Các doanh nghiệp môi trường Hà Nội: Bấp bênh trước nhiều nỗi lo - Bài 2: Mong chờ những giải pháp môi trường căn nguyên

Quan Hưng - An Thanh| 28/07/2022 23:18

(TN&MT) - Như trước đó Báo TN&MT đã phản ánh về tình trạng bù chênh lệch lương và nhiên liệu giữa giá duyệt gói thầu ban đầu với chi phí thực để đảm bảo vận hành gói thầu hiện tại của các doanh nghiệp môi trường trên địa bàn Hà Nội, một số chuyên gia, cán bộ, kỹ sư hoạt động trên lĩnh vực môi trường cũng chỉ ra một số bất cập, khó khăn và mong muốn cơ quan chức năng có những giải pháp mang tính căn nguyên để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Liên tục những ngày tháng 6 và đầu tháng 7, rác thải ùn ứ gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội. Mặc dù các nhà thầu đã cố gắng khắc phục, tuy nhiên, nhu cầu xử lý rác có thời điểm vượt quá khả năng. Bên cạnh nguyên nhân quá tải bãi tiếp nhận, dừng tiếp nhận để gia cố kỹ thuật đảm bảo an toàn… thì việc chênh lệch giữa giá duyệt gói thầu ban đầu với chi phí thực để đảm bảo vận hành gói thầu hiện tại có mức khá cao chính là một trong những rào cản. Trong khi đó, mùa mưa bão đang tới rất gần, nguy cơ gây ra các sự cố môi trường từ thiên tai là điều khó tránh.

“Kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi”

Trước những khó khăn đã chỉ ra, ngày 20/5, đại diện các doanh nghiệp môi trường tại Hà Nội đã có văn bản kiến nghị việc: "Kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết về chênh lệch tiền lương, nhiên liệu thuộc gói thầu vệ sinh môi trường giai đoạn 2017 - 2020 và cơ chế bù giá chênh lệch nhiên liệu, vật tư thuộc gói thầu vệ sinh môi trường giai đoạn 2021 - 2023", sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp môi trường tới chỗ phá sản, thâm hụt vốn.

duong-vanh-dai-3-ngap-sau-do-con-mua-lon-chieu-29.5-anh-thanh-chung.png
Cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và cảm thông với nỗi vất vả của những người công nhân môi trường. (Ảnh Thành Chung chụp tại Đường vành đai 3  Hà Nội sau một cơn mưa lớn)

Chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp môi trường công ích, trong một trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Văn Liên - Chủ tịch Hội Môi trường đô thị Việt Nam cho rằng, không chỉ có Hà Nội mà nhiều địa phương khác trên cả nước, doanh nghiệp công ích môi trường cũng đang có ý kiến do biến động giá xăng dầu (tăng nhiều hơn giảm) và chênh lệch tiền lương, trong khi cơ quan quản lý lại chậm điều chỉnh.

Để minh chứng cho điều đó, ông Liên chỉ rõ, Điều 20 Luật Giá năm 2012 số 11/2012/QH13 về nguyên tắc định giá của Nhà nước quy định: Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá trị thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.

Ngoài ra, tại phần hướng dẫn áp dụng tập đơn giá được ban hành kèm theo Quyết định 453/QĐ-UBND ngày 21/1/2022 của UBND thành phố có nêu: "Khi Nhà nước ban hành những chế độ, chính sách hoặc có những biến động lớn về các chi phí dẫn đến thay đổi đơn giá, sở chuyên ngành được giao quản lý duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh gửi Sở Tài chính thẩm định làm cơ sở trình UBND thành phố xem xét, điều chỉnh".

Trên cơ sở phân tích thực tế và các văn bản luật, quyết định, quy định, ông Liên cho rằng, thành phố đang chậm bù chênh lệch tiền lương giai đoạn 2017 - 2020 và bù chênh lệch giá nhiên liệu giai đoạn từ năm 2021 đến nay cho các doanh nghiệp môi trường trên địa bàn.

Trước băn khoăn của doanh nghiệp và các chuyên gia, tại văn bản số 5994/VP- KTTH ngày 23/6 về tháo gỡ khó khăn trong công tác thanh toán các gói thầu vệ sinh môi trường có nêu: Căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài chính, đơn vị liên quan, rà soát thống nhất tham mưu, báo cáo với UBND thành phố để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay các sở, ngành, đơn vị liên quan vẫn chưa đưa ra phương án tháo gỡ.

Xem trọng các giải pháp kỹ thuật và yếu tố con người

Trong khi những khó khăn trên chưa được tháo gỡ thì trên địa bàn Hà Nội, tình trạng rác thải dồn ứ thi thoảng lại diễn ra. Đơn cử như trong tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đã phải gửi văn bản đề nghị tạm dừng tiếp nhận rác tại bãi Xuân Sơn (thuộc thị xã Sơn Tây, Ba Vì) mà đơn vị được giao quản lý. Nguyên nhân là do lượng nước rỉ rác phát sinh tại bãi là khoảng 700 - 800 mét khối/ngày đêm, trong khi trạm xử lý nước thải duy nhất tại bãi của Công ty cổ phần môi trường đầu tư Sơn Tây đã dừng hoạt động từ ngày 1/6/2022 dẫn đến lượng nước rỉ rác hằng ngày không được xử lý, trong khi lượng nước rác lưu chứa tại hồ đến ngày 23/6 là 70.152 mét khối/ 71.000 mét khối, đe dọa mất an toàn vệ sinh môi trường đối với người dân và các công trình lân cận.

xs3.jpg
Hồ chứa nước rác Khu LHXL chất thải Xuân Sơn đã được gia cố sau cơn mưa. Ảnh Hà Nguyễn

Cũng vào thời điểm đó, ngày 23/6, ghi nhận của PV cho thấy, tại bãi Nam Sơn, cán bộ, công nhân đang tận dụng từng chút thời gian gia cố đường, mở rộng sân quay cho xe lên bãi nhằm nâng khả năng tiếp nhận rác. Ông Cao Vân Khánh - Phó Giám đốc Chi nhánh Nam Sơn cho biết: “Chúng tôi xác định không chỉ trước mắt mà cả tới đây, nhất là thời điểm mưa bão, nếu bãi rác Xuân Sơn ngừng tiếp nhận, rác có thể sẽ chuyển cho Nam Sơn. Vì vậy, cán bộ, công nhân, người lao động hiện đang phải tăng ca để chủ động trong mọi tình huống. Tuy nhiên, sức người có thể huy động được, nhưng vật liệu cho thi công mở rộng sân quay như bê tông tấm thì nằm ngoài chức năng của đơn vị. Vì vậy rất mong các cơ quan chức năng tăng cường phối kết hợp để đảm bảo cho yêu cầu xử lý rác kịp thời”.

z3593909802924_82670a3474be327be862a8e8c593f8f4.jpg
13h16', cán bộ kỹ thuật và công nhân tại Khu liên hợp XLCT Nam Sơn vẫn chưa ăn trưa, xe vẫn tiếp tục chở đất đến, máy xúc vẫn miệt mài san lấp mở rộng đường lên bãi. Ảnh Việt Hải

Để rõ hơn về thực trạng tại các bãi tiếp nhận xử lý rác, PV đã trực tiếp mục sở thị hiện trạng. 13h16’, cán bộ, công nhân vẫn chưa ăn trưa, xe vẫn tiếp tục chở đất đến, máy xúc vẫn miệt mài san lấp mở rộng đường lên bãi. Khi được hỏi họ sẽ ăn trưa như thế nào, Phó Giám đốc Cao Vân Khánh cho biết: “Anh em sẽ tranh thủ ăn tại đây để ăn xong còn bắt tay vào công việc luôn chứ đi lại mất thời gian lắm”. Ông Khánh cho biết thêm: “Việc cán bộ, công nhân tranh thủ làm thông trưa hay thâu đêm suốt sáng ở đây diễn ra hằng ngày chứ không riêng gì những đợt cao điểm. Chúng tôi cũng phải chuẩn bị cho mùa mưa bão đang tới rất gần”.

z3547665035448_36d181aec3e330c9e22724c058dfc5c6.jpg
Một công nhân tranh thủ ăn trưa tại bãi để tiết kiệm thời gian. Ảnh: Hà Nguyễn

Trưởng phòng Kế hoạch Điều độ Chi nhánh Nam Sơn Lê Duy Dũng - người trực tiếp lái chiếc xe tải đưa chúng tôi lên bãi giải thích thêm, vào những ngày mưa, đường lên bãi bị sình lầy, sụt lún gây khó khăn cho các phương tiện vận chuyển rác và việc đi lại của cán bộ, công nhân. Đó là chưa kể lượng nước mưa gây áp lực lên các hồ chứa và cống bao, đe dọa an toàn về môi trường. Như trường hợp tại bãi Xuân Sơn vừa qua là ví dụ.

Theo Trưởng phòng Lê Duy Dũng, mặc dù thời điểm đó, nhà thầu đã khắc phục sự cố kỹ thuật để đảm bảo cho Xuân Sơn tiếp tục tiếp nhận rác nhưng với sức chứa từ 4 hồ lưu chứa nước rác đã gần quá tải của bãi rác Xuân Sơn, nếu mưa lớn bất thường, kéo dài, rất có thể sẽ xảy ra sự cố tràn nước rỉ rác ra môi trường.

z3591051066342_fc8002cdcbdfe9989709144105841ec5.jpg
Trưởng phòng Kế hoạch Điều độ Lê Duy Dũng quan sát hiện trường để tính phương án mở rộng đường lên bãi. Ảnh: Phạm Hòa

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện cơ quan chức năng đang đề ra yêu cầu đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác chất lượng A tại khu công nghệ xử lý rác thải như Xuân Sơn. Thế nhưng, trong một trao đổi, bộ phận kỹ thuật của Khu Liên hợp xử lý chất thải Xuân Sơn cho rằng, việc đầu tư như vậy đòi hỏi thời gian đáp ứng đủ quy trình phải từ 9 - 12 tháng; vì vậy, các kỹ sư đưa ra ý tưởng đề xuất nâng cấp công nghệ xử lý nước rỉ rác chất lượng B hiện có tại các khu liên hợp xử lý chất thải theo phương án vừa làm vừa khắc phục. Thời gian cho thực hiện quy trình nâng cấp diễn ra chỉ trong khoảng 3 - 4 tháng. Quá trình nâng cấp hoàn thiện công nghệ đảm bảo không gây gián đoạn hoạt động, đồng thời tận dụng được cơ sở hạ tầng hiện có, tiết kiệm được chi phí đầu tư ban đầu mà vẫn đảm bảo chất lượng đề ra. Mong muốn của những người làm công tác kỹ thuật là sớm đưa được ý tưởng này đến với các sở, ban, ngành chức năng để có thể ứng dụng kịp thời.

xs4(1).jpg
Vừa duy trì sản xuất vừa khắc phục, nâng cấp hệ thống công nghệ xử lý nước rỉ rác chất lượng B hiện có là giải pháp ý tưởng của các kỹ sư. Ảnh: Hà Nguyễn

Trong khi rất nhiều vấn đề còn đang dang dở, chưa được giải quyết dứt điểm và các ý tưởng, đề xuất chưa thành hiện thực thì mùa mưa bão đang tới rất gần. Biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết, thiên tai ngày càng trở nên phức tạp, khó lường. Nếu không giải quyết các vấn đề mang tính căn nguyên, e rằng, sự cố ô nhiễm môi trường từ rác vẫn tiếp diễn; một số doanh nghiệp môi trường năng lực hạn chế trên địa bàn Hà Nội cũng sẽ khó duy trì hoạt động sản xuất; điều này tiếp tục gây áp lực lên các doanh nghiệp còn trụ lại. Hy vọng các cơ quan chức năng sớm có giải pháp khả thi để công tác duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường không còn tình trạng bấp bênh trước nhiều nỗi lo "vỡ trận".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các doanh nghiệp môi trường Hà Nội: Bấp bênh trước nhiều nỗi lo - Bài 2: Mong chờ những giải pháp môi trường căn nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO