Bộ TN&MT làm việc với các địa phương về tổng kết thực hiện Nghị quyết 19 và thi hành Luật Đất đai

Trường Giang - Xuân Hợp - Khương Trung| 24/06/2021 14:41

(TN&MT) - Ngày 24/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến với các Tỉnh uỷ, Thành uỷ: Đà Nẵng, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Bình Thuận, Đồng Tháp về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành Luật Đất đai. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Nguyễn Hồng Sơn, Cao Đức Phát, Triệu Tài Vinh; Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân; đại diện Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Xây dựng; Thanh tra Chính phủ; Đại diện các cơ quan có liên quan của Quốc hội; Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về điểm cầu tại trụ sở các địa phương có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình Ngô Văn Tuấn; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ; Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước; Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND, Sở TN&MT, Chi cục Quản lý đất đai, Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng TN&MT cấp huyện...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: HM

Tồn tại, hạn chế cũng chính là dư địa để phát triển

Phát biểu khai mạc Hội thảo Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đất đai với mỗi quốc gia là tài nguyên đặc biệt, là một trong những nguồn lực to lớn cho phát triển. Vấn đề đất đai và chính sách, pháp luật quản lý đất đai luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; có tác động trực tiếp tới hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường đất nước cũng như mỗi người dân. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới khẳng định việc đổi mới chủ trương, chính sách, pháp luật, giải quyết đúng đắn các quan hệ về đất đai luôn là đột phá để góp phần giải phóng sức lao động, tạo xung lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng cho rằng, qua gần 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và 8 năm thi hành Luật đất đai, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường... Hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được tăng cường; nguồn thu từ đất đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm; thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất đã từng bước phát triển để cùng với thị trường vốn, thị trường lao động, khoa học, công nghệ cấu thành một chỉnh thể của cơ chế thị trường.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: HM

Tuy nhiên, quá trình thực thi cũng bộc lộ nhiều tồn tại; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tài nguyên đất đai chưa được giao cho chủ thể có năng lực sử dụng hiệu quả còn để lãng phí, hoang hóa, chưa hiệu quả.

Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất còn yếu kém, thiếu đồng bộ. Việc tổ chức thực hiện pháp luật đất đai còn chưa nghiêm; tình trạng vi phạm chính sách pháp luật đất đai, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…

“Đây là những tồn tại hạn chế, nhưng chính là dư địa để phát triển nếu chúng ta xác đúng các quan điểm, chủ trương, giải pháp, các nút thắt từ thực tiễn để đổi mới chính sách pháp luật về đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, yêu cầu của tiến trình phát triển của đất nước”, Bộ trưởng chia sẻ.

Chính vì thế, Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định hoàn thiện đồng bộ, tổ chức thực hiện tốt cơ chế, chính sách,luật pháp luật để quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhất là đất đai là một trong 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đây cũng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII và Quốc hội khóa XIV.

Nhiều vấn đề lớn được đặt ra cần phải được sáng tỏ từ lý luận và soi rọi từ thực tiễnđể giải quyết đúng đắn phù hợp với yêu cầu phát triển. “Chính vì vậy, việc tổng kết đánh giá từ cơ sở có ý nghĩa hết sức quan trọng, chúng tôi mong muốn các đồng chí với thực tiễn phong phú, đóng góp ý kiến làm rõ kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan; đề xuất các quan điểm, chủ trương, chính sách tiếp tục đổi mới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu Lữ Văn Hùng phát biểu tại điểm cầu Tỉnh uỷ Bạc Liêu

Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình Ngô Văn Tuấn phát biểu tại điểm cầu Tỉnh uỷ Hoà Bình

Quản lý đất đai được tăng cường ở cả 3 cấp

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều nhất trí cho rằng, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19 và 8 năm thực hiện Luật Đất đai 2013, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn đều có những chuyển biến tích cực, hệ thống quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường ở cả 3 cấp. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt được kết quả nhất định. Hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng được kiện toàn, trình độ chuyên môn ngày càng được nâng cao. Công tác giao đất, cho thuê, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều thu được những kết quả quan trọng góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại như: Nguồn lực đất đai chưa được phát huy đẩy đủ; thị trường bất động sản chưa ổn định; chính sách hỗ trợ, tái định cư còn bất cấp nhất là việc hết quỹ đất bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong khi người dân chỉ có nhu cầu bố trí tái định cư, không đồng ý với đền bù bằng tiền…

Điểm cầu Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước phát biểu tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc 

Đặc biệt các đại biểu nhất trí kiến nghị, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đồng bộ để quản lý sử dụng nguồn lực hiệu quả, tăng cường minh bạch công khai các quy hoạch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao ý kiến về các tồn tại và đề xuất giải pháp của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời đề nghị tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố sớm có Văn bản gửi về Ban Kinh tế Trung ương và Ban các sự Đảng Bộ TN&MT để kịp thời tổng hợp phục vụ Tổng kết Nghị quyết 19 và Luật đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT làm việc với các địa phương về tổng kết thực hiện Nghị quyết 19 và thi hành Luật Đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO