Bờ kè Bạc Liêu - điểm nhấn văn hóa đô thị miền sông nước

03/01/2016 00:00

  (TN&MT) - Ở thành phố Bạc Liêu có địa danh Cầu Kè. Nguyên đây là tên một cây cầu bắc qua một con kênh trổ ra sông Bạc Liêu vào giữa thế kỷ 19. Vật liệu...

 

(TN&MT) - Ở thành phố Bạc Liêu có địa danh Cầu Kè. Nguyên đây là tên một cây cầu bắc qua một con kênh trổ ra sông Bạc Liêu vào giữa thế kỷ 19. Vật liệu dùng để bắc qua kênh lúc ấy là những thân cây kè - một loại cây có thân dài như cây cau nhưng dài hơn, to hơn, đặc biệt là chịu nước.

Sau năm 1975, một con kênh được đào gần cầu Kè dẫn nước ra biển Đông gọi là kênh 30/4. Bắt đầu từ vàm kênh 30/4 hướng về phía chợ Bạc Liêu, trước đây nhà cửa đông đúc cả hai bên bờ nhưng nay đã trống trải vì thành phố đang xây Bờ kè.

Kè sông Bạc Liêu. Phía bên phải là vàm kênh 30/4. Hai cầu bắc qua sông là cầu Kim Sơn và cầu Võ Thị Sáu (từ trái sang phải). Hậu cảnh là biển Đông (cách nội ô TP Bạc Liêu 6 km). Ảnh: Thu Đông
Kè sông Bạc Liêu. Phía bên phải là vàm kênh 30/4. Hai cầu bắc qua sông là cầu Kim Sơn và cầu Võ Thị Sáu (từ trái sang phải). Hậu cảnh là biển Đông (cách nội ô TP Bạc Liêu 6 km). Ảnh: Thu Đông

Dự án kè bờ sông Bạc Liêu có tổng chiều dài hơn 10km, đi qua các phường 1, 2, 3, 5 và 8 của TP Bạc Liêu, bắt đầu từ Cầu Xáng (phường 1) qua chợ Bạc Liêu, qua cầu Kè đến cầu treo Trà Kha (phường 8). Đây là dự án thuộc nhóm công trình cấp bách, vốn Trung ương với tổng mức đầu tư ban đầu 1.350 tỷ đồng.

Dự án được thi công từ cuối năm 2012, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm nay (2016). Việc bồi hoàn giải phóng mặt bằng, di dời khoảng một ngàn hộ dân ở dọc hai bên bờ sông đã gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng không ít đến tiến độ thi công. Tuy vậy, một đoạn kè nằm giữa cầu Kim Sơn và cầu Võ Thị Sáu (khoảng 500 mét) đã được khẩn trương xây dựng sử dụng vào cuối tháng 4/2014 nhằm góp phần cùng với một số công trình khác báo công chào mừng Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014.

Vừa thi công vừa khắc phục dần những khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn, một năm sau (tháng 4/2015), đã có 2.200 mét bờ kè được thực hiện bao gồm cả các công trình phụ như lan can bờ kè, lề kè, cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn trang trí, băng ghế nghỉ chân... Đến nay, công trình đang tiếp tục thi công phần còn lại - đoạn hướng về phía cầu Xáng, đồng thời nạo vét lòng sông cho thông thoáng hơn và có khả năng hoàn thành vào cuối năm mới 2016.

Một đoạn kè sông Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Cường
Một đoạn kè sông Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Cường

Bạc Liêu là một tỉnh ở ĐBSCL nhiều sông rạch. Dân cư ban đầu tập trung sinh sống và có tập quán ở dọc theo bờ sông, bờ kênh. Chợ Bạc Liêu đã được hình thành từ một xóm dân cư sống hai bên bờ sông Bạc Liêu hầu hết đều sống về nghề mua bán (thủy sản, hàng hóa)... Cho nên muốn làm bờ kè sông ngay giữa chợ Bạc Liêu, trước hết phải tìm "bến đỗ" mới cho dân cư ở đây di dời đi. Làm một việc trái với tập quán sinh sống như thế là rất khó khăn, không chỉ giải quyết ổn thỏa tiền bồi thường, giải tỏa mặt bằng, ổn định nghề nghiệp hoặc tạo việc làm mới mà còn giải quyết về nhận thức. Từng bước một, thành phố Bạc Liêu đã giải quyết cơ bản về nhà ở. Đa số dân cư được chuyển về khu tái định ở phường 2, phường 5. Về nghề nghiệp, nhiều hộ buôn bán vẫn giữ được nghề cũ, nhất là buôn bán thủy sản bằng cách qua chợ phường 2 (trên bờ kênh 30/4, gần vàm kênh 30/4), cách chợ Bạc Liêu không xa.

Một đoạn kè sông Bạc Liêu trước chợ Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Cường
Một đoạn kè sông Bạc Liêu trước chợ Bạc Liêu. Ảnh: Thanh Cường

Ông Hồng Hán Thêm người Hoa gần 70 tuổi đã sống ở chợ Bạc Liêu từ nhỏ đến lớn cho biết, ban đầu nghe nói làm bờ kè, nhiều người bà con của ông sống và buôn bán ở dọc bờ sông Bạc Liêu không tin. Bởi nhà nước sẽ giải quyết cho họ ở đâu, sinh sống như thế nào? Chỉ khi có ngôi nhà tươm tất, cao ráo ở khu tái định cư, khác hẳn mái nhà tạm bợ ở ven sông, chiều chiều nhớ "nhà" cũ, họ ra bờ kè hóng mát, thấy cảnh quan đẹp đẽ, mới tin và khen nhà nước đã làm một việc rất tốt cho thành phố!

Tuy so với một số bờ kè nội thị ở một số địa phương khác như Hậu Giang, Bến Tre..., Bờ kè sông Bạc Liêu chưa là gì nhưng với hiện trạng được thi công đã góp phần vẽ ra bộ mặt mới của thành phố. Mục đích xây dựng trước hết là chống sạt lở bờ sông nhưng Bờ kè này cùng với Quảng trường Hùng Vương đã trở thành 2 công trình văn hóa, phúc lợi tiêu biểu tạo nên sự khác biệt của bộ mặt nội ô TP Bạc Liêu so với trước đây. Nhiều người công nhận Bờ kè sông Bạc Liêu là một trong những điểm nhấn, trước hết là về văn hóa trong bức tranh toàn cảnh của nội ô TP Bạc Liêu./.

Thanh Chí

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bờ kè Bạc Liêu - điểm nhấn văn hóa đô thị miền sông nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO