Bộ TN&MT - Bộ NN&PTNT: Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và liên tục

04/01/2017 00:00

(TN&MT) - Đó là tinh thần chung mà Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã thống nhất tại buổi làm việc chiều 04/1/2017 về công tác phối hợp các lĩnh vực quản lý giữa hai Bộ.

Tham dự buổi làm việc về phía Bộ TN&MT có các Thứ trưởng: Nguyễn Linh Ngọc, Võ Tuấn Nhân, Nguyễn Thị Phương Hoa cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ. Về phía Bộ NN&PTNT có các Thứ trưởng: Hà Công Tuấn, Vũ Văn Tám, Lê Quốc Doanh cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.  

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Khương Trung
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Khương Trung

Chủ động phối hợp chặt chẽ trong triển khai công việc

Trình bày báo cáo về công tác phối hợp các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: Trong thời gian qua, hai Bộ và các đơn vị trực thuộc đã chủ động hợp tác tích cực, phối hợp chặt chẽ trong từng lĩnh vực, bảo đảm hoạt động thống nhất, hiệu quả chức năng quản lý ngành và sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của Chính phủ từ trung ương đến địa phương.

Về công tác phối hợp giữa hai Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: trong giai đoạn 2011 - 2016, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng trình ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thuộc chức năng nhiệm vụ được giao. Hai bộ đã phối hợp thực hiện 08 đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia "Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Trong quản lý, sử dụng đất, hai Bộ đã phối hợp tích cực trong công tác điều tra cơ bản về chất lượng đất đai; lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và thẩm định chỉ tiêu đất lúa, đất rừng trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh gắn với tái cơ cấu trong nông nghiệp, đảm bảo yêu cầu về an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Phối hợp chặt chẽ trong quá trình thẩm định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ,  rừng đặc dụng, trong công tác xây dựng nông thôn mới, thực hiện dồn điền đổi thửa, tập trung đất đai và cấp giấy chứng nhận để nông dân thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp và thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn, sản xuất kinh doanh...

Hai Bộ cũng đã chủ động phối hợp trong chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề của địa phương, cơ sở có liên quan đến lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Khương Trung
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Khương Trung

Ở lĩnh vực tài nguyên nước, hai bên đã có sự hợp tác sâu rộng, tập trung vào vấn đề sử dụng nước trong nông nghiệp, nước sạch nông thôn thông qua nhiều chương trình, Đề án, dự án liên quan. Hai Bộ đã phối hợp trong công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ lớn nhằm điều tiết nước cho vùng hạ du phục vụ điều tiết nước, cắt lũ, giảm hạn hán cho sản xuất nông nghiệp.

Hai bộ đã trao đổi và phối hợp tốt để phân tích và đưa ra các nguyên nhân, khuyến cáo các biện pháp giảm thiểu tác hại do khô hạn mùa khô năm 2016; phối hợp nghiên cứu về đánh giá diễn biến lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu tại vùng biên giới Tây Nam Việt Nam-Campuchia; cập nhật cơ sở dữ liệu về thiệt hại lũ phục vụ cho Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công , bao gồm cả các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, phối hợp thực hiện các Dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tưới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên…

Đối với lĩnh vực môi trường, hai Bộ đã phối hợp quản lý có hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, an toàn sinh học. Trong công tác kiểm soát ô nhiễm, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, thực hiện các tiêu chí môi trường công nhận nông thôn mới, triển khai thực hiện đề án bảo vệ môi trường làng nghề; bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi, thú y; bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và kiểm soát ô nhiễm từ hóa chất, bao bì thuốc bảo vệ thực vật ; giải quyết các khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu...

Trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu: Hai Bộ đã phối hợp tích cực trong xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam, Kế hoạch Quốc gia thích ứng Biến đổi khí hậu và xây dựng Nghị định quy định lộ trình và phương thức để Việt Nam tham gia các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính toàn cầu. Hai Bộ đã tích cực phối hợp trong xây dựng, triển khai Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện thẩm định danh mục các dự án ưu tiên về biến đổi khí hậu và tổ chức kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu do các địa phương thực hiện.

Đặc biệt, Bộ TN&MT cung cấp các số liệu điều tra cơ bản về khí tượng thủy văn phục vụ công tác quy hoạch, kế hoạch, điều hành của ngành nông nghiệp; phục vụ thiết kế, cải tạo các công trình thuỷ lợi, đặc biệt là các công trình hồ chứa vừa và lớn, các tuyến đê, kè sông, biển. Cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo hiện tượng khí tượng thủy văn ngắn hạn và dài hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp, điều hành hệ thống liên hồ chứa theo phục phục vụ phòng chống lũ hạ du, tích nước hồ chứa đảm bảo cấp nước, phục vụ lấy nước sản xuất… Ngoài ra, hai Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ trong các lĩnh vực như: Đo đạc và bản đồ; Viễn thám; Địa chất và khoáng sản; Biển và hải đảo…

Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các lĩnh vực

Bên cạnh các kết quả đạt được công tác phối hợp quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hai Bộ đã thẳng thắn nhìn nhận vào những khó khăn, vướng mắc như: Còn có những nội dung giao thoa giữa chức năng, nhiệm vụ của 2 Bộ trong các Luật chuyên ngành; Vẫn còn chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của 2 Bộ về quản lý rừng, tài nguyên nước, quản lý đa dạng sinh học, môi trường; Việc chia sẻ các thông tin, dữ liệu, số liệu quan trắc và các kết quả điều tra cơ bản của hai ngành chưa kịp thời, chưa đầy đủ...

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa trình bày báo cáo về sự phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian qua. Ảnh: Khương Trung
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa trình bày báo cáo về sự phối hợp giữa các lĩnh vực quản lý của hai Bộ trong thời gian qua. Ảnh: Khương Trung

Để khắc phục những hạn chế đồng thời tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các lĩnh vực quản lý nhà nước của 2 Bộ nói chung và giữa các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT nói riêng, Bộ TN&MT đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung hợp tác trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giữa 2 Bộ trong thời gian tới. Cụ thể:

Trong lĩnh vực quản lý đất đai: hai Bộ cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai các nhiệm vụ như: Phối hợp trong tham mưu với Chính phủ, Quốc hội các chính sách, biện pháp, giải pháp đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai, dồn điển đổi thửa cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa; Phối hợp trong công tác chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc trong quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; Phối hợp trong công tác điều tra cơ bản về chất lượng đất, đánh giá mức độ suy thoái, thoái hóa đất và đề xuất các giải pháp nhằm cải tạo chất lượng đất trong nông nghiệp...

Với lĩnh vực tài nguyên nước: hai Bộ cần tăng cường hợp tác trong quy hoạch tài nguyên nước gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; nghiên cứu các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa để điều tiết nước cho phòng chống hạn, cắt giảm lũ; Tăng cường chia sẻ số liệu về tưới tiêu, lũ, hạn, các công trình… ở Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Công quốc tế; Phối hợp chặt chẽ và tiếp tục mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong đánh giá các tác động phát triển của thượng nguồn sông Mê Công và xuyên biên giới…

Trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, trong thời gian tới Bộ TN&MT sẽ bàn giao thông tin, tài liệu về kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản (vỏ phong hóa, tai biến địa chất, ô nhiễm môi trường địa chất) để Bộ NN&PTNT tham khảo, sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và các lĩnh vực có liên quan;  Hai Bộ phối hợp tổ chức kiểm tra việc trồng rừng thay thế đối với các diện tích đã chuyển mục đích để khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện; thanh tra, kiểm tra, xử lý các đối với các đơn vị khai thác, nạo vét, khơi thông luồng gây sạt lở bờ sông, đe dọa an toàn đê điều; nghiên cứu các giải pháp phòng, chống và khắc phục có hiệu quả tình trạng sạt lở bờ sông.

Đối với lĩnh vực môi trường, hai Bộ cần phối hợp, thống nhất trong việc nhanh tiến độ xây dựng các văn bản về quản lý, bảo tồn loài hoang dã; Tăng cường sự phối hợp toàn diện kiểm soát ô nhiễm trong công tác bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Tăng cường chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tổ chức thực hiện hoạt động “khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng”; Tiếp tục phối hợp trong các hoạt động liên quan đến khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển gây ra tại một số tỉnh miền Trung...

Trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, hai bộ cần phối hợp chặt chẽ trong nâng cao năng lực phòng chống thiên tai; Phối hợp tích cực trong triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; Phối hợp triển khai Kế hoạch hành động của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris; Phối hợp xây dựng dự án hệ thống giám sát, cảnh báo sớm các thiên tai, cực đoan khí hậu phục vụ phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL...

Ở lĩnh vực biển, hải đảo, Bộ TN&MT đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường phối hợp trong kiểm kê tình hình sử dụng biển của ngành thủy sản để tránh chồng chéo trong việc giao khu vực biển; tăng cường sự phối hợp trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; nhận chìm ở biển; tích cực trao đổi thông tin, dữ liệu liên quan đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo giữa hai Bộ…

Toàn cảnh buổi làm việc giữa hai Bộ chiều 04/1/2017 tại Trụ sở Bộ TN&MT. Ảnh: Việt Hùng
Toàn cảnh buổi làm việc hiều 04/1/2017 tại Trụ sở Bộ TN&MT. Ảnh:Việt Hùng

Thống nhất cao nhất trong phối hợp giữa hai Bộ

Tại buổi làm việc, sau khi lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của hai Bộ đã phát biểu bổ sung một cách cụ thể, chi tiết các vấn đề trong báo cáo nêu cũng như các lĩnh vực có sự giao thoa trong việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước giữa hai Bộ TN&MT và NN&PTNT; Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng buổi làm việc của hai Bộ đã trao đổi chung về công tác quản lý điều hành của hai bộ một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực có liên quan. Theo Bộ trưởng, buổi làm việc đã chỉ ra những lĩnh vực hợp tác giữa hai bên sao cho hiệu quả hơn trong công tác hợp tác, phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian tới.

Cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định Bộ TN&MT quản lý nhà nước trên rất nhiều lĩnh vực và một số lĩnh vực có sự liên quan mật thiết đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT.

Các lĩnh vực quản lý của Bộ TN&MT liên quan đến các lính vực như: quản lý đất đai, quản lý tài nguyên nước, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu… đó là những thông tin có liên quan mật thiết đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành NN&PTNT và đó cũng chính là những thông tin mà ngành nông nghiệp rất cần. Ở chiều ngược lại, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà thì các thông tin của Bộ NN&PTNT về khí tượng thủy văn, về môi trường… trong nông nghiệp cũng rất nhiều và đây là những thông tin rất hữu ích cho ngành TN&MT.

Vấn đề thứ hai, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, qua thực tiễn và qua cuộc trao đổi hôm nay, sẽ rất khó khăn có thể phân định một cách rõ nét giữa việc nào thì Bộ TN&MT làm, việc nào thì Bộ NN&PTNT làm.

“Điều quan trọng nhất là hai bên thống nhất nguyên tắc để sau này hai Bộ từ vấn đề xây dựng chính sách pháp luật cho đến vấn đề tổ chức triển khai, thì hai bên mới giải quyết được. Những vấn đề gì thuộc về trách nhiệm quản lý của Bộ NN&PTNT và những vấn đề gì của công tác quản lý nhà nước của mình thì phải làm tốt vấn đề tham mưu về chiến lược, về chính sách để ít nhất tránh được sự chồng chéo” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Vẫn theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, có những vấn đề mà Bộ NN&PTNT làm tốt thì chính là giúp cho Bộ TN&MT hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bộ trưởng Trần Hồng Hà  nếu ví dụ: Như vấn đề môi trường trong khu vực nông thôn, nếu Bộ NN&PTNT làm thật tốt vấn đề môi trường làng nghề, bảo vệ môi trường nông thôn hay thực hiện tốt tiêu chí 17 về bảo vệ môi trường trong xây dựng Nông thôn mới… nếu Bộ NN&PTNT làm thật tốt thì Bộ TN&MT sẽ được hưởng lợi.

Và ngược lại ví dụ như việc nếu ngành KTTV thực hiện tốt công tác dự báo thì phòng chống thiên tai sẽ tốt và  giảm thiệt hại cho ngành nông nghiệp. Hoặc nếu Bộ TN&MT thực hiện tốt việc quy hoạch đất đai, làm tốt chương trình tích tụ đất đai sẽ làm cho ngành nông nghiệp có thể thực hiện việc phát triển công nghệ cao…thì nếu Bộ TN&MT làm tốt việc này cũng chính là làm tốt việc cho Bộ NN&PTNT

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị hai bên cùng nhau xem xét và coi sự hợp tác giữa hai Bộ là mối quan hệ gắn bó hữu cơ, không thể tách rời. Bộ trưởng đề nghị mỗi bên đưa ra một số công việc như vậy để mỗi việc của Bộ NN&PTNT thì coi đây như là việc của Bộ TN&MT để cam kết thúc đẩy nhanh và ngược lại. Làm sao để công tác chung của hai Bộ đều thành công nhằm phục vụ tốt công việc mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.  

“Trong thời gian tới, tôi đề nghị hai Bộ có quy chế, cơ chế để hợp tác, trao đổi công việc giữa hai bên. Trước mắt, lãnh đạo các đơn vị chức năng có liên quan của hai Bộ làm việc với nhau, khi có các vấn đề chưa thống nhất thì nên có sự vào cuộc của các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đó. Nếu cần nữa thì có cơ chế có thể báo cáo lên đến Bộ trưởng để cùng nhau thống nhất, giải quyết…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đồng quan điểm đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trân trọng cám ơn sự chuẩn bị công phu của Bộ TN&MT để có buổi làm việc hết sức cởi mở, thân mật với mục tiêu chung là sự thống nhất giữa hai bên trong thực thi nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho mỗi Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đồng tình với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc xây dựng các văn bản pháp luật mà hai Bộ phụ trách trên cơ sở những gì Luật đã ban hành cố gắng giữ nguyên, còn với các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định thì cố gắng có sự thống nhất cao nhất giữa hai Bộ.

Quan điểm đó cũng được thống nhất trong việc giải quyết những vấn đề lớn đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của hai bên trong việc giải quyết công việc của hai Bộ để trên cơ sở đó hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. “Nếu chúng ta đã thông về tư tưởng thì không có việc gì là không xong…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Người đứng đầu ngành NN&PTNT cũng đã đề cập đến những vấn đề giao thoa giữa hai Bộ như: quản lý đất đai, quản lý tài nguyên nước, về vấn đề quản lý môi trường, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu… Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thống nhất với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc quán triệt tinh thần phối hợp giữa lãnh đạo các đơn vị trực thuộc giữa hai bên để cùng làm tốt và góp phần bổ trợ, hỗ trợ cho nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng hai Bộ đã thống nhất cử một Tổ công tác có sự tham gia của hai bên để tổng hợp, thống kê những vướng mắc, những bất cập cần tháo gỡ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Hai bên cũng thống nhất sẽ thường quyên có hoạt động tương tác, trao đổi thông tin trong thời gian tới.

Hai Bộ trưởng cũng thống nhất sẽ xây dựng chương trình trao đổi thông tin chung để phục vụ công tác quản lý nhà nước của mỗi ngành. Và dự kiến buổi làm việc tiếp theo giữa hai bên sẽ được tổ chức tại trụ sở Bộ NN&PTNT ngay sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu sắp tới.

Việt Hùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT - Bộ NN&PTNT: Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và liên tục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO