Bình Thuận: Tăng cường quản lý khoáng sản

17/01/2016 00:00

(TN&MT) - Bình Thuận  là tỉnh có danh mục tài nguyên khoáng sản phong phú, trong đó một số loại có trữ lượng rất lớn. Để quản lý và phát huy tối đa...

 

(TN&MT) -Bình Thuận  là tỉnh có danh mục tài nguyên khoáng sản phong phú, trong đó một số loại có trữ lượng rất lớn. Để quản lý và phát huy tối đa nguồn tiềm năng lớn này, tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực xây dựng kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản một cách cụ thể và chặt chẽ hơn.

Tiềm năng khoáng sản lớn

Danh mục khoáng sản trên địa bàn Bình Thuận gồm: vàng, wolfram, chì, kẽm, nước khoáng và các phi khoáng khác. Trong đó, nước khoáng, sét, đá xây dựng có giá trị thương mại và công nghiệp rất cao.Trữ lượng sa khoáng ilmenít là 1,08 triệu tấn, zicon 193.000 tấn, đi cùng với zicon còn có nhiều monazít và đất hiếm. Đặc biệt, Bình Thuận có trữ lượng thuỷ tinh khổng lồ, với tổng trữ lượng 496 triệu m3 cấp P2, hàm lượng SiO2; có có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất thuỷ tinh cao cấp và kính dân dụng hoặc sản xuất nguyên liệu. Khoáng vật liệu xây dựng có các kết vôi 3,9 triệu m3 cấp P2 phân bố ở Vĩnh Hảo và Phước Thế, đá vôi san hô (Tuy Phong), sét gạch ngói phân bố ở nhiều nơi; đá xây dựng và trang trí ở Tà Kóu trữ lượng 45 triệu m3, núi nhọn (Hàm Tân) trữ lượng cấp P là 30 triệu m3.

Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có nhiều mỏ nước khoáng có trữ lượng lớn và chất lượng tốt, có khả năng khai thác thương mại sản xuất nước giải khát, sản xuất tảo; phục vụ dịch vụ tắm chữa bệnh và nghỉ dưỡng. Riêng 3 điểm nước suối Vĩnh Hảo, Văn Lâm, Hàm Cường và Đa Kai là các mỏ nước khoáng loại cácbonát - natri được dùng sản xuất nước giải khát với khả năng khai thác hàng năm khoảng 300 triệu lít.

Tăng cường các giải pháp quản lý

Thời gian qua, nhằm phát huy tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, Bình Thuận đã và đang có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn khoáng sản. Năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (thay thế Quyết định số 50/2012/QĐ-UBND ngày 21/11/2012 của UBND tỉnh); ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước đối với 26 khu vực để đấu giá quyền khai thác khoáng sản; hoàn thành hồ sơ để tổ chức đấu giá quyền khai thác đối với 10 khu mỏ; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với Giấy phép thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh với số tiền 112,3 tỷ đồng. Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản các đơn vị đã nộp trong năm 2015 là 50,3 tỷ đồng...

Lễ động thổ Cụm công nghiệp Thắng Hải II - Cụm công nghiệp chế biến sâu Titan tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận
Lễ động thổ Cụm công nghiệp Thắng Hải II - Cụm công nghiệp chế biến sâu Titan tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận

Ngoài ra, Bình Thuận còn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về khoáng sản. Cụ thể trong năm 2015, tỉnh đã tổ chức 20 cuộc kiểm tra khai thác khoáng sản trái phép, phát hiện và xử lý 05 trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản trái phép với số tiền 78 triệu đồng; đang xem xét, xử lý đối với 03 trường hợp tận dụng khoáng sản khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép;  phát hiện việc cấp huyện cho phép khai thác, tận dụng khoáng sản không đúng thẩm quyền theo quy định của UBND tỉnh đối với 5 dự án...

Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết: Để phát huy thế mạnh từ nguồn lợi thiên nhiên, cũng như đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các nhóm lợi ích: nhà nước - nhân dân - bảo vệ môi trường sinh thái và lợi ích nhà đầu tư theo hướng dịch vụ hành chính công chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu đầu tư và tham gia đầu tư của các nhà đầu tư  thì rất cần phải có một kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản một cách cụ thể và chặt chẽ hơn.

 Ông Lâm cho biết,  thời gian tới, Sở  TN&MT sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện nội dung  quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn đến 2030, trình UBND ký ban hành. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về khoáng sản theo quy định, tham mưu giải quyết kịp thời các điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ít nhất 02 cuộc thanh tra và 20 cuộc kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

  Bài & ảnh: Linh Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Tăng cường quản lý khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO