Biển đảo

Bình Thuận: Huy động cộng đồng cùng tái tạo nguồn lợi thủy sản

Trung Nguyên 17/08/2023 - 16:29

(TN&MT) - Bình Thuận là tỉnh đầu tiên trên cả nước đã giao vùng biển ven bờ của cả 1 huyện cho cộng đồng quản lý. Đây là kết quả sau gần 10 năm triển khai các hoạt động bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản có sự tham gia của cộng đồng.

Từng có lúc, biển Bình Thuậncạn kiệt nguồn lợi thủy sản

Tỉnh Bình Thuận có 192 km đường bờ biển. Vùng biển quản lý khai thác thủy sản là hơn 14.000 Km2 (bao gồm vùng biển ven bờ 4.360 km2 và vùng lộng 9.640 km2). Do đặc thù địa hình tự nhiên, địa phương từng có nguồn lợi thủy sản lớn và là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước. Tuy vậy, từng có giai đoạn, biển của Bình Thuận không còn gì.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn" vừa diễn ra, ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận nhớ lại: Khi đó, tàu giã cào bay tiến sát bờ biển, quần nát cả vùng ven bờ. 100 m2 bờ biển nhưng không có 1 con gì sống, liên tục trong 5 năm liền. Người dân bức xúc phản ánh với chúng tôi rằng các ông giữ biển như vậy còn gì mà ăn.

anh-ong-huy.jpg
Ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận chia sẻ tại Tọa đàm Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn" hôm 16/8. Ảnh: Tùng Đinh

Theo ông Huy, để hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước đã bị quá tải, năm 2013, mô hình giao cho ngư dân tự quản lý, phục hồi nguồn lợi thủy sản ra đời. Khó khăn ban đầu không kể hết bởi trước đó chưa từng có mô hình như vậy. “Tôi xuống địa phương uống cà phê 30 buổi mới kiếm được 5 ngư dân đồng ý tham gia dự án xây dựng vùng quản lý giao biển. Khi đó chưa có quy định về vấn đề này, chúng tôi tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản trao quyền cho cồng đồng, phải thông qua 37 văn bản với 4 lần phản biện mới được chấp thuận. Không có nguồn lực từ ngân sách, chúng tôi may mắn huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp địa phương ủng hộ” – Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận chia sẻ.

Để tái tạo nguồn lợi thủy sản, các khối bê tông được thả xuống biển tạo thành cụm rạn nhân tạo. Bà con ngư dân sẽ lấy đó làm nơi cố định, buộc thêm những cội chà (một loại ngư cụ trong nghề cá ven bờ dùng để thu hút, tụ tập các loài thủy sản).

Chỉ sau 2 năm cộng đồng cùng quản lý khu vực biển được giao, lượng giã cào, xâm phạm giảm tới 90%. Năm 2015 khi tiến hành khảo sát, Mỗi 1 m2 biển có tới 426 con thủy sản, và người dân cũng đã hiểu như thế nào là bảo tồn, phục hồi nguồn lợi.

Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), trong 3 năm 2018 – 2021, Bình Thuận tiếp tục triển khai 3 Hội cộng đồng ngư dân tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại 3 xã: Thuận Quý; Tân Thành; Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam). Từ vài hộ ban đầu, Từ một vài hộ dân đăng ký tham gia ban đầu, đến nay các Hội đã kết nạp được 288 hộ, với trên 1.000 người hưởng lợi trực tiếp.

picture1.png
Các vùng biển giao cho cộng đồng quản lý tại 3 xã Thuận Quý; Tân Thành; Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam)

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện UNDP Việt Nam, Dự án “Thúc đẩy trao quyền và xây dựng năng lực cho cộng đồng trong quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản ven biển tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận” là một trong những thành công lớn của việc thúc đẩy, huy động một cách mạnh mẽ các nguồn lực từ cộng đồng ngư dân, các cấp chính quyền và các bên liên quan khác chung tay bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững tại địa phương.

Thông qua Hội cộng đồng ngư dân, tinh thần đoàn kết cộng đồng được nâng cao, phát huy tối đa sức mạnh của tập thể. Các hoạt động nghề cá được tổ chức bài bản, có kỷ luật và nề nếp hơn so với trước đây. Các Hội cộng đồng ngư dân đã tự huy động đóng góp được 210,2 triệu đồng để xây dựng nguồn quỹ duy trì hoạt động và tổ chức các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các Hội đã tổ chức thi công 41 cụm rạn nhân tạo trên biển để đánh dấu, ngăn chặn nghề lưới kéo, tạo nơi sinh sống, sinh sản cho nguồn lợi thủy sản.

Qua khảo sát, đến nay, nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển tại 3 xã Tân Thành, Tân Thuận và Thuận Quý có sự phát triển mạnh như san hô mềm, thực vật biển sinh sôi, phát triển nhiều tại các bãi rạn Hòn Lan, Mũi Ngựa, cửa Suối Nhum... Tại các rạn đá nhân tạo đã thu hút rất nhiều loại thủy sản đến tập trung sinh sống, sinh sản và phát triển; riêng thủy sản 2 mảnh vỏ như sò lông đã phục hồi dưới đáy biển, mang lại nguồn thu nhập cho ngư dân hành nghề khai thác biển.

Dự án dừng, dân không dừng

Nói về thành công của mô hình đồng quản lý, ông Huỳnh Quang Huy phấn khởi chia sẻ: Mừng là từ khi dự án kết thúc đến nay, các cộng đồng vẫn hoạt động và làm đúng tiêu chí, thậm chí họ còn chủ động phát triển hơn nữa. Mới tuần trước tôi dẫn đoàn khách nước ngoài đến công tác, ngư dân chia sẻ: Thời điểm trước dự án, 1 đêm hai cha con đi đánh bắt chỉ kiếm chưa tới 500 ngàn đồng. Thế mà liên tiếp 2 tháng vừa rồi, mỗi đêm thu về tới 10 triệu đồng. 40 năm làm nghề, nay họ mới thấy nguồn lợi thủy sản về nhiều như vậy. Đặc biệt, tôm bạc mới xuất hiện trở lại, đây là loài có giá trị kinh tế rất cao.

picture4.png
Việc khôi phục nguồn lợi thủy sản giúp ngư dân yên tâm bám biển

Nếu như thời gian đầu rất nhiều người lên án việc thả cụm bê tông, cho rằng ảnh hưởng đến giao thông biển thì bây giờ ngư dân còn tự bỏ tiền làm để thả xuống biển, tái tạo nguồn tôm cá. Các hoạt động của Hội cộng đồng đã thu hút cả những ngư dân không trong hội, và nguồn lợi thủy sản còn mang tới lợi ích kinh tế vượt ra khỏi phạm vi một huyện. Điều này cho thấy, khi người dân được tôn trọng, được giao quyền, họ sẵn sàng chủ động bảo vệ khu vực biển.

Đến nay, Bình Thuận là tỉnh đầu tiên đã giao cho cộng đồng quản lý toàn bộ vùng biển ven bờ cả 1 huyện. Đó là huyện Hàm Thuận Nam với đường bờ biển dài khoảng 12 km; diện tích vùng biển đã công nhận và giao quyền là 43,4 km2. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai quản lý cộng đồng cho một số diện tích mặt biển tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong.

Các Hội cộng đồng tổ chức phân công cho thành viên theo dõi, nắm tình hình về hoạt động khai thác, thời tiết, nguồn lợi, vụ việc vi phạm trên biển, ghi chép vào sổ nhật ký. Thông tin này được cộng đồng cung cấp cho Chi cục Thủy sản thường xuyên, có độ tin cậy cao, từ đó, giúp lực lượng chức năng có những giải pháp, biện pháp xử lý kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền nhận định, Hội cộng đồng đã từng bước phát huy vai trò là trung tâm đoàn kết, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống nghề cá của địa phương; trở thành nền tảng và động lực cho việc xây dựng nghề cá hiện đại, văn minh; góp phần thực hiện chương trình nông thôn mới tại các xã của huyện Hàm Thuận Nam. Đây là mô hình phù hợp để các địa phương trong cả nước nghiên cứu, vận dụng trong thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản.

picture3.png
Với đường bờ biển dài và diện tích mặt biển lớn, nghề cá có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận

Theo ông Huy, để phát triển quy mô của cách làm này, có thể huy động nguồn từ Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản để khuyến khích cộng đồng. Bên cạnh đó, cần xây dựng sinh kế bền vững cho cộng đồng, có thể phát triển du lịch sinh thái. “Chỉ nỗ lực của người dân là không đủ, mà cần có thêm các cơ chế khuyến khích, cùng sự đầu tư của doanh nghiệp để các hoạt động này hiệu quả và bền vững”, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Huy động cộng đồng cùng tái tạo nguồn lợi thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO