Giã gạo trong Tết Nhôvre H’rê của đồng bào DTTS Bắc Bình, Bình Thuận. Ảnh: binhthuan.gov.vn |
Theo đó, năm 2021 này, Tết Đầu lúa (tết Nhôvre H’rê) của đồng bào các dân tộc K’ho, Rắc lây, Gia Rai tại 04 xã vùng cao huyện Bắc Bình: Phan Điền, Phan Sơn, Phan Tiến, Phan Lâm sẽ diễn ra vào 02 ngày 26 và 27/01/2021 (nhằm ngày 14,15 tháng chạp Âm lịch năm Canh Tý). Tết năm nay, do xã Phan Lâm đăng cai.
Để tổ chức chu đáo tết Đầu lúa, UBND huyện Bắc Bình đã chỉ đạo các phòng, ban của huyện tổ chức thực hiện tốt một số công việc như:
Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và các hoạt động thể thao, văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng cao. Theo kế hoạch của phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Bình, sẽ tổ chức thi các môn thể thao dân gian là: dựng trại và trang trí cây nêu, bắn nỏ, bóng đá mini nam, giã gạo, nấu cơm trong ống lồ ô, gùi nước, đẩy gậy nam nữ. Phần văn nghệ sẽ thi biểu diễn văn nghệ, trình diễn trang phục dân tộc và đêm hội rượu cần;
Thăm hỏi chúc Tết gia đình chính sách, gia đình hộ nghèo; có kế hoạch vận động giúp đỡ hộ đặc biệt khó khăn, không để gia đình nào bị thiếu ăn; Đảm bào an ninh chính trị, trật tư xã hội trong thời gian tổ chức tết Đầu lúa nhất là các ngày tổ chức hội thi văn nghệ, thể thao tại xã Phan Lâm.
Đảm bào ngân sách để các xã Phan Điền, Phan Tiến, Phan Sơn, Phan Lâm tổ chức các hoạt động trong dịp tết Đầu lúa, tổ chức Hội thi văn nghệ thể thao, giải quyết kịp thời các chế độ, phụ cấp cho giáo viên vùng cao.
Đối cvowis công tác y tế, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát động phong trào “làm cho thế giới sạch hơn; tổ chức tổng vệ sinh khu dân cư trước và sau Tết.
UBND huyện giao UBND 4 xã chuẩn bị tổ chức Tết tại địa phương, thành lập các Đoàn tham gia hội thi văn nghệ, thể thao; tổ chức thăm hỏi, chúc Tết các đối tượng chính sách tại địa bàn.
Ban Dân tộc đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ miền núi cung ứng hàng hóa xuống các cửa hàng để bán phục vụ đồng bào dịp tết Đầu lúa. Ngoài bán tại cửa hàng, Trung tâm sẽ tổ chức 01 xe bán hàng lưu động tại 4 xã Phan Tiến, Phan Điền, Phan Lâm, Phan Sơn, đảm bảo đủ hàng hóa cho các hộ trong dịp Tết.
Tết Đầu lúa hay còn gọi là Tết Nhôbrêhê, Lễ ăn lúa mới có từ rất lâu đời, gắn liền với tập tục trồng lúa rẫy và thường được tổ chức từ ngày 15 tháng Chạp hàng năm, sau khi người dân đã thu hoạch xong lúa…
Tết Nhôbrêhê là phong tục có từ lâu đời ở Bình Thuận. Ảnh: binhthuan.gov.vn
Với người Raglai, K’ho ở Bình Thuận, lúa được xem là thứ quý nhất, thiêng liêng nhất. Mỗi năm khi có những cơn mưa đầu mùa, bà con lại mang lúa giống lên các triền đồi để gieo trồng. Sau 6 tháng bà con thu hoạch lúa, chủ yếu bằng cách tuốt tay, đưa vào gùi mang về nhà và làm lễ cúng trong Tết đầu lúa. Trước đây, người K’ho và Raglai ăn Tết riêng lẻ từng gia đình và kéo dài đến hết tháng Chạp.
Những năm gần đây, Tết đầu lúa được huyện Bắc Bình tổ chức thành Ngày hội Văn hóa, thể thao các xã vùng cao. Từ đó, Tết đầu lúa không chỉ còn là ngày vui của từng nhà mà trở thành ngày hội chung thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của đồng bào nơi đây.
Trong dịp này, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh cũng tổ chức các đoàn đi thăm và chúc tết Đầu lúa tại các xã vùng cao huyện Bắc Bình.