Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Thủ tướng yêu cầu nâng cao năng lực dự báo

02/08/2016 00:00

(TN&MT) - Nhân buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7/2016, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời nhiều vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm.

Báo điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin lược ghi trả lời của Người phát ngôn Chính phủ về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Tài nguyên và Môi trường để bạn đọc theo dõi.

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí tại buổi họp báo tối 2/8. Ảnh: Việt Hùng
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí tại buổi họp báo tối 2/8. Ảnh: Việt Hùng

PV:Sau cơn bão số 1 vừa qua, có một số ý kiến cho rằng cơ quan khí tượng đã dự báo sai về cấp độ và hướng đi của bão, tốc độ di chuyển của tâm bão không như dự báo là 10-15km/h, gây nhiều thiệt hại. Xin Người phát ngôn cho biết ý kiến về công tác dự báo về cơn bão vừa qua?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Đây là cơn bão có diễn biến bất thường, khi đổ bộ vào bờ biển và đất liền nước ta bão không giảm cấp mà tiếp tục tăng cấp, thời gian duy trì gió mạnh kéo dài tại các tỉnh Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng đặc biệt là hệ thống lưới điện, nhà cửa và cây xanh.

Liên quan đến công tác dự báo, ngày 31/7, trong chuyến thị sát thực tế, chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại cơn bão số 1 tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và ngay đầu phiên họp Chính phủ tháng 7 (ngày 01/8/2016), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương và các cơ quan có liên quan sớm tổng kết, rút kinh nghiệm về cơn bão số 1, đánh giá cụ thể những mặt được, chưa được trong công tác dự báo, cảnh báo, thông tin, chỉ đạo, ứng phó để kịp thời khắc phục những hạn chế, đồng thời nâng cao năng lực dự báo nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhất là trong những tình huống thiên tai diễn biến bất thường, phức tạp.

PV:Mới đây phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm đánh giá chính xác môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Xin cho biết đến nay đã có kết quả đánh giá môi trường biển miền Trung hay chưa? Môi trường biển hiện nay đã an toàn cho đánh bắt thuỷ hải sản và các dịch vụ tắm biển chưa? Chính phủ sẽ có phương án như thế nào để sớm khôi phục hệ sinh thái biển miền Trung?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Công tác khảo sát, đánh giá môi trường biển trải dài hàng trăm km từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi có thời gian và nguồn lực. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) hiện đang cùng với các Bộ, ngành chức năng khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Bộ Y tế,... tiến hành nhiệm vụ này một cách khoa học, cẩn trọng và khẩn trương với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khác, nhất là Bộ TNMT xây dựng đề án khôi phục lại hệ sinh thái biển khu vực bị ảnh hưởng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thăm và làm việc với Trạm Khí tượng hải văn Côn Đảo đầu tháng 5/2016, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu bổ sung trang thiết bị và nâng cao năng lực dự báo. Ảnh: Việt Hùng
Thăm và làm việc với Trạm Khí tượng hải văn Côn Đảo đầu tháng 5/2016, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu bổ sung trang thiết bị và nâng cao năng lực dự báo. Ảnh:Việt Hùng

PV:Không chỉ vi phạm trên biển, gần đây liên tiếp phát hiện các hành vi chôn chất thải rắn của công ty Formosa không đúng quy định, cũng như xảy ra không ít vụ các công ty, nhà máy gây ô nhiễm môi trường (Công ty Việt Phước vứt heo thối ra sông Sài Gòn, Nhà máy chế biến rác thải Việt Trì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng…). Xin Người phát ngôn cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Quan điểm của Chính phủ về vấn đề môi trường rất rõ ràng: Không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi môi trường. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành. Mọi vi phạm pháp luật về môi trường đều phải được xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc ảnh hưởng xấu đến môi trường được phát hiện. Ngày 20/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, có báo cáo tổng thể với Thủ tướng về tình trạng ô nhiễm môi trường, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và tại các đô thị; công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường của các cơ quan nhà nước…, đề xuất các giải pháp cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng vừa phê duyệt Kế hoạch thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại các dự án có xả thải trên phạm vi cả nước.

PV: Nhiều chuyên gia kinh tế, môi trường cho rằng quy định và việc giám sát xử lý nước thải của Việt Nam thiếu chặt chẽ, khiến doanh nghiệp (DN) có thể “lách” trong khi cùng với việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư nước ngoài tới đây sẽ tăng lên, trong đó có những ngành nguy cơ ô nhiễm cao như dệt nhuộm, giấy, sắt thép... Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Vấn đề quản lý nước thải là một nội dung quan trọng của pháp luật về bảo vệ môi trường. Luật bảo vệ môi trường hiện hành cũng như các Nghị định của Chính phủ đã quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cũng như các yêu cầu, quy trình thủ tục trong quản lý, thu gom, xử lý và quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải, trách nhiệm giám sát việc xử lý... Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát thực thi còn nhiều hạn chế, thậm chí có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương tăng cường quản lý nhà nước, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, bảo đảm đầy đủ, chặt chẽ, không tạo kẽ hở để lợi dụng, "lách luật" như báo chí nêu.

Trong thực hiện các hiệp định thương mại tự do tới đây, không loại trừ có sự dịch chuyển đầu tư những ngành có nguy cơ ô nhiễm cao vào Việt Nam. Quan điểm của Chính phủ là thu hút đầu tư phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Các dự án đầu tư, dù ở bất kỳ ngành, lĩnh vực nào, dù thuộc danh mục khuyến khích đầu tư cũng phải chấp hành nghiêm các quy định về đầu tư, về bảo vệ môi trường, kiên quyết không cấp phép các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi; xử lý nghiêm các vi phạm. Như đã báo cáo Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu, lựa chọn và có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường, quy chuẩn môi trường cao hơn, tương đương các nước tiên tiến quốc tế.   

PV: Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thanh tra toàn diện dự án khoáng sản Núi Pháo (Thái Nguyên) xuất phát từ lý do gì và quan điểm của Bộ TN&MT cũng như Chính phủ về dự án này?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Theo quy định của Luật Thanh tra, hàng năm các Bộ, ngành và địa phương đều phải thực hiện kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt. Ngày 25/11/2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 3018/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2016 của Bộ, theo đó, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dự kiến tiến hành thanh tra một số cơ sở, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo).

Dự án khoáng sản Núi Pháo được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại Quyết định số 233/QĐ-BTNMT ngày 28/02/2005 và số 370/QĐ-BTNMT ngày 06/3/2008, do vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra về tài nguyên và môi trường đối với Công ty Núi Pháo theo kế hoạch hoặc đột xuất theo quy định.

Tháng 6 năm 2016, người dân xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã có khiếu kiện, tụ tập đông người phản đối về tình trạng ô nhiễm môi trường đối với Dự án khoáng sản Núi Pháo.

Ngày 14/7/2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Công văn số 147/BC-UBND báo cáo về quá trình giải quyết các vấn đề môi trường của Công ty Núi Pháo và các khiếu nại, kiến nghị của người dân khu vực xã Hà Thượng, huyện Đại Từ. Cùng ngày 14/7/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về nội dung này và thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ thanh tra về tài nguyên và môi trường tại tỉnh Thái Nguyên, trong đó có Công ty Núi Pháo, dự kiến vào đầu tháng 8 năm 2016.

Như vậy, việc thanh tra toàn diện về tài nguyên và môi trường đối với Công ty Núi Pháo là hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước. Qua thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng với UBND tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn, chấn chỉnh Công ty Núi Pháo phải thực hiện đúng pháp luật; nếu phát hiện các vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời giải quyết thỏa đáng các kiến nghị, khiếu nại của người dân đối với hoạt động của Công ty.

PV: Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Hải Ngọc - Châu Tuấn (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Thủ tướng yêu cầu nâng cao năng lực dự báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO