Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thay đổi tư duy, hành động trong phát triển và quản trị khoáng sản quốc gia

Khương Trung | 08/10/2021 13:37

(TN&MT) - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Khoáng sản lần thứ 8 (AMMin 8) sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động nhằm chuyển hóa được những thách thức nghiêm trọng thành những cơ hội phát triển mới trong phát triển và quản trị khoáng sản quốc gia

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Khoáng sản lần thứ 8 (AMMin 8) được tổ chức trực tuyến ở 10 nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN vào ngày 8/10/2021. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam Trần Hồng Hà chủ trì và ngài Suy Sem, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia đồng chủ trì. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Khoáng sản lần thứ 8 (AMMin 8)

Tại điểm cầu Việt Nam, Hội nghị có sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ TN&MT và một số Bộ, ngành địa phương như: Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Sở TN&MT TP. Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các doanh nghiệp về khoáng sản như: Công ty Cổ phần Masan High - Tech Materials, Công ty Nikel Bản Phúc - Blackstone Minerals, Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) và các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin về Hội nghị. 

Hội nghị sẽ tiến hành thảo luận, tóm tắt các vấn đề liên quan đến các giải pháp chính và các nhiệm vụ ưu tiên cho ASEAN 2021 và phát triển Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và nền kinh tế tuần hoàn.

Tóm tắt về các kết quả chính được hoàn thành bởi ASOMM và Nhóm công tác trong năm 2020, 2021 bao gồm cả tiến độ hợp tác với các đối tác và ghi nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan để xây dựng, hỗ trợ phát triển chính sách, mục tiêu, nguyên tắc và thực tiễn khai thác khoáng sản bền vững trong ASEAN.

Đưa ra một tuyên bố ngắn gọn về chính sách các ưu tiên và lợi ích quốc gia đối với phát triển/công nghiệp khai thác khoáng sản, bao gồm phát triển và quản trị khoáng sản quốc gia.

Thông qua “Các khuyến nghị chính về hợp tác khu vực về khoáng sản để ứng phó với các cơ hội và thách thức của một tương lai chuyên sâu về khoáng sản.

Đại biểu các quốc gia ASEAN họp theo hình thức trực tuyến

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Khoáng sản lần thứ 8 (AMMin 8) diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, khi nhân loại đang phải đối mặt với khủng hoảng “kép”, bao gồm đại dịch Covid-19, khủng hoảng khí hậu và sụp đổ hệ sinh thái tự nhiên. Tuy vậy, với việc tổ chức họp bàn theo hình thức trực tuyến, Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản vẫn thống nhất về nhận thức để tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động nhằm chuyển hóa được những thách thức nghiêm trọng thành những cơ hội phát triển mới. 

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, tài nguyên khoáng sản đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của loài người trong thời gian dài. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức và sử dụng thiếu bền vững nguồn tài nguyên quý này giá phục vụ mục đích phát triển của con người đã làm thay đổi cảnh quan Trái đất, góp phần đưa nhân loại đến thách thức nghiêm trọng của thời đại, đó là: ô nhiễm môi trường, sụp đổ hệ sinh thái, khủng hoảng khí hậu. 

“Đã đến lúc, nhân loại cần đánh giá, nhìn nhận một cách đầy đủ về những tác động của các hoạt động khai thác, sử dụng thiếu bền vững của mình, kịp thời khắc phục được những khiếm khuyết trong mô hình phát triển trước đây. Đây là chính là cơ hội để ngành khoáng sản của chúng ta thực hiện chuyển đổi con đường phát triển chú trọng công nghệ khai thác, chế biến, gia tăng giá trị, thân thiên với môi trường, phù hợp với các xu thế toàn cầu như phát triển kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, với thực tế phát triển cho thấy, nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới đã bị vướng vào “lời nguyền tài nguyên”, không thể tạo sự phát triển đồng đều, công bằng dựa trên lợi thế về tài nguyên. Do đó, người đứng đầu ngành TN&MT Việt Nam cho rằng, tiêu chí minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi khoáng sản; tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và bao trùm phải được ưu tiên cao nhất trong quá trình hoạch định chính sách, đầu tư tài chính cho các hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản. Nguồn lợi từ tài nguyên phải được tái đầu tư phát triển cho ngành kinh tế khác, đầu tư cho tương lai bền vững của các thế hệ mai sau của ASEAN.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị ngành Khoáng sản phải đi đầu trong chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai lưu trữ các-bon tại những mỏ đã khai thác góp phần vào thực hiện mục tiêu trung hòa các-bon của các quốc gia.

“Mỗi nước chúng ta có kinh nghiệm, tri thức riêng về khoáng sản nhưng chúng ta đang cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là xây dựng ngành công nghiệp khoáng sản bền vững, góp phần thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, giải quyết những thách thức toàn cầu đang đặt ra. Để làm được việc đó, chúng ta cần tăng cường hợp tác và phối hợp.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị. 

Toàn cảnh phiên họp

Là một thành viên tích cực và trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia trong Cộng đồng ASEAN và các đối tác chia sẻ kiến thức, tri thức khoa học về khoáng sản và công nghệ mới nhằm tìm kiếm được những khoáng sản chiến lược mới; xem xét, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của ASEAN dựa trên nền tảng chuyển đổi số; tạo ra những giá trị mang tính lâu dài như bảo tàng, công viên địa chất. 

Theo ông Suy Sem, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia, kế hoạch hành động hợp tác khoáng sản ASEAN 2016 - 2025 (AMCAP III) giai đoạn 2 (2021 - 2025) sẽ tập trung chủ yếu vào việc xây dựng đầu tư vào tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị khoáng sản, trong đó, thăm dò là bước khởi đầu và tập trung từng bước xây dựng các cơ hội trong chuỗi giá trị khoáng sản, bao gồm các hành động mà AMS có thể thực hiện hưởng lợi từ những cơ hội này. Xây dựng tính tiềm năng về địa chất và chính sách sẽ là chìa khóa cho cách tiếp cận này. 

Bên cạnh đó, để nâng cao trọng tâm của việc thực hiện AMCAP, cần thực hiện chương trình nâng cao năng lực khu vực trong hợp tác khoáng sản ASEAN (trong đó, được xây dựng dựa trên 5 chủ đề chính: ước tính trữ lượng và tài nguyên; giá trị gia tăng về khoáng sản; công nghệ khai thác xanh; quản lý môi trường mỏ và phục hồi mỏ).

Hội nghị Bộ trưởng khai thác khoáng sản ASEAN lần thứ 8 là cơ hội để các nước ASEAN cùng gặp gỡ, kiểm điểm lại quá trình hợp tác đã được triển khai trong thời gian qua, đồng thời, thảo luận, thống nhất về những vấn đề hợp tác trọng tâm trong thời gian tới.

Hội nghị Bộ trưởng khai thác khoáng sản ASEAN lần thứ 8 là cơ hội để các nước ASEAN cùng gặp gỡ, kiểm điểm lại quá trình hợp tác đã được triển khai trong thời gian qua, đồng thời, thảo luận, thống nhất về những vấn đề hợp tác trọng tâm trong thời gian tới.

Hội Nghị lần này sẽ góp phần định hình ngành Khoáng sản ASEAN gắn kết, chia sẻ, phát triển bền vững. Trong đó, việc thông qua Tuyên bố Chương trình Nghị sự ASEAN về khai thác khoáng sản và các mục tiêu thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 sẽ thúc đẩy thực hiện hợp tác khai thác khoáng sản ASEAN một cách toàn diện trong giai đoạn phát triển mới, hướng tới một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng, xanh và bền vững; đóng góp tích cực vào các sáng kiến toàn cầu hiện nay, nâng cao vị thế của ASEAN trên thế giới và cho tương lai của từng thành viên trong Cộng đồng. 

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Khoáng sản lần thứ 8 (AMMin 8) diễn ra trong cả ngày 8/10. Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thay đổi tư duy, hành động trong phát triển và quản trị khoáng sản quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO