Bình Thuận: Nhiều bất cập trong triển khai Quy hoạch thăm dò, khai thác ti tan

31/10/2017 00:00

  (TN&MT) – Trong báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và...

 

(TN&MT) – Trong báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 03/9/2013 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch titan), địa phương này đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập  khi triển khai thực hiện Quy hoạch này.

Theo Quy hoạch titan thì trữ lượng, tài nguyên quặng titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận  là 599.009.000 tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng, tài nguyên của cả nước là 656.873.000 tấn, gồm: trữ lượng là 5.913.000 tấn, tài nguyên cấp 333 là 361.204.000 tấn và tài nguyên cấp 334a là 231.892.000 tấn.Trong đó, tổng diện tích đưa vào kỳ quy hoạch thăm dò, khai thác titan đến năm 2020 là 24 khu vực với tổng diện tích 20.843 ha.

Qua triển khai quy hoạch, đến nay số liệu có sự điều chỉnh như sau: Tổng diện tích đưa vào kỳ quy hoạch thăm dò, khai thác titan đến năm 2020 là 26 khu vực (do tiểu khu Lương Sơn tách thành 03 khu vực), tổng diện tích 19.527 ha, với trữ lượng, tài nguyên 133,3 triệu tấn (do có thay đổi sau khi rà soát diện tích cấp phép, phê duyệt trữ lượng), trong đó: 08 khu vực chưa cấp phép thăm dò khoáng sản với diện tích 7.344 ha, tài nguyên dự báo khoảng 46,1 triệu tấn; 10 khu vực đã cấp giấy phép thăm dò với diện tích 9.641 ha, trữ lượng khoảng 80,1 triệu tấn; 08 khu vực đã cấp giấy phép khai thác với diện tích 2.542 ha, tổng trữ lượng 7,1 triệu tấn.

các dự án được chấp thuận đầu tư du lịch, trồng rừng, khu công nghiệp có diện tích chồng lấn với Quy hoạch titan chưa thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án
Nhiều  dự án được chấp thuận đầu tư du lịch, trồng rừng, khu công nghiệp có diện tích chồng lấn với Quy hoạch titan chưa thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, có rất nhiều bất cập trong quá trình thực hiện Quy hoạch ti tan  tại địa phương. Trong đó, các dự án được chấp thuận đầu tư du lịch, trồng rừng, khu công nghiệp có diện tích chồng lấn với Quy hoạch titan chưa thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Đến nay, việc cấp phép khai thác và khai thác xong bàn giao đất cho Chủ dự án chưa biết cụ thể thời gian đến khi nào nên gây bức xúc cho nhà đầu tư cũng như khó khăn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.  Đồng thời, các dự án thăm dò, khai thác titan theo Quy hoạch phần lớn nằm dọc ven biển, có địa hình cao so với các dự án, khu dân cư xung quanh, chồng lấn dự án, quy hoạch du lịch, an toàn khu vực mỏ không cao khi đi vào hoạt động, dễ xảy ra các sự cố về môi trường.

 Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến titan phê duyệt cụ thể danh mục dự án gây khó khăn trong việc tham mưu đề nghị cấp phép cho các dự án chế biến quặng titan có năng lực đầu tư, năng lực tài chính.

 Ngoài ra,  tại một số khu vực Quy hoạch titan chưa có đủ nguồn nước để phục vụ cho hoạt động khai thác, chế biến titan; càng nhiều khu vực được quy hoạch, cấp giấy phép khai thác titan thì nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và canh tác của người dân càng ít đi.

 UBND tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng các Bộ, ngành Trung ương chưa tập trung triển khai đồng bộ để tổ chức thực hiện Quy hoạch titan, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa quan tâm chỉ đạo quy hoạch đầu tư xây dựng hồ, đập chứa nước để cấp nước cho khai thác, chế biến titan, kết hợp với việc cung cấp nước phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Bộ Giao thông vận tải chưa quan tâm chủ trì rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống vận tải và cảng biển phục vụ yêu cầu giao thông vận tải cho phát triển công nghiệp khai thác, chế biến titan.

Theo Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thì không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định);… nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với rừng sản xuất. Trong khi đó, Quy hoạch titan có nhiều diện tích nằm trên đất rừng tự nhiên và rừng sản xuất.

Tháng 6/2016, trong quá trình khai thác ti tan Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường
Tháng 6/2016, trong quá trình khai thác ti tan Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường đã làm vỡ  đê bao khai thác ti tan khiến hàng ngàn m3 cát chảy ra ngoài đường giao thông và nhà dân

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận cũng nêu lên các vấn đề bất cập chính của Quy hoạch titan mà các nhà khoa học, chuyên gia đã nêu ra qua buổi tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Đánh giá tiềm năng và bước đầu đề xuất khai thác và sử dụng khoáng sản titan - zircon trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo hướng bền vững” tổ chức tại tỉnh Bình Thuận vào ngày 08/7/2017

Theo đó,  Quy hoạch titan đặt ra mục tiêu chế biến sâu đến mức tạo ra titan kim loại và hợp kim titan là điều không khả thi. Ngoài ra, Quy hoạch titan này không được xây dựng trên nền tảng kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng quặng, mà chỉ dựa vào kết quả điều tra địa chất, đánh giá tài nguyên ở cấp 333 và 334a, là cấp có độ tin cậy thấp nhất trong hệ thống đánh giá cấp tài nguyên.

Các chuyên gia đánh giá việc Quy hoạch titan công bố số liệu “tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo” tỉnh Bình Thuận là 599 triệu tấn là mập mờ và dễ gây “hiểu nhầm” về sự giàu có khoáng sản titan không chỉ đối với các cơ quan ra quyết định mà đối với cả doanh nghiệp; con số gần 600 triệu tấn trữ lượng quặng sa khoáng vật nặng tại Bình Thuận theo Quy hoạch đã phê duyệt chỉ là con số phỏng đoán, chưa có cơ sở khoa học chính xác về địa chất.

Dựa trên số liệu điều tra địa chất, một số cơ quan quản lý nhà nước đã tính ra giá trị thương phẩm quặng tinh sau khi chế biến sâu tinh quặng titan sẽ là 138,872 tỷ USD, tương đương với 1/3 GDP. Đây là số liệu không đủ độ tin cậy bởi kết quả điều tra địa chất mới chỉ dừng ở mức tài nguyên khoáng sản cấp 333 và 334a; theo đó, số liệu về hiệu quả kinh tế không chính xác, có thể 5 dẫn đến những kỳ vọng “không có thật” về khả năng đóng góp từ khai thác quặng titan vào nguồn thu ngân sách hay nền kinh tế Việt Nam.

 Thực tế cho thấy, khai thác, chế biến sa khoáng titan vùng ven biển các tỉnh miền Trung từ trước đến nay đã và đang gây ra nhiều tác động bất lợi cản trở sự phát triển của các ngành kinh tế khác, đến cuộc sống người dân và môi trường ven biển; làm thay đổi địa hình cồn cát, phá hủy hệ sinh thái đặc trưng vùng cồn cát và hệ thống rừng phòng hộ ven biển. Ngoài ra, còn có các rủi ro môi trường tiềm ẩn khác như: nguy cơ phân tán các chất phóng xạ; nguy cơ mực nước ngầm trong cồn cát bị ô nhiễm, thảm thực vật rừng phòng hộ bị tàn phá, sa mạc hóa…

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ đánh giá, điều chỉnh lại nhiều nội dung của Quy hoạch Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Linh Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Nhiều bất cập trong triển khai Quy hoạch thăm dò, khai thác ti tan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO