Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nhiều mô hình tập trung về đất đai trong sản xuất nông nghiệp rất thành công

Thanh Tùng| 07/06/2022 21:48

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, hiện nay có nhiều mô hình tập trung về đất đai trong sản xuất nông nghiệp hết sức thành công, như việc dồn điền đổi thửa, các hợp tác xã liên kết, liên doanh, hình thức cho thuê đất.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 7/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

8(2).jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Nhiều mô hình tập trung đất đai thành công

Giải trình thêm tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù buổi thảo luận liên quan đến chủ đề nông nghiệp nhưng có rất nhiều ý kiến gợi mở, đòi hỏi ngành tài nguyên và môi trường phải có ý kiến với tinh thần trách nhiệm của Bộ đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Theo Bộ trưởng, Đối với vấn đề tập trung đất đai để phát triển nền sản xuất nông nghiệp lớn, chúng ta chỉ nên dùng là “tập trung”, bởi nếu hiểu là “tích tụ đất đai” sẽ là chuyển quyền sử dụng đất, một vấn đề phải tính toán rất lớn đến quá trình chuyển đổi lực lượng sản xuất, liên quan đến an ninh, chính trị, trật tự và đặc biệt là công ăn việc làm đối với người nông dân.

Hiện nay có nhiều mô hình tập trung về đất đai trong sản xuất nông nghiệp hết sức thành công, như việc dồn điền đổi thửa, các hợp tác xã liên kết, liên doanh, hình thức cho thuê đất, còn phần chuyển mục đích sử dụng cũng có nhưng không nhiều và đặc biệt hiện nay nhiều hộ gia đình đã nâng mức độ sử dụng đất và sử dụng liên doanh, liên kết đạt kết quả tốt.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vướng mắc liên quan đến hạn mức chuyển nhượng đất trồng lúa và đất lâm nghiệp (hạn mức đất lúa là 20ha) nhưng năng lực để đầu tư là không nhiều. Hơn nữa, thực tiễn thế giới cũng chứng minh, phát triển công nghệ cao, nông nghiệp hiệu quả không có nghĩa là phải cánh đồng lớn mới phát triển được. Hiện có nhiều mô hình để tập trung đất đai như các mô hình hợp tác xã để liên doanh, liên kết giúp doanh nghiệp và người nông dân có điều kiện chuyển giao công nghệ giống, phân bón và thị trường, người nông dân vẫn sản xuất trên mảnh ruộng của mình, ly nông nhưng không ly hương.

1(6).jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, hiện nay đã tính toán quy hoạch đất nông nghiệp công nghệ cao nằm trong quỹ đất đang sử dụng cho đất nông nghiệp, nhưng mới có khoảng 4.710ha đã được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao. Sắp tới sửa Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tính toán thêm quỹ đất đối với hộ gia đình và các điều kiện, tiêu chí để các doanh nghiệp có thể tham gia vào mối quan hệ nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và doanh nhân để tạo ra giá trị cao.

Về tình trạng suy thoái đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Đó là chúng ta đã lựa chọn mô hình canh tác không đúng, lấy thâm canh hơn quảng canh, dùng phân bón vô cơ, phân bón hóa học. Một vấn đề khách quan khiến đất bị suy thoái là biến đổi khí hậu, khiến xâm nhập mặn, nhiễm phèn, khô hạn, ngập lụt… gia tăng; vấn đề hoang mạc hóa, xói mòn, suy giảm độ phì, sạt lở mất đất.

Đối với vấn đề này, chúng ta cần có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Bài học thành công, đó là Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nguyên tắc chung là phải chung sống thân thiện với tự nhiên và theo tự nhiên, kinh phí phải phát triển dựa theo hệ sinh thái. Chúng ta phải chuyển đổi, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ khâu thiết kế quy hoạch và bố trí cây trồng, vật nuôi, sản xuất tiêu dùng và xử lý môi trường phải đi với nhau thành một vòng khép kín. Bởi vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp, chất thải nông nghiệp chính là tài nguyên.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, chúng ta cần thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh và cơ cấu kinh tế, trong đó khoa học công nghệ là yếu tố quyết định.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sử dụng đất đai hiệu quả thì ngành nông nghiệp phải đa mục tiêu và thích ứng biến đổi khí hậu, không chỉ chống đỡ mà phải tận dụng. Đất đai nông nghiệp nhưng có dịch vụ; đất đai nông nghiệp nhưng có sản xuất, chế biến; đất đai nông nghiệp nhưng có du lịch sinh thái; hay thay đổi cách thức là sử dụng từ phân bón vô cơ hữu cơ….

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đề cập cụ thể và có các nghị định để sẵn sàng triển khai những nội dung về thích ứng biến đổi khí hậu và kiểm soát ô nhiễm đất đai.

Khai thác lợi thế 17 FTA đã ký

Tham gia trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ lịch sử nước ta chứng minh là “khi nào công - nông liên minh dưới sự lãnh đạo của Đảng thì cách mạng sẽ thành công”.

Quán triệt tinh thần đó, nhiều năm qua là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quan hệ rất tốt, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì hai Bộ đã có chương trình phối hợp toàn khóa khóa, cùng với đó là kế hoạch hằng năm, chế độ giao ban định kỳ hàng quý và có cơ chế xử lý sự cố từng vụ việc. Từ đó, nhiều vấn đề bức xúc đã được giải quyết.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, từ một nền nông nghiệp truyền thống chuyển sang tư duy nông nghiệp hàng hóa và chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp đòi hỏi nỗ lực lớn. Mặc dù thời gian qua đã có những cố gắng nhưng chưa thấm tháp gì khi mà sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng chưa đạt yêu cầu thị trường.

6(2).jpg
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định nông sản nước ta hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa và hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới. Đồng thời khẳng định Việt Nam bây giờ là thành viên của 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ nên thị trường rất rộng mở. Hơn nữa, thời gian qua, sản phẩm nông sản Việt Nam đã vào được thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước phát triển. Điều đó chứng tỏ những sản phẩm đi được là những sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường.

Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo Chính phủ, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp rất tốt để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang hàng hóa. Đó là vấn đề khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã làm rất tốt việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, cung cấp thông tin thị, khuyến cáo vùng trồng, vùng nuôi, khuyến cáo người sản xuất và doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng sản xuất theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, đã phối hợp trên cơ sở các FTA đã ký thì đàm phán để đưa các sản phẩm nông nghiệp vào thị trường nước ngoài. Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan để thuận lợi hóa các thủ tục.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ sẽ sẽ tiếp tục làm tốt thông tin thị trường, khai thác lợi thế 17 FTA đã ký tăng cường đàm phán, thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí, đẩy mạnh thực hiện đề án xuất khẩu nông sản chính ngạch và đẩy mạnh thương mại điện tử. Cùng với đó, đề nghị các địa phương làm tốt quy hoạch vùng trồng vùng nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến cáo có sự liên kết trong tổ chức sản xuất. Bộ trưởng nhấn mạnh trong quá trình này, vai trò của cấp ủy chính quyền địa phương là rất quan trọng và đây là điều thực tiễn đã chứng minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nhiều mô hình tập trung về đất đai trong sản xuất nông nghiệp rất thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO