Bộ TN&MT trả lời về quyết sách nhằm bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh

Báo TN&MT| 31/10/2019 16:57

(TN&MT) - Tôi thấy, hiện nay ở đâu cũng có môi trường ô nhiễm nghiêm trọng nhất các khu công nghiệp, khu chế xuất, các xí nghiệp, cơ sở chế biến,… gây bức xúc và hoang mang trong nhân dân. Xin hỏi, Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những quyết sách nào nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng này?

Phế liệu và củi đốt được chất hai bên đường làng sản xuất giấy Phong Khê. (Ảnh: Hùng Võ)

Trả lời

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên & Môi trường trả lời như sau:

Bảo vệ môi trường tại các khu chế xuất; làng nghề; cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh... đang được các cơ quan quản lý bảo vệ môi trường rất quan tâm. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao;

Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, trong đó bổ sung các quy định nhằm tăng cường bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ; bổ sung các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn thải lớn.v.v.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã thành lập Tổ giám sát đặc biệt đối với một số khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (cụm công nghiệp Phú Lâm và làng nghề giấy Phong Khê, Bắc Ninh; khu Kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa; khu công nghiệp Tằng Loỏng, Lào Cai; Công ty TNHH khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo, Thái Nguyên; các dự án Bauxite Tây Nguyên…).

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, cụ thể như:

Hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác quản lý, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các xung đột, tranh chấp về môi trường gây mất ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội.

Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo hướng kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong năm 2020, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường theo hướng nâng cao quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của trung ương và địa phương; tập trung đẩy mạnh, làm tốt hơn việc tiếp nhận, xác minh và xử lý các thông tin; mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp huyện, cấp xã nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn đến mức thấp nhất các sự cố môi trường có thể xảy ra.

Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất, tổ chức thanh tra, kiểm tra theo loại hình, vùng, theo hình thức cuốn chiếu để đánh giá đầy đủ, toàn diện, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tổ chức thanh tra theo vùng để nắm bắt và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về môi trường. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương duy trì hoạt động giám sát thường xuyên đối với các dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đẩy nhanh tiến độ kết nối truyền số liệu quan trắc môi trường của các cơ sở phát sinh chất thải lớn trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT trả lời về quyết sách nhằm bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO