Bộ TN&MT công bố phân vùng bão

10/09/2014 00:00

(TN&MT) - Ngày 9/9, Bộ TN&MT đã công bố phân vùng bão và xác định nguy cơ vùng có cấp gió bão mạnh nhất, mức nước biển dâng cao nhất...

(TN&MT) - Ngày 9/9, Bộ TN&MT đã công bố phân vùng bão và xác định nguy cơ vùng có cấp gió bão mạnh nhất, mức nước biển dâng cao nhất có khả năng ảnh hưởng đến từng khu vực ven biển nước ta. Đây là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng ngừa, giảm thiệt hại do bão.
   
   
* Miền Bắc bão nhiều và mạnh nhất
   
  Theo bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, dựa trên các tiêu chí mùa bão, các tháng nhiều bão nhất trong năm; tần số bão trong năm; tình hình mưa do bão, Bộ TN&MT đã chia khu vực ven biển nước ta thành 5 vùng có sự khác nhau về ảnh hưởng của bão.
   
  Vùng có số cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng nhiều nhất là vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, trung bình vùng này mỗi năm chịu ảnh hưởng từ 1 đến 1,5 cơn bão. Đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng của bão sớm hơn các vùng khác. Lượng mưa lớn nhất trong ngày ghi được trên 470 mm. Cường độ bão ghi nhận được ở cấp 15, cấp lớn nhất trong lịch sử quan trắc ngành khí tượng.
   
  Vùng bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai là vùng biển từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế. Tuy số lượng cơn bão, cấp bão chỉ tương đương vùng Quảng Ninh – Thanh Hóa nhưng vùng này lại chịu ảnh hưởng do mưa bão. Lượng mưa lớn nhất ghi được trong ngày đạt 790 mm – mức lớn nhất lịch sử quan trắc. Cường độ bão ghi nhận được ở cấp 13.
   
  Vùng biển Nghệ An – Hà Tĩnh còn chịu ảnh hưởng của nước dâng mạnh nhất cả nước. khu vực nguy cơ nước dâng do bão cao nhất đạt trên 4,0 m, trong tương lai có khả năng mạnh lên trên 4,5 m. Trong trường hợp xảy ra triều cường, mực nước tổng cộng trong bão có thể lên tới 5,7 – 6,2 m.
   
   Vùng có tần số bão ít nhất là vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, lượng mưa lớn nhất ghi được trong ngày đạt 180 mm. Cường độ bão ghi được ở cấp 10.
   
  Nhận định theo phân vùng này phù hợp với thực tế diễn ra.
   
  Theo bà Hương, đây là nghiên cứu bước đầu về phân vùng bão. Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đưa ra các nghiên cứu đầy đủ, chi tiết và có độ tin cậy cao hơn.
   
* Cường độ bão tăng 2-11% do biến đổi khí hậu
   
  Trong vài năm trở lại đây, các chuyên gia nhận định xuất hiện nhiều siêu bão mạnh, đường đi lắt léo khó dự báo. Hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường, cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và không theo quy luật khí hậu hoặc bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng dồn dập trong thời đoạn ngắn. Có thể nói biến đổi khí hậu là một yếu tố khiến bão thất thường hơn.
   
  “Căn cứ theo nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, dưới tác động của biến đổi khí hậu, cường độ bão có thể tăng từ 2 đến 11% trong thế kỷ 21”, bà Huỳnh Thị Lan Hương nói.
   
  Chính bởi diễn biến khó lường của bão, các cấp, các ngành và người dân cần ứng phó với thiên tai này mọt cách chủ động. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây cũng đã có chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp ứng phó với các tình huống siêu bão. Bên cạnh việc giao Bộ TN&MT phân vùng bão, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xây dựng bản đồ ngập lụt ở vùng ven biển, cửa sông theo các kịch bản nước dâng do bão, lũ làm cơ sở cho việc quản lý quy hoạch bố trí dân cư và xây dựng sơ tán dân cư trong các tình huống bão, lũ; cập nhật, điều chỉnh các quy định, hướng dẫn neo đậu phương tiện, tàu thuyền thuộc lĩnh vực quản lý để chủ động ứng phó với tình huống bão mạnh, siêu bão.
   
  Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan bổ sung, điều chỉnh các quy định, hướng dẫn về xây dựng công trình, nhà ở theo phân vùng bão và điều kiện thiên tai ở từng vùng để tùy theo điều kiện cụ thể người dân có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro thiên tai khi đầu tư xây dựng công trình, nhà cửa; phân loại nhà ở, công trình hạ tầng đảm bảo an toàn hoặc không đảm bảo an toàn phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư, hướng dẫn chằng chống nhà cửa khi bão xảy ra bão mạnh, siêu bão.
   
  UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ phân vùng bão, bản đồ ngập lụt, các địa phương cập nhật, điều chỉnh phương án phòng, tránh, ứng phó, nhất là phương án sơ tán dân cư để chủ động triển khai thực hiện khi tình huống bão mạnh, siêu bão xảy ra.
   
  Đồng thời kiểm soát quy hoạch, xây dựng công trình, nhà ở tại các khu vực ven biển, cửa sông để hạn chế rủi ro thiên tai; đối với công trình, nhà ở hiện có trong khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực thấp trũng sát ven biển, cửa sông cần chủ động rà soát, chỉ đạo thực hiện phương án bảo đảm an toàn.
   
Hoàng Minh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT công bố phân vùng bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO