phum, sóc, xóm... đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, có trong danh sách hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất theo hạn mức đất bình quân chung do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách của Nhà nước hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Riêng các hộ đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, thì không được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề.

Như vậy, dù chỉ có chồng bạn là người dân tộc thiểu số, nhưng gia đình bạn vẫn được xác định là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và được hưởng các chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt.

Gia đình có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt.

Chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt

Chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số và vùng núi đặc biệt khó khăn được quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2017/TT-UBDT. Cụ thể:

Hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 1 của Thông tư này được hỗ trợ bình quân 1.500.000 đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Kinh phí hỗ trợ nước sinh hoạt được sử dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn, xã và điều kiện sinh hoạt của hộ gia đình như: đào giếng; mua vật dụng dẫn nước, trữ nước đảm bảo nguyên tắc các hộ được hỗ trợ kinh phí phải có nước sinh hoạt ổn định và được bố trí ở khu vực thuận tiện cho sinh hoạt gia đình.

Tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, có thể tiến hành hỗ trợ theo nhóm hộ trên cơ sở mức hỗ trợ bình quân là 1.500.000 đồng/hộ để xây dựng những công trình sử dụng chung, nhóm hộ phải tự nguyện, cam kết bảo vệ và duy trì công trình, đảm bảo có nguồn nước ổn định.

Căn cứ vào quy định trên, nếu như gia đình bạn và các hộ gia đình khác thuộc danh sách hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số và vùng núi đặc biệt khó khăn thì được hỗ trợ bình quân mỗi gia đình 1.500.000 đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Nhưng trong trường hợp cần thiết nếu chính quyền địa phương có thể căn cứ vào tình hình thực tế để lên phương án hỗ trợ đối với từng hộ gia đình hay 1.500.000 đồng/hộ để tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt nhưng vẫn trên cơ sở mức hỗ trợ bình quân là 1.500.000 đồng/hộ để xây dựng những công trình sử dụng chung.

Báo Tài nguyên và Môi trường

Bài liên quan
  • Đất thừa kế có được cấp sổ mới hay không?
    (TN&MT) - Tôi vừa được nhận thừa kế 1 mảnh đất diện tích 45m2 từ ông nội. Đất này đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông nội tôi đứng tên. Xin hỏi, khi nhận thừa kế, tôi phải đăng ký biến động đất đai hay xin cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Nếu xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, tôi phải thực hiện đóng những chi phí gì? (Hoàng Văn Dương, Cao Bằng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO