Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về Công nghiệp hỗ trợ, Chống buôn lậu…

01/11/2017 00:00

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, hôm nay Quốc hội bước sang ngày thứ 2 phiên Thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2017 và kế hoạch năm 2018.  

Phát biểu giải trình các vấn đề Quốc hội và cử tri quan tâm tại phiên thảo luận sáng 01/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình các nội dung: Phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ;  Công tác chống buôn lậu; Về các dự án “đắp chiếu”…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng 1/11. Ảnh: Quốc Khánh
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng 1/11. Ảnh:Quốc Khánh

Về việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đang "đắp chiếu" của ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết các công việc liên quan đang đi đúng tiến trình. Theo Bộ trưởng trong 2 năm 2016 và 2017 Chính phủ lập ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ; năm 2017 hoàn tất việc chuẩn bị xử lý. Năm 2018 tập trung sẽ giải quyết căn bản các dự án và đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để. Từ việc xử lý những dự án này, rút kinh nghiệm để không phát sinh dự án thua lỗ mới.

Về nguyên nhân yếu kém của công nghiệp hỗ trợ, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là do cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ; doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, khó tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực nên chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị lớn...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, xây dựng một loạt chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ, đào đạo nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị để mở rộng thị trường...

Quang cảnh phiên họp sáng 1/11. Ảnh: Quốc Khánh
Quang cảnh phiên họp sáng 1/11. Ảnh: Quốc Khánh

Về công tác phòng chống buôn lậu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Thời gian qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để khắc phục các hạn chế. Những hạn chế này cũng đã được nhìn nhận qua nhiều thời kỳ như khung khổ pháp luật chưa đủ mạnh, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng “nhờn luật” và vì mục đích lợi nhuận cao các đối tượng buôn lậu tiếp tục câu kết và tổ chức thực hiện ngày càng tinh vi, có hệ thống không chỉ còn trên một phạm vi địa lý một vài địa phương...

Bên cạnh đó, sự phối hợp của lực lượng chức năng, địa phương còn hạn chế, chưa thực sự chặt chẽ chưa hiệu quả; sự đứt khúc, phân khúc trong quản lý trong quản lý điều hành, như lực lượng QLTTT ở địa phương do chính quyền địa phương chỉ đạo nên sự phối hợp liên ngành, liên địa phương chưa cao, chưa hiệu quả... Bộ trưởng nêu ví dụ: Như thuốc lá chỉ đấu tranh vào điểm bán lẽ sẽ ko thực sự hiệu quả, vì các đối tượng này được tổ chức thành hệ thống tinh vi từ biên giới, vận chuyển, phân phối, bán lẻ...

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và các bộ, ngành địa phương đang tập trung để giải quyết các hạn chế nêu trên, bằng hàng loạt các chương trình hành động cụ thể đã được ban hành tập trung vào các địa bàn, mặt hàng trọng điểm... và đang có sự phối hợp chặt giữa các ngành, địa phương, dù đôi lúc, ở đâu đó còn bất cập, tồn tại... Vì vậy, theo thống kê, tình trạng buôn lậu thuốc là đã giảm ở nhiều địa bàn nóng như An Giang, Long An, TP.HCM...

Để khắc phục hạn chế, tồn tại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị thời gian tới cần tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn: Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng, phát huy trách nhiệm từng ngành, từng lực lượng; Thứ hai, xem xét, hoàn thiện khung khổ pháp luật, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả; Thứ ba, cần có quan điểm đồng bộ, thống nhất trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, trong đó có thuốc lá...

Việt Hùng(lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói về Công nghiệp hỗ trợ, Chống buôn lậu…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO