Các luật sư đồng loạt đề nghị tòa tuyên vô tội cho nguyên Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Vifon

15/05/2014 00:00

(TN&MT) - Khi “chốt” lại các bài bào chữa là các luật sư đều khẳng định thân chủ mình không phạm tội và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên trả lại tự do cho...

   
(TN&MT) - Hôm qua (14/5), ngay sau khi Đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ Công ty Vifon nêu quan điểm, các luật sư tiến hành bào chữa cho các bị cáo. Đáng lưu ý khi “chốt” lại các bài bào chữa là các luật sư đều khẳng định thân chủ mình không phạm tội và đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên trả lại tự do cho các bị cáo.
   
   
  Buổi chiều ngày xét xử thứ 3 (14/5), Đại diện VKS nêu quan điểm về vụ án: Theo VKS, tại bản án sơ thẩm ngày 27/11/2013 tuyên tội “tham ô” đối với Nguyễn Thanh Huyền và tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" đối với Nguyễn Bi là có cơ sở.  Đối với bị cáo Đàm Tú Liên; Ka Thị Thu Hồng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và Dương Thị Mẫn xin miễn trách nhiệm hình sự, VKS cho rằng không có căn cứ để xem xét.
   
  Về kháng cáo của Nguyễn Thanh Huyền và bị cáo Nguyễn Bi, liên quan tới tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, VKS đề nghị HĐXX  tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại.
   
   
  Ngay sau khi VKS nêu quan điểm vụ án, Tòa tiến hành cho các luật sư bào chữa cho các bị cáo.
   
  Luật sư Phan Trung Hoài (Trưởng Văn phòng luật sư Phan Trung Hoài – bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền) đã cho rằng bản án sơ thẩm đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Cụ thể, vị luật sư dẫn chứng là trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa sơ thẩm xác định có 3 nguyên đơn dân sự, bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Công ty Vifon. Tuy nhiên, ngay từ phần thủ tục phiên tòa vào sáng 21/11/2013, khi được hỏi về tư cách tham gia phiên tòa, đại diện Bộ Công Thương đã kiên quyết từ chối tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án, mà chỉ tham gia “nhằm rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành, quản lý doanh nghiệp”. Đại diện Bộ Công Thương cũng từ chối trả lời những vấn đề liên quan và không có mặt tại phiên tòa trong những ngày còn lại, đại diện Bộ Tài chính được triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng.
   
  Tuy vậy, tại Bản án sơ thẩm, HĐXX lại xác định Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) là Bộ quản lý ngành và là đại diện chủ sở hữu vốn đối với Công ty Vifon. Tòa sơ thẩm đã tuyên buộc bị cáo Nguyễn Thanh Huyền phải bồi thường số tiền 9.8 tỉ đồng cho Bộ Công Thương. Vì lẽ đó, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng xác định tư cách nguyên đơn dân sự của Bộ Công Thương và quyết định buộc bà Huyền phải bồi thường số tiền nói trên là không có căn cứ về mặt pháp lý, do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong việc xác định tư cách nguyên đơn dân sự của Bộ Công Thương, xác định khoản tiền có nguồn gốc là tài sản của Nhà nước không đúng đắn.
   
   
  Liên quan tới tố tụng, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, trong quá trình điều tra, Bộ Công an đã phát hiện, thu giữ số tiền 43 tỉ đồng là nguồn tiền Công ty Vifon thu hồi vốn liên doanh. Tuy nhiên, cáo trạng và bản án sơ thẩm lại cho rằng khoản tiền trên không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án nên Cơ quan điều tra tách riêng, xử lý tịch thu sung công quỹ” là hoàn toàn không thỏa đáng, làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Bởi lẽ việc quy buộc tội danh và hình phạt đối với Nguyễn Thanh Huyền không bảo đảm căn cứ và đúng pháp luật, xuất phát từ chính đơn tố cáo sai sự thật của ông Nguyễn Văn Bên cho rằng bà Huyền chiếm đoạt 26 tỉ đồng trong tổng số tiền 43 tỉ đồng nói trên. Kết quả điều tra vụ án cho thấy bà Huyền hoàn toàn không chiếm đoạt khoản tiền nói trên trong số tiền 43 tỉ đồng, nhưng các Cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét bản chất nguồn gốc số tiền 43 tỉ đồng lại xử lý tịch thu sung công quỹ hoàn toàn không theo bất cứ trình tự tố tụng hình sự hay hành chính.
   
  Ông Nguyễn Văn Bên (Nguyên Tổng giám đốc Vifon) người làm đơn tố cáo ngày 01/03/2008  nộp cho Cơ quan điều tra (ngày 04/12/2009) toàn bộ số tiền 43 tỉ đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, bản án tuyên kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Văn Bên, điều đó chứng minh bản chất vụ án xuất phát từ lá đơn tố cáo sai sự thật của ông Nguyễn Văn Bên nguyên Tổng Giám đốc Công ty Vifon đối với bà Huyền, trong khi ông Bên giữ chức vụ Tổng giám đốc từ tháng 05/2005 là chủ tài khoản, là người đại diện pháp luật, cho đến tháng 12/2012 ông Bên chính thức nghỉ làm việc tại Công ty Vifon.
   
  Liên quan đến vấn đề giám định trong vụ án, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng việc cơ quan chức năng  xác định tổng số tiền mà các bị can đã gây thiệt hại cho Công ty Vifon từ năm 2002-2007 và xác định số tiền mà các bị can đã chiếm đoạt nhưng lại khẳng định là “toàn bộ các chứng từ liên quan đến việc giả thu, giả chi, chi khống ra khỏi quỹ Công ty Vifon…” là không phù hợp. Cơ quan điều tra kết luận khẳng định một loạt hành vi sai phạm và chiếm đoạt tiền của ông Nguyễn Bi và bà Nguyễn Thanh Huyền dẫn đến việc giám định và quy buộc không đúng chức năng, thẩm quyền và thiếu căn cứ của giám định viên. Việc Cơ quan điều tra yêu cầu Giám định viên Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh “xác định trách nhiệm của các bị can, các đối tượng có liên quan…”, đồng thời đề nghị giám định viên xác định “số tiền đã bị thiệt hại, bị chiếm đoạt” là trái với thẩm quyền của cơ quan giám định, đồng nghĩa với việc đã kết tội các bị can trước khi trưng cầu giám định và có kết quả giám định…
   
  Kết thúc bài bào chữa, luật sư Phan Trung Hoài đã đề nghị HĐXX xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng tuyên bố bà Nguyễn Thanh Huyền không phạm các tội như bản án sơ thẩm đã quy buộc, khôi phục các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Thanh Huyền theo quy định của pháp luật. Cũng theo luật sư Phan Trung Hoài, trong trường hợp qua thẩm tra công khai, các vấn đề liên quan đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án bị sự tác động của các yếu tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng như mà cấp phúc thẩm không có điều kiện làm rõ được thì HĐXX hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để tiến hành điều tra xét xử lại từ giai đoạn sơ thẩm theo thủ tục chung.
   
   
  Cũng trong ngày xét xử thứ 3, bị cáo Nguyễn Bi cũng được luật sư bào chữa công khai tại tòa. Luật sư bào chữa cho bị cáo này là Lê Hồng Nguyên đã đề nghị HĐXX tuyên Nguyễn Bi không phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
   
  Bảo vệ quan điểm cho đề nghị tuyên Nguyễn Bi không phạm tội, Luật sư Lê Hồng Nguyên nêu ba nguyên nhân, đó là chưa đủ tính thuyết phục khi VKS cho rằng khoản tiền 9,8 tỉ đồng là tiền nhà nước; việc Nguyễn Bi ký quyết định khen thưởng sau đó nghỉ hưu là vi phạm gián tiếp vì bị cáo này không trực tiếp ký xuất tiền thưởng; mặc khác trong số các bút lục (khoảng 71 trang mà luật sư trình tại phiên tòa phúc thẩm này) cho thấy tòa chưa làm rõ đâu là khoản tiền mà Nguyễn Bi được nhận từ Công ty Vifon. Về nội dung này, luật sư đã dẫn chứng Nguyễn Bi còn lại các khoản tiền tại Công ty Vifon nhiều hơn số tiền mà Nguyễn Bi đã nhận...
   
  Sau phần bào chữa của luật sư Lê Hồng Nguyên, Chủ tọa phiên tòa cho ngày xét xử thứ 3 kết thúc. Tòa cũng thông báo hôm nay (15/5), tòa sẽ cho các luật sư của 3 bị cáo còn lại của vụ án là Đàm Tú Liên; Ka Thị Thu Hồng và Dương Thị Mẫn bào chữa. Sau đó sẽ là phần tranh luận công khai tại tòa giữa đại diện VKS và các luật sư…
   
  Bài & ảnh: Tân Châu
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các luật sư đồng loạt đề nghị tòa tuyên vô tội cho nguyên Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc Vifon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO