Bình Thuận: Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản vùng dân tộc thiểu số

Linh Nga | 12/09/2021, 07:58

(TN&MT) - Bình Thuận có 7/10 huyện, thị thuộc khu vực vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được các ngành chức năng trong tỉnh chú trọng, quan tâm.

Nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép

Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản được UBND tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm. Ngoài việc, thường xuyên chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản; tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong khai thác khoáng sản; triển khai các giải pháp để chấn chỉnh, xử lý, UBND tỉnh còn quy định trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu của các địa phương trong tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm để diễn ra kéo dài…

Một vụ khai thác đất trái phép tại huyện Bắc Bình.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu là đất, đá, cát phụ vụ san lấp, xây dựng) vẫn còn xảy ra, đặc biệt tại các vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Do nhu cầu về liệu xây dựng và san lấp ở tỉnh tăng cao, nên đã có nhiều tổ chức, cá nhân cố tình khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép để hưởng lợi. Trong đó, các khu vực vùng DTTS và miền núi  như xã Hàm Liêm, Hàm Chính (huyện Hàm Thuận Bắc);  xã Tân Thắng, Thắng Hải, Tân Đức, Tân Phúc (huyện Hàm Tân); xã Bình Tân,  Sông Bình, Sông Lũy (huyện Bắc Bình); xã Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam)…tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn biến hết sức phức tạp.

Điển hình, tình trạng khai thác sỏi đá trái phép tại khu vực núi Ếch, xã Bình Tân (huyện Bắc Bình) giáp ranh với huyện Hàm Thuận Bắc diễn ra rất phức tạp trong suốt một thời gian dài. Những quả đồi bị khai thác kiểu hàm ếch, đào khoét sâu vào chân đồi tạo bức vách thẳng đứng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm sạt lở khi trời mưa trong khi những hộ dân sống bên dưới chỉ cách điểm đồi vài chục mét. Các đối tượng khai thác trái phép có tổ chức với quy mô lớn, công khai, rất manh động, sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ khi bị phát hiện. Phải mất nhiều thời gian, các ngành chức năng tỉnh Bình Thuận mới xử lý được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực này.

Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, các khu vực vùng DTTS và miền núi luôn là “điểm nóng” về  tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, bởi công tác quản lý tài nguyên trên địa bàn luôn gặp khó khăn do các địa phương này có diện tích đất lớn, đi lại khó  khăn. Trong khi tài nguyên khoáng sản nằm rải rác ở nhiều xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều bà con đồng bào DTTS sinh sống. Do nguồn lợi trước mắt, cũng như nhận thức về pháp luật còn hạn chế, nên đã xảy ra tình trạng người dân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trái phép.

Ngoài ra, một số người DTTS đã bị các đối tượng kinh doanh khoáng sản trái phép dụ dỗ để bán đất đang canh tác để các đối tượng này khai thác đất, đá để mang đi tiêu thụ, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường sinh thái và sinh kế lâu dài của người dân.

Xử lý dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Nhằm làm tốt công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ khoáng sản trái phép. Đồng thời, không để phát sinh điểm nóng về khai thác khoáng sản tại các khu vực vùng DTTS và miền núi, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao cho Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp quyết liệt, đồng bộ xử lý dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Bình Thuận sẽ tăng cường công tác quản lý khoáng sản, đặc biệt là các xã miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chuyên môn và UBND các xã tổng kiểm tra, rà soát các vị trí khai thác khoáng sản trái phép hoặc có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép. Cần  lập danh sách theo dõi và có kế hoạch cụ thể giám sát để kiểm tra thường xuyên, đảm bảo phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm. Trường hợp nào xác định được đối tượng thì mời làm việc, cho ký cam kết (kể cả chủ đất). Nếu trên địa bàn nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, có cán bộ dưới quyền tiêu cực thì phải tổ chức kiểm điểm người đứng đầu theo quy định.

Trong 6 đầu năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền phạt là 2,4 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương đã phát hiện và xử phạt 182 vụ khai thác trái phép khoáng sản vật liệu xây dựng với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Phan Văn Đăng đã giao cho các huyện, thị xã, thành phố huy động nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị - xã hội tham gia vào công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS về tầm quan trọng của tài nguyên khoáng sản. Trong đó, cần tạo sinh kế cho người dân vùng núi, đồng bào DTTS nhằm chấm dứt tình trạng người dân tiếp tay cho các  đối tượng khai thác, mua bán khoáng sản trái phép.

Bài liên quan
  • Bình Định: Đa dạng hình thức tuyên truyền vùng đồng bào DTTS và miền núi
    (TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tình hình thực tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không để đồng bào bị thiếu đói do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO