Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản

05/09/2018 12:04

(TN&MT) - Sáng 05/9, tại Trung tâm hội nghị quốc tế, hội thảo Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản đã diễn ra với sự tham dự Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng phụ trách Chính sách Đại dương Nhật Bản Fukui Teru; Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Arata Takebe; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cùng đông đảo nhà quản lý, các nhà khoa học và chuyên gia về biển của Việt Nam và Nhật Bản.

BT5
Các đại biểu tham dự Hội thảo Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của biển đã gắn với quá trình sinh tồn và phát triển của hai dân tộc Nhật Bản và Việt Nam. Trong suốt quá trình đó, Việt Nam và Nhật Bản đều chú trọng bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, xây dựng tầm nhìn vươn xa ra biển để tận dụng được nguồn lực từ biển cho phát triển kinh tế - xã hội.

Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, năm 2007 Việt Nam đã ban hành Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược biển. Cũng trong năm đó, Nhật Bản ban hành Luật cơ bản về chính sách đại dương và Kế hoạch hành động chính sách đại dương lần thứ nhất. Và sau 05 năm, cả hai nước đều đã tiến hành sơ kết đánh giá Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch hành động để ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động mới cho giai đoạn tiếp theo.

BT
Bộ Trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay hai nước đang tiếp tục tổng kết, đánh giá các chính sách, chiến lược này. Tại Việt Nam, nhằm đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới, Việt Nam đang tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đồng thời, Nhật Bản đã tiến hành tổng kết, đánh giá Kế hoạch hành động lần thứ 2 và ban hành Kế hoạch hành động chính sách đại dương lần thứ 3 (tháng 5 năm 2018).

"Hội thảo ngày hôm nay là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học và chuyên gia về biển của Việt Nam học hỏi những kinh nghiệm quý báu của các nhà quản lý, các chuyên gia của Nhật Bản trong quá trình thực thi chính sách đại dương của Nhật Bản, cũng như những định hướng trong Kế hoạch thực hiện 05 năm tiếp theo của Nhật Bản. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia của các Bộ, ngành ở Việt Nam chia sẻ thông tin; lắng nghe ý kiến góp ý của các đồng nghiệp Nhật Bản, để làm sâu sắc hơn những tri thức về phát triển kinh tế biển, bảo tồn và bảo vệ tài nguyên biển." - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng phụ trách Chính sách Đại dương Nhật Bản Fukui Teru cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với Bộ Chính sách Đại dương Nhật Bản đã có nhiều hoạt động tăng cường sự hợp tác với nhau. Đặc biệt, qua chuyến làm việc tại Nhật Bản trong tháng 6/2018 của Thứ trưởng Trần Quý Kiên hai bên đã có những trao đổi hữu ích và có bước khởi đầu cho cuộc hội thảo "Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản" ngày hôm nay. Phía Nhật Bản sẽ chia sẻ và giới thiệu những nỗ lực giải pháp cho Việt Nam và đây là cơ hội tốt thúc đẩy mối quan hệ giữa hai Bộ về những vấn đề quan tâm chung.

BT2
Bộ trưởng phụ trách Chính sách Đại dương Nhật Bản Fukui Teru

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Arata Takebe phát biểu nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung và giữa hai Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với Bộ Môi trường Nhật Bản nói riêng. Đặc biệt, Thứ trưởng Arata Takebe cho biết, kể từ năm 2013 giữa hai Bộ ký biên bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực môi trường thì hai bên đã có nhiều hoạt động hợp toàn diện và cũng có nhiều cuộc đối thoại chính sách về môi trường và đã đưa ra được những giải pháp tối ưu về vấn đề môi trường.

Tại Hội thảo "Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản", Thứ trưởng Arata Takebe cho biết, Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ trình bày tham luận về những nỗ lực giải quyết rác thải đại dương của Nhật Bản. Thứ trưởng Arata Takebe cho rằng vấn đề rác thải đại dương đang trở thành vấn đề môi trường lớn đối với cộng đồng quốc tế và nguyên nhân do xử lý không đầy đủ về vấn đề rác thải nhựa từ đất liền cũng như không thực hiện nghiêm túc kinh nghiệm trong mô hình xử lý 3R về vấn đề rác thải (3R là từ viết tắt của 3 chữ cái đầu trong tiếng Anh: Reduce - Reuse - Recycle (Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế)).

BT4
Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Arata Takebe

Thứ trưởng Arata Takebe cũng cho biết, vào tháng 6/2018 luật xử lý rác thải trên biển cũng đã được Nhật Bản sửa đổi và lần đầu tiên các giải pháp về rác thải nhựa đã đưa vào luật và trên cơ sở sửa đổi luật sẽ thúc đẩy mạnh mẽ vấn đề xử lý rác thải nhựa đại dương và mục tiêu sẽ đưa Nhật Bản là quốc gia hàng đầu thế giới về vấn đề xử lý rác thải nhựa đại dương.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cùng nhau trao đổi, làm rõ những vấn đề về nhận diện những cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế biển, bảo tồn và bảo vệ tài nguyên biển trong bối cảnh chúng ta phải giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ô nhiễm rác thải đại dương.

BT6
Toàn cảnh buổi Hội thảo sáng ngày 05/9

Các bài học thành công và chưa thành công, trong quá trình quản lý không gian biển, vùng ven bờ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; từ đó xem xét đề xuất cơ chế trao đổi, chia sẻ tri thức về biển, các kinh nghiệm trong xây dựng và hoạch định chính sách về biển và đại dương thông qua các hội thảo, hội nghị thường niên.

Các đại biểu cũng xây dựng các tham luận để xác định rõ những cơ hội hợp tác chung trong thăm dò, nghiên cứu biển; xác lập cơ chế, đề xuất các dự án hợp tác chung, cũng như các dự án khu vực nhằm giải quyết các thách thức về môi trường biển, như rác thải đại dương…

Trước đó, bên lề Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng phụ trách Chính sách Đại dương Nhật Bản Fukui Teru đã cùng nhau trao đổi về kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (1973 - 2018). Hai Bộ trưởng nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên mọi lĩnh vực của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản; đồng thời, nhiều hoạt động hợp tác được thúc đẩy, trong đó có bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu...

BT7
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng phụ trách Chính sách Đại dương Nhật Bản Fukui Teru trao đổi bên lề Hội thảo

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về những sự hỗ trợ quý báu dành cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện thể chế, chính sách...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO