Các nước giàu có hướng tới mục tiêu tài chính khí hậu toàn cầu?

Mai Đan| 06/11/2020 20:56

(TN&MT) - Các nước giàu có đã tăng cường hỗ trợ tài chính để giúp các nước đang phát triển cắt giảm lượng khí thải carbon và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, tuy nhiên, không rõ liệu những quốc gia này có đạt được mục tiêu 100 tỷ USD trong năm nay hay không.

Khói và hơi nước bốc lên từ Belchatow, nhà máy nhiệt điện than lớn nhất châu Âu do Tập đoàn PGE vận hành ở Belchatow, Ba Lan vào ngày 28/11/2018. Ảnh: Reuters

Trong bản cập nhật hàng năm về tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết các nước tài trợ đã đóng góp 78,9 tỷ USD vào năm 2018, năm gần nhất có dữ liệu cung cấp. Con số này có mức tăng 11% so với 71,2 tỷ USD vào năm 2017.

Các quỹ bao gồm các khoản vay, viện trợ không hoàn lại và một lượng nhỏ vốn chủ sở hữu, cùng với các khoản đầu tư tư nhân mà các cơ quan công quyền hỗ trợ huy động.

Năm 2009, các quốc gia phát triển nhất trí tại cuộc họp ở Liên Hợp Quốc cùng đóng góp 100 USD mỗi năm đến năm 2020 cho quỹ tài chính về khí hậu cho các nước nghèo hơn, nhiều nước trong số đó đang chống chọi với tình hình nước biển dâng, bão và hạn hán nghiêm trọng do biến đổi khí hậu.

OECD cho biết, mục tiêu 100 tỷ USD vẫn trong tầm tay, tuy nhiên nguồn tài chính tư nhân huy động, đạt tổng cộng 14,6 tỷ USD trong năm 2018, hầu như không tăng so với một năm trước đó. “Điều đó có nghĩa là cần thêm tài chính công để đạt được mục tiêu đó. Theo xu hướng hiện nay, có thể làm được”, Giám đốc đặc trách khí hậu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Simon Buckle cho biết.

Với các khoản chi cho đại dịch COVID-19 trong năm nay, OECD cho biết vẫn chưa có dữ liệu về cách mà đại dịch này đã ảnh hưởng đến tài chính khí hậu. Mohamed Adow, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Chuyển đổi năng lượng châu Phi (Power Shift Africa) có trụ sở tại Nairobi cho biết: “Các nước phát triển vẫn chưa thực hiện đúng cam kết của họ, cả về số lượng và chất lượng”.

Adow kêu gọi các quốc gia này tăng cường hỗ trợ "thích ứng với khí hậu" - chẳng hạn như các biện pháp phòng thủ chống lại thời tiết khắc nghiệt hoặc các phương pháp thích ứng với các phương thức canh tác trong thời kỳ hạn hán và lũ lụt.

Năm ngoái, chỉ 1/5 quốc gia đóng góp toàn cầu cho việc thích ứng, trong khi hầu hết hỗ trợ tập trung vào việc cắt giảm phát thải khí nhà kính ở các nước đang phát triển.

Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên được cho là nhà cung cấp tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu lớn nhất cho các nước đang phát triển. Tuần trước, EU cho biết Liên minh cũng tăng mức đóng góp trong năm 2019, lên 21,9 tỷ Euro.

Theo Tổng hợp từ Reuters
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nước giàu có hướng tới mục tiêu tài chính khí hậu toàn cầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO