Hiệu quả từ công tác cấp đất
Tình Bình Thuận có hiện có 34 dân tộc thiểu số, định cư ở 15 xã thuần và 32 thôn, bản xen ghép, thuộc 8/10 huyện, thị, thành phố, với dân số trên 86.000 người (chiếm tỷ lệ 7% dân số toàn tỉnh). Trước đây, bà con chủ yếu sống bằng nghề nông, phát nương, làm rẫy, trình độ sản xuất lạc hậu, đời sống gặp rất nhiều khó khăn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từng lúc, từng nơi có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan còn tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, kìm hãm sự phát triển chung của tỉnh.
Tuy nhiên, những năm qua, thực hiện Quyết định số 755, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; Nghị quyết số 04, ngày 27/5/2002 của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa X) về xây dựng , phát triển toàn diện dân sinh , kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận… thì diện mạo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã thay đổi tích cực hơn.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 04 ngày 27/5/2002 của Tỉnh ủy, công tác cấp đất sản xuất cho đồng bào DTTS đã được địa phương chú trọng thực hiện. Theo đó, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã chi hàng chục tỷ đồng khai hoang cấp đất cho đồng bào DTTS. Tính đến nay, tỉnh đã cấp 5.726,45 ha/5.375 hộ, cơ bản đáp ứng được tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào DTTS, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, ổn định cuộc sống của người dân. Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đang đi dần vào thế ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng lên.
Quản lý chặt chẽ diện tích đất đã cấp
Cũng theo UBND tỉnh Bình Thuận, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý đất đai ở vùng đồng bào DTTS của nhiều địa phương vẫn còn gặp khó khăn, điển hình là tình trạng sang nhượng đất trái phép do Nhà nước cấp cho hộ đồng bào DTTS vẫn còn xảy ra. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 720,84 ha/650 hộ đất được cấp theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy đã thực hiện mua bán, sang nhượng. Trong đó, một số địa phương có diện tích đất bán chiếm tỷ lệ trên 10% như: xã Phong Phú, huyện Tuy Phong; Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam; Tân Hà, huyện Hàm Tân…
Để nâng cao hiệu quả việc sử dụng đất, hạn chế tình trạng sang nhượng đất sản xuất đã cấp theo chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai; sử dụng có hiệu quả và quản lý chặt chẽ diện tích đất đã được Nhà nước cấp theo chính sách hỗ trợ, không sang nhượng đất vì lợi nhuận trước mắt.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc thiếu hiểu biết của đồng bào để nhận chuyển nhượng đất được cấp theo chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS dưới mọi hình thức, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Giao các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã triển khai trước đó, từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể tiếp tục hỗ trợ các hộ dân còn thiếu đất mới phát sinh đảm bảo phù hợp tình hình thực tế địa phương; xác định rõ đối tượng, nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể… Dự kiến, quỹ đất để giao cho đồng bào DTTS gồm đất thu hồi từ các nông, lâm trường; đất khai hoang, phục hóa…
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các địa phương triển khai đo đạc, lập bản đồ địa chính phủ trùm; hướng dẫn UBND các huyện tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục, tạo điều kiện đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào DTTS đối với số diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Rà soát quy trình, thủ tục để hạn chế việc mua bán, chuyển nhượng đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không thông qua chính quyền cơ sở…