Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi thư Chúc mừng nhân Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường

Báo Tài nguyên và Môi trường | 05/08/2022 14:17

(TN&MT) - Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (05/8/2002 - 05/8/2022), thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi Thư Chúc mừng tới lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Ngành lời chúc mừng tốt đẹp và những tình cảm thân thiết nhất.

Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng đăng toàn văn thư Chúc mừng của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

small_6l0a0380.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 20 năm Thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (05/8/2002-05/8/2022) và Đón nhận Huân Chương Lao động Hạng Nhất.

Các đồng chí thân mến!

Nhân dịp 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (05/8/2002 - 05/8/2022), thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi thân ái gửi tới các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Ngành lời chúc mừng tốt đẹp và những tình cảm thân thiết nhất.

Chúng ta đã trải qua chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển với không ít khó khăn nhưng đầy vẻ vang kể từ khi về ngôi nhà chung Tài nguyên và Môi trường. Là một trong những Bộ đa ngành đầu tiên được thành lập với 6 lĩnh vực quản lý qua 4 lần kiện toàn bộ máy, đến nay, Bộ đã được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý trên 9 lĩnh vực, được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về địa chất, biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, viễn thám, trong đó, nhiều lĩnh vực có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, có tác động lớn đến bảo đảm an ninh, quốc phòng, sự phát triển bền vững của đất nước.

Trên nền tảng của các lĩnh vực có bề dày truyền thống như đất đai, địa chất - khoáng sản, khí tượng thủy văn với sự tận tâm, trách nhiệm và trí tuệ của các thế hệ tiếp nối ngành Tài nguyên và Môi trường vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, từng bước củng cố, khẳng định vị thế, vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập với các xu thế phát triển của thời đại, hướng tới phát triển bền vững, trường tồn của đất nước.

Các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy hoạch chiến lược được tập trung xây dựng, đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đưa các nguồn tài nguyên trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước. Công tác điều tra cơ bản tài nguyên được tăng cường góp phần nắm chắc số lượng, chất lượng, tiềm năng, nguồn lực tài nguyên để quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả và hạch toán trong nền kinh tế.

Công tác bảo vệ môi trường đã chuyển từ bị động khắc phục sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái huy động được tham gia của toàn xã hội. Thể chế chính sách, pháp luật về môi trường tiếp tục được hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Dự báo chính xác khí tượng thủy văn nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, nước biển dâng, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn để chủ phòng chống thiên tai. Chủ động đề xuất và triển khai các chủ trương, chính sách, chiến lược, giải pháp tổng thể chủ động thích ứng trước các tác động của biến đổi khí hậu, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu, tận dụng các cơ hội từ xu thế phát triển của thời đại cho phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch mô hình phát triển.

Tổ chức bộ máy của Bộ, ngành tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số. Hợp tác, hội nhập tiếp tục được mở rộng tiếp thu các tri thức, kinh nghiệm, bảo vệ chủ quyền và nguyên tắc công lý, công bằng trong giải quyết quyền lợi ích của đất nước, trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, hòa nhập với dòng chảy thời đại trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, khí hậu.

Những thành tựu to lớn đạt được trong chặng đường 20 năm qua là nhờ Bộ đã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân. Đặc biệt, đây chính là nền tảng được tạo dựng từ kết quả lao động tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo Bộ, lãnh đạo lĩnh vực và những nỗ lực phấn đấu, lao động sáng tạo, không ngừng vượt khó của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Nhân dịp này, cho phép tôi được thay mặt thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của ngành ngày hôm nay bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự tri ân sâu sắc những công lao, đóng góp to lớn của các đồng chí Bộ trưởng: Mai Ái Trực, Phạm Khôi Nguyên, Nguyễn Minh Quang, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các cơ quan tiền thân của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các thế hệ cán bộ công chức, viên chức, người lao động đã từng làm việc trong ngành.

Tự hào được tiếp bước, kế thừa những thành tựu to lớn của các thế hệ đã dày công vun đắp chúng ta ý thức được trách nhiệm to lớn của mình trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân trong sứ mệnh quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn lực to lớn của đất nước; bảo vệ môi trường sống cho sự phát triển trường tồn của dân tộc. Tôi mong muốn thế hệ cán bộ hôm nay với khát vọng vươn lên sẽ quy tụ, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đổi mới, sáng tạo để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII đã đặt ra cho ngành, tiếp tục khẳng định vị thế của ngành trong tiến trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước, hội nhập với xu thế phát triển chung của thời đại.

Tập trung hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật trước mắt là sửa đổi Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, các quy hoạch, chiến lược, hệ thống tổ chức phù hợp với thể chế kinh tế thị trường để quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh tài nguyên, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước và an ninh lương thực. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các bon thấp; thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất hướng tới Mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, ô nhiễm, thảm họa môi trường, dịch bệnh; xây dựng các quyết sách tổng thể, giải pháp thông minh, phù hợp với thời đại về ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế và từng lĩnh vực. Đến năm 2030, cơ bản đạt mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chúc các đồng chí và gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Chào thân ái!

Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi thư Chúc mừng nhân Kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO