Cà Mau: Gian nan cuộc chiến chống sạt lở

27/10/2016 00:00

Cứ mỗi mùa mưa bão, hàng trăm ha đất rừng ven biển Tây của tỉnh Cà Mau lại bị sóng cuốn trôi ra biển. Nhiều đoạn, rừng đã mất hết, tạo cơ hội để biển uy hiếp đê, phải khẩn cấp khắc phục...

Biển bạc "gậm nhấm" rừng vàng

Toàn tuyến đê biển Tây của Cà Mau dài khoảng 108km. Trước đây, tuyến đê này nằm sâu trong diện tích rừng phòng hộ. Thảm rừng dày hơn 1km chính là nơi chắn sóng gió bảo vệ đê và hàng ngàn hộ dân sống dọc chân đê. Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng biển này rất ít được bồi đắp, sóng lớn cùng thủy triều hoành hành đã cuốn trôi hàng ngàn ha đất rừng.

Theo đánh giá, mỗi năm trung bình thảm rừng ven biển Tây bị cuốn mất khoảng 50m lấn sâu vào bên trong thềm lục địa. Nhiều đoạn mất khoảng 10 m/tháng. Có mặt tại đoạn đê thuộc ấp 11, xã Khánh Tiến (huyện U Minh) chúng tôi ghi nhận sự “cướp đất” khủng khiếp của biển cả. Trước mắt chúng tôi là một vựa thu mua hải sản nằm cô đơn giữa biển trên bãi đất chỉ khoảng 2 công.

Anh Lê Ngọc Huỳnh, cán bộ quản lý đê cho biết vào khoảng năm 2012, vạt rừng tại đây kéo dài ra ngoài biển khoảng 200m. Ngôi nhà cô đơn trước mặt nơi chúng tôi đứng cũng cách biển chừng ấy. Mỗi năm biển lấn dần, đến nay đã cuốn hết rừng, sóng biển đánh vào tới tận chân đê. Chủ vựa đã phải nhiều lần gia cố kè mới giữ được cái chỗ mua bán hải sản.

Những năm gần đây tình hình sạt lở ven biển Tây của Cà Mau diễn ra rất nhanh
Những năm gần đây tình hình sạt lở ven biển Tây của Cà Mau diễn ra rất nhanh

Nhiều hộ sống quanh đây phải dọn nhà đi nơi khác ở, vì sợ một ngày nào đó biển sẽ bứng cả nhà họ ra đại dương. Chỉ tay xuống mép biển, ngổn ngang mớ rọ đá bên dưới, anh Huỳnh cho hay, khoảng 2 tháng trước, vùng biển này động dữ quá. Sóng lớn đánh liên tục, một số kè rọ đá nằm ở chân đê chỉ lo sóng kéo ra biển. Anh phải báo cáo khẩn cấp lên trên, lãnh đạo xuống khảo sát và cho gia cố lại kè.

Anh Huỳnh về bám địa bàn này được khoảng 4 năm rồi. Khi anh về phụ trách cũng là thời điểm cao trào biển “gặm” đất rừng. Năm nào vào mùa mưa, cứ mỗi tuần anh đều phải đi đo diện tích rừng để có số liệu báo cáo cụ thể. Cái chuyện anh tận mắt thấy từng mảng rừng mắn, rừng đước bị sóng biển cuốn trôi thì khá thường xuyên. Trên đoạn đê kéo dài khoảng 14km này, đoạn nào lở nhiều, lở ít, cách chân đê bao nhiêu anh nắm rất rõ. T

hời gian qua, do ảnh hưởng liên tục của những cơn bão gần bờ, tình trạng sạt lở diễn ra rất nhanh. "Khoảng 2 tháng nay, đoạn rừng giao giữa ấp 10 và ấp 11 xã Khánh Tiến, mỗi tháng tôi đo mất khoảng 10m rừng”, anh Huỳnh lo lắng nói.  

 Đâu cũng sạt lở, mất đất

 Rời xã Khánh Tiến, chúng tôi tìm về xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời). Đoạn đê của xã này dài chừng 4km, là một trong những đoạn đê bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng của tỉnh Cà Mau. Nhớ mùa mưa bão năm 2015, khi chúng tôi đã ghé nơi này để viết bài thấy lực lượng chức năng đang vắt chân lên cổ làm kè tạm bảo vệ chân đê, bởi có những nơi diện tích rừng chỉ còn vài mét là vào đến đê. Nếu làm chậm, biển sẽ "ăn" hết đất.

Cơ quan chức năng phải dùng nhiều biện pháp kè tạm để bảo vệ đê
Cơ quan chức năng phải dùng nhiều biện pháp kè tạm để bảo vệ đê

“Nửa tháng trước vạt rừng phía sau nhà tôi còn khoảng 20m. Thế mà mới cách đây mấy ngày, cơn bão số 6 đến, thủy triều dâng cao, sóng đánh tới tấp lôi tuốt rừng ra biển. Nhiều đoạn khác, rừng bị sóng đánh nham nhở. Hiện số cây đước, cây mắm còn lại có thể đếm được”, bà Lê Kim Thái sống gần đó cho biết.

Thực tế, nhiều đoạn rừng ở đây đã mỏng đi nhiều. Tại những điểm chúng tôi đã đi qua năm trước, những đoạn kè tạm chỉ vài ba chục mét thì nay phải làm rộng ra hằng trăm mét. Những đoạn rừng phòng hộ dọc bờ biển của ấp Thời Hưng (xã Khánh Bình Tây) năm trước còn hàng chục mét, nay không một cây mắm, cây đước nào trụ nổi, thay vào đó là hàng kè bản nhựa.

Chỉ riêng đoạn Kênh Mới - Kênh Tám dài 1.500m đã có hơn 500m kè tạm để bảo vệ đê. Có mặt tại hiện trường để khắc phục đoạn kè mới bị sóng đánh bẻ dài hơn 30m, ông Bùi Văn Đông - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Cà Mau cho biết, do ảnh hưởng của bão, biển động mạnh, sóng lớn đánh đã làm vỡ đoạn kè này. Nhận được tin, ông đã trực tiếp xuống huy động hàng chục người khẩn trương cứu kè, chắc khoảng 3 ngày nữa mới ổn định. Theo ông Đông, nếu không "cứu" kịp thời những đoạn đê mất kè rất dễ có nguy cơ vỡ, chỉ sau một trận dông tố.

Ông Đông thông tin thêm, đoạn sạt lở nghiêm trọng tại ấp Thời Hưng đã được tỉnh Cà Mau cho triển khai làm kè ngầm tạo bãi khẩn cấp để bảo vệ đê. Tuy nhiên, gần đây thời tiết cực đoan gây rất nhiều khó khăn trong việc thi công. Hiện đơn vị thi công đang tạm nghỉ đợi biển êm mới làm được.

“Trong thời gian chờ kè kiên cố, anh em chúng tôi phải dùng nhiều biện pháp kè tạm như kè rọ đá, rè bản nhựa, cừ tràm... để gia cố, bảo vệ đê. Cố gắng bằng mọi biện pháp không để vỡ đê”, ông Đông nói...

Theo nongnghiep.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Gian nan cuộc chiến chống sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO