Bộ TN&MT thiết lập lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa

Trường Giang| 04/11/2020 23:46

(TN&MT) - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 2395/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định số 1746/QĐ- TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó, 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương.

Nhận thức được tác hại của chất thải nhựa gây ra, năm 2018, Liên Hợp Quốc đã phát động phong trào giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông. Năm 2019, nguyên thủ các nước và lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã cam kết mạnh mẽ về chống chất thải nhựa tại Diễn đàn kinh tế thế giới. Việt Nam đã cam kết hành động giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương.

Ảnh minh họa

Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, theo đó, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.

Hiện nay, tại Việt Nam, các vấn đề do chất thải nhựa gây ra chủ yếu xuất phát từ chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị là khoảng hơn 37.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn là hơn 24.000 tấn/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ thu gom ở đô thị đạt trung bình khoản 70%; ở nông thôn đạt trung bình khoản 55%. Theo thống kê tại các bãi rác ở một số đô thị lớn (Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh) cho thấy, tỷ lệ rác thải nhựa dao động từ 12% đến 16%, đứng thứ 2 sau rác thải hữu cơ. Rác thải nhựa được chôn lấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn sau rất nhiều lần được hệ thống thu gom không chính thức thực hiện. Các loại rác thải nhựa chủ yếu là túi nilon, vỏ chai nhựa bẩn, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, sản phẩm nhựa khó thu hồi, khó tái chế… số lượng bao bì nhựa và túi ni lông sử dụng ngày càng gia tăng đe doạ nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và đại dương.

Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT- TTg về tăng cường giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Để triển khai hiệu quả Chỉ thị 33, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ban hành Quyết định số 2395/QĐ-BTNMT về  ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định số 1746/QĐ- TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 33 và Quyết định số 1746. Đồng thời, huy động sự tham gia một cách thiết thực, chủ động của các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ TN&MT trong các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa từ chính sách, pháp luật cho đến các hoạt động, việc làm cụ thể.

Ngoài ra, thực hiện tinh thần nêu gương của các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động của Bộ trong cuộc chiến chống chất thải nhựa qua đó lan tỏa và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bộ trưởng yêu cầu việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phải được triển khai sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thể thuộc Bộ TN&MT với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực và hiệu quả; Có tiêu chí rõ ràng, cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị; có đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết đánh giá những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém và đề ra giải pháp thực hiện, bảo đảm đạt được các mục tiêu của Kế hoạch; đề cao trách nhiệm, vai trò và nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch.

Kế hoạch phân công rõ 4 nhóm vấn đề để giao một số đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện như: Về hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải nhựa; về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa, chất thải nhựa; về xây dựng, thực hiện và tổng kết các chiến lược, đề án, dự án và một số nhiệm vụ cụ thể; về tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý chất thải nhựa.

Bộ trưởng yêu cầu căn cứ vào Kế hoạch, các đơn vị thuộc Bộ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện cho giai đoạn đến năm 2025 và cụ thể hóa cho từng năm gắn với chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, đảm bảo thiết thực, khả thi, hiệu quả; định kỳ gửi báo cáo kết quả thực hiện (trước ngày 15/12 hằng năm) về Tổng cục Môi trường để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT thiết lập lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO