Bộ, Ngành, Địa phương “hiến kế” phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi

Phạm Hoài - Minh Tuấn (lược ghi) | 14/01/2021, 13:50

(TN&MT) - Phát biểu tham luận tại Hội thảo “Triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung” diễn ra ngày 14/1/2021 tại Đắk Lắk, lãnh đạo các Bộ, Ngành, Địa phương đã đưa ra những bài học và “hiến kế” nhiều giải pháp nhằm phát triển KT-XH khu vực này.

Đại biểu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quốc Khánh

Báo Điện từ baotainguyenmoitruong.vn trân trọng lược ghi và giới thiệu ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo để bạn đọc cùng theo dõi.

Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất”

Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Ảnh: Quốc Khánh

Trước yêu cầu của sự phát triển trong tình hình mới cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho vùng đồng bào dân tộc nhất là các vấn đề sinh kế, việc làm và giảm nghèo; vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề bảo vệ không gian văn hóa nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc. Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án tổng thể trên địa bàn Vùng Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, Hội đồng Dân tộc đề nghị các địa phương quan tâm tới một số vấn đề sau:

Thực hiện tốt những nguyên tắc cơ bản trong công tác quản lý thực hiện Chương trình MTQG với 5 nội dung: Một là, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất.

Hai là, bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS; Ba là, phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Bốn là, đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình  thực hiện Chương trình.

Để triển khai các nội dung trên, chúng ta cần: Tập trung ưu tiên, bố trí nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo; triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân;

Giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch; tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt của đồng bào DTTS; Đẩy mạnh công tác trồng rừng, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện các giải pháp phục hồi rừng bền vững gắn với khôi phục không gian sống, không gian văn hóa của các cộng đồng dân tộc;   

Ưu tiên phát triển du lịch, gắn với giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; gắn phát triển du lịch với bảo vệ, phát huy, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số…

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: “Khơi dậy văn hóa vươn lên, văn hóa làm giàu, khát vọng làm giàu, khát vọng sáng tạo trong xã hội”

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH. Ảnh: Quốc Khánh

Chương trình MTQG mới tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện, đa tầng. Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục…

Điều này sẽ tạo ra nguồn lực và bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; Huy động hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường vai trò lãnh đạo, tiên phong của cấp ủy; phân công đảng viên, cán bộ và các hội, đoàn thể tham gia đỡ đầu, hỗ trợ cộng đồng nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Phân công “địa phương giàu” hỗ trợ “địa phương nghèo” thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 cần tập trung vào các nhiệm vụ như:

Lấy người nghèo, người DTTS, người dân sinh sống trên địa bàn lõi nghèo là trọng tâm; phòng ngừa, giảm thiểu, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo đói. Hỗ trợ phát triển các mô hình: “Giảm nghèo theo địa chỉ”, “Hộ gia đình sản xuất giỏi”, “Tổ tự quản giảm nghèo” đối với mỗi xã, phường; thôn, bản;

Tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; tạo việc làm công, góp phần giảm rủi ro thiên tai (bao gồm khu vực Tây Nguyên và khu vực duyên hải miền Trung).

Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo hỗ trợ toàn diện cho người nghèo như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, dạy nghề, việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng.

Đối với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đề nghị tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp của người dân.

Đối với các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, đề nghị  tập trung phát triển các hoạt động sản xuất, tạo việc làm, sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương (sử dụng kiến thức bản địa, sản phẩm bản địa, sản phẩm có tiềm năng phát triển) và sinh kế từ việc làm phi nông nghiệp có tiền lương, làm thuê; góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.

Khơi dậy văn hóa vươn lên, văn hóa làm giàu, khát vọng làm giàu, khát vọng sáng tạo trong xã hội. Người dân có tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên “thoát nghèo”, xây dựng cuộc sống “ấm no, hạnh phúc”…

Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài”

Bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Quốc Khánh

Những năm qua, vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta đã có nhiều chuyển biến và đổi mới rõ nét về các mặt: cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và văn hoá xã hội, trình độ học vấn và dân trí, đời sống vật chất và tinh thần, trật tự an ninh xã hội, bình đẳng và đại đoàn kết dân tộc…

Sự nhất quán trong nhận thức và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, phát triển đời sống văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ về thực hiện chính sách chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cần kiến nghị thực hiện tốt các nhiệm vụ như:

Một là: Tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, cần ban hành các chính sách cụ thể tập trung vào lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc; trong đó có chính sách cho các nghệ nhân tổ chức truyền dạy di sản văn hóa, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội hóa đối với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Hai là: Đề nghị sớm thẩm định và phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Đề nghị giao cho các bộ, ngành chủ trì, phối hợp triển khai có hiệu quả các Dự án thành phần để chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện theo ngành, lĩnh vực có hiệu quả. Trong đó, giao cho Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp triển khai Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu của Chương trình đã đề ra

Ba là: Đề nghị Thủ thướng Chính phủ sớm phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 làm cơ sở để định hướng, phát triển công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.

Bốn là: Hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; bảo tồn làng, bản, buôn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ. Định kỳ tổ chức các liên hoan, ngày hội, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số theo từng vùng, miền và từng dân tộc.

Năm là: Tiếp tục tăng cường các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Hỗ trợ đưa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cấp Trung ương và tỉnh phục vụ đồng bào dân tộc ở các xã, bản ở vùng sâu, vùng xa, ưu tiên các xã, bản sát biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; Có hình thức khen thưởng, động viên, hỗ trợ cho các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tham gia với vai trò đầu tàu trong các câu lạc bộ, truyền dạy văn hóa nghệ thuật dân tộc hoặc sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật mới phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Sáu là: Tiếp tục xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các đề án, dự án liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk: “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là dấu mốc lịch sử trong công tác dân tộc”

Ông Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ảnh: Quốc Khánh

Trước hết chúng ta khẳng định ngày 18/11/2019 Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là một dấu mốc lịch sử trong công tác dân tộc, là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đề án được phê duyệt và tổ chức thực hiện, trước hết sẽ khắc phục được những điểm nghẽn trong vấn đề thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc trong thời gian qua, để triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 mà Nghị quyết đã đề ra, đặc biệt là trong việc thực hiện Dự án 2 về bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do, UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về  phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Trung ương như sau:

Căn cứ vào đối tượng cần hỗ trợ và định mức hỗ trợ, quan tâm bố trí kinh phí thực hiện nội dung bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới thuộc Dự án 2 cho 45 dự án (bao gồm 05 dự án chuyển tiếp và 40 dự án khởi công mới) với tổng nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 3.512.136 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển là 3.367.136 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 145.000 triệu đồng).

Đề nghị Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ quan tâm, phân bổ kế hoạch vốn năm 2021 để tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn và đề xuất hỗ trợ 40% kinh phí phân bổ của giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2021 để ưu tiên cho một số chương trình, mục tiêu đầu tư thiết yếu, cấp bách.

Đề nghị Ủy ban Dân tộc quan tâm trình Chính phủ lựa chọn tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện thí điểm Chương trình mục tiêu quốc gia về  phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; đồng thời quan tâm, bố trí nguồn vốn với định mức cao hơn so với các địa phương khác để sớm triển khai thí điểm Chương trình trên địa bàn tỉnh…

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số”

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Quốc Khánh

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, tỉnh Đắk Nông xác định một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số. Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm những hành vi cố ý xâm hại di sản văn hóa. Hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển du lịch bền vững.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hai là, xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với quy hoạch phát triển du lịch. Đối với các di sản văn hóa vật thể tiến hành rà soát, kiểm kê, bảo quản bằng công nghệ hiện đại, đưa lên trang thông tin điện tử của tỉnh để phục vụ tốt công tác bảo tồn và tra cứu. Xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác khai quật khảo cổ, tôn tạo, xác định giá trị cổ vật, có kế hoạch bảo vệ, bảo tồn và quảng bá, nhất là việc giữ gìn các hiện vật cách mạng, di tích kháng chiến.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể thì chú trọng đầu tư phục dựng các lễ hội đặc trưng thành hoạt động văn hóa thường niên, kết hợp với các hoạt động du lịch. Thành lập và phát triển các làng nghề truyền thống bằng nhiều hình thức và đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Tạo mọi điều kiện mở rộng nguồn đầu tư trong xã hội tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo phương châm nhà nước và Nhân dân cùng làm.

Bốn là, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Kết hợp giữa đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phát triển du lịch. Phát huy vai trò của hệ thống thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức về Luật di sản văn hóa đến từng người, từng gia đình.

Năm là, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa. Mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Đồng thời, đầu tư triển khai các dự án để sưu tầm và xuất bản các ấn phẩm về di sản văn hóa, không chỉ để bảo tồn hay làm tài liệu tra cứu mà còn là tài liệu tuyên truyền, giảng dạy, quảng bá trong cộng đồng các dân tộc giúp đồng bào có thể hiểu được những giá trị di sản văn hóa để họ tham gia bảo tồn, gìn giữ, phát huy nó trong đời sống cộng đồng.

Sáu là, tăng cường hội nhập, giao lưu giới thiệu về văn hóa Đắk Nông thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cơ quan Trung ương về tổ chức và tham gia biểu diễn văn hóa nghệ thuật, hợp tác thực hiện các chương trình hội thảo, nghiên cứu khoa học trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa...

Bài liên quan
  • Ủy ban Dân tộc triển khai nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2021
    (TN&MT) - Ngày 11/1, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác dân tộc năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến và các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn, Hoàng Thị Hạnh, Lê Sơn Hải, Y Thông chủ trì Hội nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO