Bình Thuận tăng cường quản lý chất thải rắn

T.H| 31/05/2021 11:49

(TN&MT) - Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nhiều biện pháp cấp bách.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cho biết, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh khoảng 1.485 tấn/ngày đêm, tỷ lệ thu gom đạt 63,76% và chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn khoảng 560 tấn/ngày, với tỷ lệ thu gom đạt 58,6%.

Hiện trên toàn tỉnh đã có các nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động như: Khu liên hợp xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và sản xuất phân hữu cơ Đa Lộc tại xã Tân Bình, thị xã La Gi của Công ty CP TMĐT Đa Lộc, có công suất 200 tấn rác/ngày, diện tích sử dụng đất 30 ha, với kinh phí 150 tỷ đồng đã đưa vào hoạt động từ cuối năm 2017. Nhà máy rác Nhật Hoàng tại xã Tiến Thành, Phan Thiết của Công ty TNHH Nhật Hoàng đang xây dựng có công suất 400 tấn rác/ngày, diện tích sử dụng đất trên 20 ha, với kinh phí 495,54 tỷ đồng, nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 2 năm 2021 và đã cơ bản giải giải quyết tình trạng rác thải tại Phan Thiết và một phần của huyện Hàm Thuận Nam. Nhà máy xử lý rác Bá Phát tại xã Gia Huynh, Tánh Linh của Công ty TNHH Môi trường Bá Phát, có công suất 85 tấn rác/ngày, với kinh phí 105 tỷ đồng.

Toàn tỉnh có 15 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại các huyện đang được Ban Quản lý công trình công cộng huyện quản lý, vận hành.

Bình Thuận đang hạn chế các bãi rác chôn lấp

Nhằm giảm thiểu triệt để ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn, ngày 23/2/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 629/UBND-KT về việc triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý chất thải rắn.

Theo đó yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tham mưu xây dựng phương án giá tối đa với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhằm giảm dần hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh và thúc đẩy việc phân loại chất thải rắn tại nguồn.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tham mưu ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường, gắn với xã hội hóa công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với pháp luật chuyên ngành và tình hình thực tế tại địa phương; đơn giản hóa các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành cơ sở xử lý chất thải. Đồng thời, nghiên cứu, thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung để lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường theo quy định.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố, chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn; ưu tiên cân đối ngân sách hàng năm của địa phương hỗ trợ cho việc quản lý chất thải rắn, đảm bảo phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn đúng quy định; đảm bảo công khai, minh bạch trong chi trả dịch vụ xử lý chất thải rắn. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn phù hợp với điều kiện địa phương; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phân loại chất thải rắn tại nguồn để triển khai theo lộ trình quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đặc biệt tại thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi, khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt và tổ chức việc thu gom rác sau phân loại trên địa bàn theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Xử lý ô nhiễm, cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh; xây dựng lộ trình và chỉ đạo tổ chức thực hiện việc xử lý triệt để các bãi chôn lấp chất thải rắn tự phát không theo quy định và ngăn chặn việc hình thành các bãi chôn lấp tự phát mới.

Ngoài ra UBND tỉnh cũng khuyến khích thu hút đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý chất thải rắn theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%; đối với các khu vực nông thôn tận dụng triệt để việc tái sử dụng, tái chế, làm phân hữu cơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận tăng cường quản lý chất thải rắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO