Bước tiến mới trong quản lý chất hữu cơ khó phân hủy

15/09/2015 00:00

(TN&MT) - Công ước Stockholm được các nước ký kết ngày 22/5/2001 tại Stockholm và có hiệu lực từ ngày 17/5/2004, với mục đích bảo vệ sức khoẻ con người và môi trường trước nguy cơ gây ra do POP (các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy). Ngày 22/7/2002 Việt Nam trở thành thành viên thứ 14 của Công uớc này. Sau hơn 10 năm nỗ lực, đến nay Việt Nam đã có những kết quả khả quan trong việc kiểm soát và giảm được phát thải POP vào môi trường theo mục tiêu đã cam kết.

Nhiều văn bản, chính sách quản lý POP

Giống như việc tham gia nhiều công ước khác, Việt Nam gia nhập Công ước Stockholm trong bối cảnh còn hạn chế về thông tin hiện trạng, chưa có chính sách để định hướng, các quy định  pháp lý về quản lý không rõ ràng và nhận thức về tác hại của POP chưa được biết đến một các rộng rãi trong cộng đồng. Nhưng đến nay Việt Nam đã có 1 Nghị quyết của Quốc hội, 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nhiều chương trình cấp Bộ, ngành.

Một số Quyết định của các Bộ đã và đang được xây dựng, triển khai như Quyết định của Bộ TN&MT về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Kế hoạch về quản lý an toàn PCB của Bộ Công Thương… Bên cạnh đó, các chính sách có mục tiêu và các hoạt động liên kết với nhau cũng được phối hợp thực hiện để tăng hiệu quả thực thi như các chính sách về sản xuất sạch hơn và áp dụng kinh nghiệm môi trường tốt nhất và công nghệ tốt nhất hiện có để hạn chế phát thải dioxin/furan…

Việc ban hành và tổ chức triển khai các chính sách lớn này đã góp phần đáng kể giảm thiểu ô nhiễm về POP, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ngành và cộng đồng để tiếp tục xây dựng, triển khai các hoạt động rộng lớn hơn. Những khái niệm, kiến thức mới về quản lý ô nhiễm hóa chất đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, tạo thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Khối lượng các chất POP tồn lưu như thuốc BVTV đã được xử lý. Ảnh: MH
Khối lượng các chất POP tồn lưu như thuốc BVTV đã được xử lý. Ảnh: MH

Các chính sách và quy định mới về quản lý POP đã xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành và tổ chức, cá nhân liên quan; tạo ra cơ chế hợp tác đồng bộ hơn trong công tác quản lý POP cũng như bảo vệ môi trường đối với hóa chất nói chung.

 Trên thực tế, các chương trình, dự án về quản lý POP thúc đẩy sự hợp tác liên ngành, liên vùng đã giải quyết được các vấn để rủi ro liên quan đến 27 nhóm chất POP vốn có tính đa ngành rõ ràng và không thể giải quyết được trong một ngành hoặc một khu vực đơn lẻ. Tiêu biểu là các hoạt động hợp tác quản lý giữa Bộ TN&MT và Bộ Công thương trong quản lý PCB và giảm thiểu UPOP từ hoạt động công nghiệp; giữa Bộ TN&MT với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNTN) về quản lý, xử lý hóa chất thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) vật tồn lưu, bị tịch thu và bao bì chứa hóa chất BVTV sau sử dụng. Hàng chục nghìn lượt cán bộ từ các ngành, lĩnh vực được tập huấn, đào tạo về chính sách, pháp luật qua các hoạt động tăng cường năng lực thể chế liên quan đến POP.

Các hoạt động về xây dựng chính sách, pháp luật, thể chế thực hiện công ước Stockholm đã tạo ra cơ sở nền tảng khá đồng bộ cho việc quản lý POP, đồng thời góp phần hoàn thiện khung chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam nói chung.

Năng lực phân tích, quan trắc được nâng cao

Trong giai đoạn 2004 – 2014, số lượng và chất lượng các hoạt động về kiểm kê, quan trắc và đánh giá ô nhiễm POP đã gia tăng nhanh, bao gồm các hoạt động đánh giá về ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, PBC trong thiết bị điện, dioxin/furan phát thải không chủ đích từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và ô nhiễm do chất da cam/dioxin do Hoa kỳ sử dụng trong chiến tranh.

Hàng chục phòng thí nghiệm trong nước đã được đánh giá, đào tạo và công nhận chất lượng. Hơn 10 loại hình công nghệ xử lý đã được xem xét, một số công nghệ xử lý POP đã được cấp Giấy phép hoạt động. Đến nay, một số phòng thí nghiệm đã được trang bị các máy phân tích rất hiện đại (GC/MS phân giải cao, HPLC/MS/MS, hệ thống làm sạch mẫu tự động, lấy mẫu ống khói…) và được đào tạo về quy trình lấy mẫu và phân tích đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ phân tích nhiều nhóm chất POP cả trong nước và quốc tế. Trong đó có ít nhất 6 phòng thí nghiệm của Việt Nam được công nhận về chất lượng phân tích đối với PCB, 2 phòng thí nghiệm đối với dioxin và rất nhiều phòng thí nghiệm khác đối với hóa chất BVTV theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc phòng thí nghiệm dioxin đủ năng lực lấy mẫu chất dioxin/furan phát sinh từ các nguồn công nghiệp và phân tích với kết quả có độ tin cậy cao, đã giúp khẳng định nguy cơ, rủi ro của nguồn thải này đối với môi trường, giúp cơ quan quản lý nhận thức rõ cần tăng cường biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Một số phòng thí nghiệm của Việt Nam đã tham gia tích cực vào các chương trình quan trắc và đánh giá rủi ro ô nhiễm POP ở cấp khu vực và quốc tế như: Phòng thí nghiệm dioxin thuộc Tổng cục Môi trường, Trung tâm CETASD - Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Phòng thí nghiệm của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga.

Các hoạt động về nghiên cứu, đánh giá, chuyển giao và áp dụng công nghệ xử lý ô nhiễm POP và ô nhiễm hóa chất nói chung, ngày càng được triển khai phổ biến và mạnh mẽ hơn. Đến nay, một khối lượng các chất POP tồn lưu như thuốc BVTV, PCB trong dầu biến thế và đất nhiễm dioxin đã được xử lý tiêu hủy, giảm được phát thải POP vào môi trường theo đúng mục tiêu công ước Stockholm.

K.Vinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến mới trong quản lý chất hữu cơ khó phân hủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO