Môi trường

Bức tranh tái chế Việt Nam: Những mảng màu xám, xanh

Phạm Oanh - Oanh Phạm (lược ghi) 24/08/2023 - 14:24

(TN&MT) - Phải thẳng thắn thừa nhận, kể từ thời điểm manh nha những miếng ghép đầu tiên, đến nay, sau gần nửa thế kỷ, bức tranh tái chế của Việt Nam vẫn còn nhiều “màu xám”. Để xanh hóa bức tranh này, chúng ta cần chính sách phù hợp và đủ mạnh, cùng với đó là sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp.

“Màu xám” của tái chế tự phát

Với dân số gia tăng và tiêu dùng cao, lượng rác thải cũng theo đó ngày càng nhiều. Từ thực tế này, khoảng 40 năm trở lại đây, ngành nghề thu gom phế liệu đã bùng phát mạnh mẽ tại nước ta. Hàng nghìn làng nghề tái chế được hình thành trên khắp cả nước, tập trung gần những thành phố lớn. Cùng với đó có hàng triệu người đang làm việc trong khu vực thu gom và tái chế rác thải phi chính thức.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản dưới Luật, từ 1/1/2024, các nhóm hàng hóa bao gồm bao bì; pin, ắc quy; dầu, nhớt; săm, lốp xe phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế bắt buộc. Trách nhiệm này sẽ áp dụng với các sản phẩm điện, điện tử và phương tiện giao thông kể từ đầu năm 2025 và năm 2027.

Các làng nghề tái chế hiện nay chủ yếu được chia thành 3 nhóm là tái chế nhựa, tái chế giấy và tái chế kim loại. Theo đó, rác thải từ sinh hoạt, các nhà máy, khu công nghiệp và cả nguồn phế liệu nhập khẩu được tập kết về các làng nghề để xử lý, tái chế.

Tuy nhiên, cũng bởi tự phát và công nghệ lạc hậu nên lượng rác thải được tái chế ở nước ta còn rất hạn chế. Hơn nữa, các làng tái chế tự phát này chỉ thu gom rác thải có giá trị tái chế đủ để tạo ra nguồn lợi kinh tế. Rác thải, phế liệu không có giá trị hoặc khó tái chế sẽ không được thu gom mà thải bỏ ra môi trường.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới mới đây, mỗi năm có khoảng 3,90 triệu tấn nhựa thông dụng được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong số này, chỉ 1,28 triệu tấn (tương ứng tỷ lệ 33%) được tái chế. Và, nếu tất cả số nhựa trên được tái chế, chúng ta sẽ tiết kiệm được 3,4 tỷ USD mỗi năm.

Nói về thực trạng của ngành tái chế, ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam cho rằng: Ngành tái chế của chúng ta đang tồn tại nhiều nghịch lý. Chúng ta có lực lượng thu, gom, tái chế hùng hậu nhưng lại đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển. Tỷ lệ thu gom, tái chế thấp, lãng phí nguyên liệu trong nước nhưng Việt Nam lại nằm trong tốp đầu các nước nhập khẩu phế liệu nhiều nhất thế giới.

Không những thế, với hình thức tự phát, các ngôi làng tái chế với công nghệ lạc hậu đang lâm vào cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mất an toàn lao động, thậm chí, những sản phẩm của tái chế cũng chưa đảm bảo chất lượng lưu hành.

Le lói những ánh xanh

Sau gần nửa thế kỷ “loay hoay”, ngành tái chế Việt Nam những năm gần đây đang kỳ vọng mở ra nhiều hy vọng. Trong đó phải kể đến sự quyết tâm chính trị trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và giảm ô nhiễm nhựa.

8a.jpg
Tái chế xanh, tái chế bền vững đang là hướng đi đúng đắn của nhiều doanh nghiệp

Gần nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg năm 2020 về tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 41/CT-TTg năm 2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, trong đó xử lý vi nhựa; Luật Bảo vệ môi trường 2020 với những quy định cụ thể liên quan đến giảm thiểu chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR)…

Nhiều chuyên gia khẳng định, quy định EPR trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 như “động cơ đẩy” cho nền kinh tế tuần hoàn và ngành công nghiệp tái chế. Với công cụ này, trách nhiệm đặt lên các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, từ đó tạo ra dòng tiền đầu tư để phát triển ngành công nghiệp tái chế.

Cũng nhờ hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, hiện nay, một số doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào tái chế hiện đại, bền vững. Bên cạnh máy móc tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp đã chú trọng đến việc đồng bộ từ thu gom, phân loại và bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm tái chế. Từ những mô hình kinh doanh này, ngành tái chế đang dần lan tỏa “sắc xanh”.

Tuy nhiên, để phát triển ngành tái chế bền vững, bên cạnh việc hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý, kiểm soát loại chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa, chúng ta cần tăng cường thu gom và phân loại chất thải - nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành tái chế. Tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới, việc phân loại rác được thực hiện rất hiệu quả. Ví như tại Nhật Bản, ở mỗi gia đình có thể phân loại 30 loại rác khác nhau. Khi rác thải được phân loại như vậy, việc tái chế sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Trong đó cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án tái chế và hỗ trợ nâng cao năng lực; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại đối với môi trường của rác thải sinh hoạt; rác thải điện tử; pin, ắc quy, dầu, nhớt; phương tiện giao thông…, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, hình thành thói quen tiêu dùng xanh.

Nếu các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ thì ngành tái chế Việt Nam sẽ phát triển, như 1 mũi tên trúng 2 đích, vừa góp phần giảm lượng chất thải ra môi trường, vừa tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm, hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong nước phát triển.

Ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững Nhựa tái chế Duy Tân:

Công nghệ là yếu tố cần thiết để phát triển tái chế xanh

9anh.jpg

Với tôi, công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng đủ các điều kiện về môi trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển công nghiệp tái chế xanh.

Là doanh nghiệp tái chế tiên phong tại Việt Nam, nhà máy Tái chế của Duy Tân có tổng công suất 100.000 tấn/năm với dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu mới từ châu Âu. Hệ thống quản lý của Công ty đáp ứng các tiêu chuẩn ISO, sản phẩm của Công ty được chứng nhận an toàn cho sức khỏe và môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận quốc tế từ Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA)...

Hiện, Công ty áp dụng công nghệ hiện đại “Bottles to Bottles” từ chai nhựa đã qua sử dụng, Công ty sẽ thực hiện nhiều khâu từ xử lý và sản xuất ra các hạt nhựa tái sinh đảm bảo đầy đủ các điều kiện lý hóa về an toàn thực phẩm. Những hạt nhựa này có thể được thổi thành chai nhựa mới.

Trong năm 2022, nhà máy đã tái chế hơn 1,3 tỷ chai nhựa được thu gom trong nước. Sản phẩm tái chế vừa phục vụ nhu cầu trong nước, vừa xuất khẩu sang 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và châu Âu.

Ông Phạm Hải Sơn - Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải thuộc công ty TNHH Môi trường Ngôi sao xanh:

Cần có chính sách ưu tiên đối với doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại

9son.jpg

Ngành tái chế nói chung và tái chế dầu, nhớt nói riêng hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu thu, gom phế liệu. Chi phí vận chuyển, thu, gom dầu, nhớt rất lớn, đòi hỏi doanh nghiệp cần có mạng lưới thu gom rộng khắp. Tôi cho rằng, sau khi có chính sách hỗ trợ tái chế từ chính sách EPR của Bộ TN&MT thì việc thu, gom, xử lý dầu thải sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, mức độ đầu tư vào công nghệ của các doanh nghiệp hoạt động thu, gom, tái chế dầu thải cũng có độ chênh lệch lớn. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần phân nhóm và có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế hiện đại.

Ngay đối với chính sách EPR về hỗ trợ tái chế, cũng cần đặt ra các mức hỗ trợ khác nhau cho từng nhóm doanh nghiệp dựa trên công nghệ sử dụng khi tái chế, chứ không dừng lại ở mức hỗ trợ dựa trên mặt hàng tái chế như hiện nay. Điều này sẽ không công bằng và không tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp đầu tư lớn vào công nghệ tái chế tiên tiến, hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tái chế cao su Long Long:

Phát triển tái chế xanh cần sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp

9thanh.jpg

Hiện nay, một số sản phẩm như pin, ắc quy, phương tiện giao thông, điện, điện tử... sau sử dụng đa phần chưa được tái chế, cũng chưa có doanh nghiệp nào tái chế các sản phẩm này. Nhiều sản phẩm bị thải bỏ bừa bãi, hoặc thu gom thủ công về các làng nghề, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lâu dài.

Khi thực hiện chính sách EPR với định mức chi phí tái chế Fs đúng, đủ, phù hợp sẽ khuyến khích nhiều doanh nghiệp tái chế hiện tại đầu tư, đổi mới hơn nữa để cải tiến công nghệ, thiết bị, ngày càng hiệu quả và thân thiện hơn với môi trường.

Nhưng để có một ngành công nghệ tái chế thực chất, hoạt động hiệu quả thì ngoài chính sách của Nhà nước, chúng ta cần sự vào cuộc của tất cả người dân và doanh nghiệp với mục đích chung là làm cho môi trường Việt Nam ngày càng trong lành, trong sạch hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bức tranh tái chế Việt Nam: Những mảng màu xám, xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO