Bộ TN&MT lấy ý kiến 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Khương Trung | 08/08/2022 17:51

(TN&MT) - Ngày 8/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Quốc hội và lãnh đạo các địa phương tại 25 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

bt-khai-mac.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, căn cứ kết quả tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy; HĐND, UBND cấp tỉnh để lấy ý góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ cũng tổ chức các hội nghị lấy ý kiến các doanh nghiệp, lấy ý kiến của các địa phương khu vực phía Nam và miền Trung – Tây Nguyên.

Bên cạnh các ý kiến đóng góp bằng văn bản của các địa phương, tại Hội thảo, Bộ trưởng đề nghị, các đại biểu cho ý kiến về các chính sách mới được bổ sung, hoàn thiện qua thực tiễn. Đề nghị các đại biểu dựa trên điều kiện thực tế của địa phương để đưa ra cách thức, công cụ triển khai chính sách mới như thế nào là tốt nhất, từ đó, giải quyết được các tồn tại, vướng mắc, đạt được các mục tiêu đặt ra theo Nghị quyết số 18.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Lê Thanh Khuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết: Về cơ bản, bố cục của Dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 Chương (bổ sung thêm 1 Chương quy định về phát triển quỹ đất và tách Chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 Chương). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 Điều, trong đó, giữ nguyên 48 Điều; sửa đổi, bổ sung 153 Điều; bổ sung mới 36 Điều và bãi bỏ 8 Điều.

tct-dat-dai.jpg
Tổng Cục trưởng Tổng cục Đất Đai Lê Thanh Khuyến phát biểu tại Hội thảo

Ông Lê Thanh Khuyến cũng trình bày những điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi và thảo luận các vấn đề: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các khoản thu tài chính từ đất đai được bổ sung; việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, vấn đề tập trung, tích tụ đất đai; các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm….

Tại Hội thảo, đại biểu 25 tỉnh, thành khu vực miền Bắc cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất về nội dung việc ban hành Luật, về thể thức đảm bảo thống nhất của Chương, Điều, Khoản… và được điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở nền tảng Luật Đất đai năm 2013.

Đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, Luật Đất đai hiện hành (Điều 118) xác định cụ thể các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, bao gồm đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng… Tuy vậy, Điều 65 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thay đổi cách tiếp cận về nội dung này. Theo đó, Luật không quy định cụ thể mà chỉ xác định nguyên tắc các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không thuộc quy định tại Điều 63 (không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và Điều 64 (đấu thầu dự án có sử dụng đất) thì phải đấu giá quyền sử dụng đất.

nguyen-trong-hai-lao-cai.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hải phát biểu

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Hải, việc đấu giá quyền sử dụng đất trong để lựa chọn nhà đầu tư sẽ không phát huy, tối đa hóa các lợi ích, mục tiêu tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của dự án như trường hợp lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu.

Để bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh, ông Nguyễn Trọng Hải đề nghị đánh giá cụ thể về sự phù hợp của thay đổi nêu trên để bảo đảm minh bạch và tính khả thi của quy định này. Đồng thời, nghiên cứu quy định nội dung này theo hướng xác định dự án thuộc phạm vi đấu thầu bao gồm các dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định hiện hành.

Đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực TP. Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, liên quan đến việc sử dụng đất quốc phòng an ninh, khi thực hiện thu hồi thì việc thực hiện theo Luật Đất đai còn phải thực hiện theo quy định về đất quốc phòng, an ninh, quản lý sử dụng tài sản công dẫn đến thời gian kéo dài. TP. Hải Phòng đề nghị, cần quy định như các loại đất khác để bảo đảm tiến độ, thời gian phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

le-anh-quan-hai-phong.jpg
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân phát biểu

Bên cạnh đó, ông Quân nêu vấn đề tồn tại ở Hải Phòng là việc giao cấp đất cho công nhân làm nhà ở, giao trái thẩm quyền… những trường hợp này người dân đã thực hiện nghĩa vụ tài chính đủ điều kiện cấp đất nhưng không có đất và phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. TP. Hải Phòng đề nghị, có quy định để xử lý tồn tại và đưa ra quan điểm phân cấp cho địa phương để chủ động giải quyết những tồn tại này.

Ông Quân cũng đề nghị, xác định nguyên tắc, phương pháp định giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Nội dung này cần quan tâm, làm rõ và quy định cụ thể hơn nếu không khó để thực hiện.

Ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo quy định tại Điều 29 Luật Đầu tư, nhà đầu tư được lựa chọn thông qua một trong các hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư (trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một người đăng ký tham gia…). Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành và Điều 54 dự thảo Luật về căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không quy định về việc giao đất, cho thuê đất đối với dự án mà nhà đầu tư được chấp thuận theo quy định nêu trên. Điều này sẽ dẫn đến tình huống các dự án đầu tư có sử dụng đất đã được chấp thuận nhà đầu tư nhưng không có cơ sở để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Ông Bùi Văn Côi đề nghị, cần có quy định về thẩm quyền và trình tự giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo. Đồng thời, kiến nghị bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện mà chỉ quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt.

toan-canh1.jpg
Toàn cảnh Phiên họp sáng ngày 8/8

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ghi nhận nhiều địa phương đã nghiêm túc tổ chức các cuộc lấy ý kiến để góp ý với Luật Đất Đai (sửa đổi), các ý kiến đóng góp vào các Chương, Điều đã cụ thể, chi tiết hơn. Các ý kiến về kỹ thuật, khái niệm, phương pháp trình bày, các văn bản của địa phương góp ý, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu nghiên cứu để hiệu chỉnh cho phù hợp hơn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tập trung trao đổi, giải thích, thảo luận ngay các vấn đề thực tiễn mà các đại biểu đặt ra về các nội dung như đất chuyển từ cho thuê trả tiền một lần sang hàng năm; việc đấu thầu đất đai để lựa chọn được những nhà đầu tư lớn, dự án tốt để phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Bộ trưởng cũng trao đổi về việc dự án Luật lần này giao quyền, phân cấp quyền cho địa phương rất nhiều, do đó, đề nghị địa phương cần nghiên cứu kỹ để có thể bảo đảm quản lý được chặt chẽ các số liệu thông tin về các loại đất đai trên địa bàn quản lý.

Về định giá đất đai, Bộ trưởng cho rằng, cần phải kết hợp hai đến ba phương pháp để xác định giá đất, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu các phương pháp trên cơ sở rất cần các ý kiến đóng góp của các địa phương để có thể xác định được giá đất thị trường chính xác nhất chứ không phải giá đầu cơ, thổi giá…

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trên thực tế Luật Nhà ở, Luật Đầu tư đã có các chế định việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận đất đai thì Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải có những quy định thêm để giám sát, quản lý một cách chặt chẽ nhất…

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn tiếp tục nhận được thêm các ý kiến đóng góp từ cơ sở, thực tiễn ở các địa phương để dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được hoàn thiện hơn nữa. Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban soạn thảo, Bộ trưởng tiếp thu, ghi nhận những ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để chuẩn bị trình Chính phủ và trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2022 theo kế hoạch. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT lấy ý kiến 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO