Bổ sung hành vi lợi dụng điều tra và hoạt động dầu khí gây ô nhiễm vào Luật Dầu khí (sửa đổi)

Khương Trung - Trường Giang | 14/11/2022 11:42

(TN&MT) -Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị nhấn mạnh rõ tại Khoản 2 quy định không làm ô nhiễm môi trường. Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan bổ sung hành vi lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí gây ô nhiễm môi trường tại Khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.

bieu-quyet.jpg
Với 94,78% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật dầu khí (sửa đổi)

Để hoàn thiện căn cứ pháp lý đầy đủ cho hoạt động khai thác tận thu dầu khí, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo Nghị định và rà soát

Sáng 14/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo về chính sách khai thác mỏ, lô dầu khí, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến nhất trí chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu để nâng cao hiệu quả của hoạt động này, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam; đề nghị Chính phủ sớm quy định chi tiết nội dung này như dự thảo Luật đã giao tại Khoản 2 Điều 55, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là chính sách mới của dự thảo Luật với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.

141120220808-z3878807149681_76fe86231d59ec58c05b2295e2776247.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu

Để bảo đảm rõ ràng, lần sửa đổi này đã bổ sung quy định về Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế điều hành hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí. Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí đã có quy định về nội dung chính của quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp này.

Để hoàn thiện căn cứ pháp lý đầy đủ cho hoạt động khai thác tận thu dầu khí, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo Nghị định và rà soát, ban hành các văn bản dưới luật khác có liên quan, trong đó, chú trọng các quy định nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí…

Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về cơ quan quyết định, cơ quan thẩm định thời hạn tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong trường hợp bất khả kháng, đối chiếu với Điều 156, Bộ luật Dân sự.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Điều 31 dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định 2 khoản riêng về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đối việc quyết định thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong 2 trường hợp: bất khả kháng và vì lý do quốc phòng an ninh, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ.

Cụ thể, trong trường hợp bất khả kháng, các bên tham gia hợp đồng dầu khí thỏa thuận phương thức tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương quyết định. Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), Có ý kiến đề nghị nhấn mạnh rõ tại khoản 2 quy định không làm ô nhiễm môi trường. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, xin bổ sung hành vi lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí gây ô nhiễm môi trường tại khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật.

Đề nghị tách biệt vai trò của Cơ quan đại diện

141120220855-z3878803485690_0dc4d1f6c5e6ee394857d748e4bf2d94.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Về quản lý Nhà nước về dầu khí, có ý kiến đề nghị quy định rõ và tách biệt vai trò của Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong quá trình phê duyệt để thực hiện hoạt động dầu khí, đặc biệt khi đơn vị chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc doanh nghiệp 100% vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Lý do, theo quy định của Luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, khi bán tài sản dầu khí, đồng thời với việc tổ chức chào thầu cạnh tranh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải mời tổ chức độc lập đánh giá, xác định giá trị khởi điểm của tài sản dầu khí.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật chỉ quy định về trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gắn với quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong hoạt động dầu khí có nội dung khác với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành.

“Dự thảo Luật không quy định điều kiện về vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho ý kiến đối với nội dung này. Khi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tư cách là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí phải bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng theo quy định của Luật Dầu khí và quy định khác của pháp luật có liên quan, bao gồm cả quy định về khi bán tài sản dầu khí, đồng thời, với việc tổ chức chào thầu cạnh tranh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải mời tổ chức độc lập đánh giá, xác định giá trị khởi điểm của tài sản dầu khí”, ông Thanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung hành vi lợi dụng điều tra và hoạt động dầu khí gây ô nhiễm vào Luật Dầu khí (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO