Các nhà máy nhiệt điện của EVN nỗ lực vì môi trường

Lan Anh| 25/03/2021 11:18

(TN&MT) - Trước sự thay đổi các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong những năm gần đây, EVN đã từng bước chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện lập phương án cải tạo phù hợp, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trong tình hình mới.

Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang quản lý 20 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất đặt trên 16.000 MW. Trong đó, 11 nhà máy nhiệt điện than, 3 nhà máy chạy dầu FO, 2 nhà máy tua bin khí chạy dầu DO và 4 nhà máy tua bin khí. Các nhà máy này phân bố rải rác trên cả nước, cùng với các nhà máy thủy điện góp phần cung cấp điện ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện QCVN 22:2009/BTNMT ban hành năm 2009 cho phép các nhà máy nhiệt điện vận hành trước năm 2005 áp dụng một mức ngưỡng nồng độ khí thải cao hơn các nhà máy mới đưa vào vận hành sau năm 2005. Tuy nhiên, ngày 1/1/2015, quy định trong QCVN đã buộc các nhà máy nhiệt điện này cũng phải đáp ứng yêu cầu khắt khe như các nhà máy được xây dựng sau năm 2005.

Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng

Để đáp ứng hệ quy chuẩn mới, các nhà máy nhiệt điện than chưa có hệ thống khử NOx, Sox phải lắp đặt mới các bộ khử này. Việc này cũng đòi hỏi phải cần vốn đầu tư, thời gian, không gian để lắp đặt các thiết bị. Chính vì vậy, EVN đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện đánh giá tình trạng hoạt động thiết bị bảo vệ môi trường tại đơn vị, khả năng đáp ứng yêu cầu mới về môi trường và lập phương án cải tạo phù hợp cho các nhà máy điện không đạt tiêu chuẩn mới về môi trường.

Theo đó, đối với các nhà máy nhiệt điện đốt than mới đầu tư, tuy đã đáp ứng được yêu cầu về môi trường, nhưng cũng cần phải giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống thiết bị xử lý khí, bụi, đảm bảo phát huy hiệu quả, hiệu suất làm việc (Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Mông Dương 1, Nghi Sơn 1).

Để tạo sự minh bạch và xây dựng lòng tin của chính quyền và người dân đối với công tác xử lý môi trường của các NMNĐ, hiện nay, gần như 100% các NMNĐ mới của EVN đều đã hoàn thành, hoặc đang khẩn trương triển khai các hệ thống quan trắc, giám sát liên tục (Camera Online) tại tất cả các điểm thải ra của nhà máy. Các tín hiệu này được kết nối về tận các ban ngành liên quan của các tỉnh, để chính quyền và nhân dân trong tỉnh than gia giám sát, kiểm tra.

Các nhà máy nhiệt điện cũ cũng đã tiến hành cải tạo, đầu tư lắp đặt thiết bị bảo vệ môi trường tại nhà máy, đáp ứng được yêu cầu mới. Theo ông Nguyễn Anh Tài, Phó Tổng giám đốc EVN, khối lượng công việc cần thực hiện để đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn mới về môi trường là rất lớn, nhiều thủ tục và chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên, EVN, các tổng công ty phát điện quyết tâm thực hiện với yêu cầu cao nhất. Theo đó, trong quy hoạch thiết kế, xây dựng các nhà máy nhiệt điện than cần có diện tích dự phòng hợp lý, có tính đến phương án đầu tư, lắp đặt thêm thiết bị xử lý bụi, khí thải, bảo vệ môi trường cũng như cải tạo hệ thống thiết bị, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

Các biện pháp bảo vệ môi trường cần được xem xét, đánh giá tổng hợp, áp dụng trong các giai đoạn khác nhau của dự án nhà máy nhiệt điện đốt than. Đồng thời cần đưa những yêu cầu cụ thể về bảo vệ môi trường trong xây dựng hồ sơ mời thầu, từ đó, có đủ cơ sở buộc nhà thầu phải tuân thủ, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường khi thiết kế và xây dựng nhà máy nhiệt điện.

Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương cho biết, 100% các dự án công trình điện của EVN đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư đều đã lập/trình thẩm định và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường dự án.

Hệ thống các bồn chứa nước của Nhà máy Nhiệt điện Nghi sơn

Tại các nhà máy nhiệt điện của EVN được lắp đặt bổ sung thiết bị/hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động, liên tục; được đầu tư các hệ thống xử lý khí thải và duy trì tốt sự vận hành nhằm bảo đảm quy chuẩn của Việt Nam. Bên cạnh đó, EVN cũng đã thường xuyên chỉ đạo và giám sát các đơn vị quản lý bãi xỉ đảm bảo vận hành an toàn, kiểm soát và thường xuyên quan trắc định kỳ công trình. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, làm vật liệu san lắp...

Đặc biệt, với tinh thần tích cực hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, các nhà máy nhiệt điện cũng đã và đang tiếp tục thực hiện chăm sóc và trồng mới bổ sung thêm nhiều cây xanh trong khuôn viên nhà máy, đồng thời phát huy hiệu quả che chắn bụi.

Trong chuyến công tác mới đây tại một số nhà máy nhiệt điện của EVN, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội Trần Văn Minh nhận định: Đoàn công tác đánh giá cao việc EVN đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của đoàn giám sát Ủy ban KHCN&MT Quốc hội. Một số kết quả đáng chú ý theo đánh giá của đoàn công tác gồm: EVN đã hoàn thiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo pháp luật; triển khai lắp đặt một số bảng điện tử hiển thị công khai thông số quan trắc môi trường. EVN cũng đã tổ chức rà soát và triển khai quan trắc môi trường liên tục với 1 số thông số; đầu tư trang thiết bị bảo vệ môi trường. Cùng đó, EVN đã đẩy mạnh tiêu thụ tro xỉ và đạt được những kết quả tích cực nhất định.

Trong thời gian tới, Đoàn giám sát Uỷ ban KHCN&MT Quốc hội yêu cầu EVN tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; duy trì thực hiện các thủ tục bảo vệ môi trường với các dự án đầu tư mới. EVN cần chỉ đạo các đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng môi trường ISO 14001; triển khai quan trắc môi trường liên tục với đầy đủ thông số và tiếp tục kết nối về các cơ quan quản lý Nhà nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các nhà máy nhiệt điện của EVN nỗ lực vì môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO