Bình Thuận chủ động phòng chống thiên tai khu vực đồng bào dân tộc thiểu số

Linh Nga | 30/08/2021, 14:34

(TN&MT) - Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), những năm gần đây, nhiều địa phương thuộc tỉnh Bình Thuận liên tục xảy tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tình trạng thiếu nước gia tăng

Tỉnh Bình Thuận nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, khí hậu khô hạn nhất cả nước, nhiệt độ trung bình năm cao trên 27 độ C, lượng mưa trung bình  từ 1.000 đến 1.600 mm/năm, chỉ bằng bằng 1/2 lượng mưa trung bình ở Nam bộ. Thời gian qua, Bình Thuận luôn phải hứng chịu những đợt thời tiết cực đoan, đối mặt với tình trạng thiếu nước, khô hạn kéo dài...

Trong năm 2020, tình trạng hạn hán tại Bình Thuận có mức độ nghiêm trọng, nước tích trữ trong hệ thống thủy lợi nhiều lần bị thiếu hụt.

Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho thấy, do tác động của BĐKH, dòng chảy năm và dòng chảy mùa lũ trên lưu vực sông thuộc tỉnh Bình Thuận có xu thế tăng nhẹ, dòng chảy mùa cạn có xu thế giảm, điều này dẫn đến tình trạng thiếu nước trên lưu vực ngày càng gia tăng. Nhiệt độ tăng cao, lượng mưa tăng rất ít khiến cho nhu cầu nước ngày càng lớn hơn. Trong đó, tác động của BĐKH đến cân bằng nước trên lưu vực lòng Sông được thể hiện rõ ở giai đoạn 1980 - 1999 với tổng lượng nước thiếu của toàn tỉnh là 286,98 triệu m3. Lưu vực sông Lũy thiếu nhiều nhất 118,1 triệu m3 (tương ứng với 41,1%), tiếp đến là lưu vực sông Quao thiếu 107,1 triệu m3 (tương ứng là 37,3%),...

Trong năm 2020, tình trạng hạn hán tại Bình Thuận có mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 10 năm qua. Các dòng chảy trên các sông, suối suy giảm nhanh sau khi mùa mưa kết thúc, mực nước ngầm hạ thấp, nắng nóng kéo dài. Lượng mưa từ đầu năm 2020 đến tháng 5/2020 thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 20% - 90%. Nước tích trữ trong hệ thống thủy lợi cũng thiếu hụt. Nhiều hồ thủy lợi cạn khô, trơ đáy. Thời gian này, toàn hệ thống chỉ còn trên 27 triệu m3, chưa tới 11% dung tích thiết kế; chỉ bằng 1/3 so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Cụ thể, từ cuối tháng 4/2020, toàn tỉnh Bình Thuận đã có 38 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Hơn 26.000 gia đình với trên 97.000 người ở khu vực nông thôn thiếu nước sinh hoạt…  tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân...

Điển hình là xã Thuận Hòa (huyện Hàm Thuận Bắc) là địa phương có tới 80,3% hộ gia đình DTTS, trong đó chủ yếu là người đồng bào dân tộc K’Ho. Người dân ở đây chủ yếu có nghề nghiệp là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do hạn hán khắc nghiệt khiến hoạt động sản xuất của người dân càng gặp nhiều khó khăn hơn. Trong năm 2020, người dân xã Thuận Hòa đã trải qua 2 đợt thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, không có nước để tưới tiêu nên nhiều diện tích hoa màu bị chết, gây thiệt hại nặng nề cho người dân… Đồng thời, hệ thống nước ngầm tại đây cũng bị suy kiệt, các giếng nước của người dân luôn trong tình trạng cạn khiến hơn 200 hộ dân thuộc đồng bào DTTS ở các thôn trong xã không có nước sinh hoạt...

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận cấp nước sinh hoạt miễn phí cho người dân xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc bị ảnh hưởng bởi hạn hán

Tăng cường các giải pháp ứng phó

Để kịp thời đối phó với tình hình hạn hán, giải quyết nhu cầu về nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào DTTS, UBND tỉnh Bình Thuận vừa yêu cầu các Sở, ngành, các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, trong đó, cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, trữ lượng nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi, nhận định tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, phổ biến đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động ứng phó; xây dựng kế hoạch sản xuất từng mùa vụ cho phù hợp với khả năng nguồn nước.

Bên cạnh đó, tuyên truyền hướng dẫn người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước hiện có; tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước trong các hệ thống công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn do Trung tâm quản lý sử dụng tại các địa phương trong tỉnh và đăng ký nhu cầu sử dụng nguồn nước thô từ công trình thủy lợi với đơn vị khai thác công trình cho năm 2022. Đồng thời, hoàn thành hồ sơ, thủ tục tổ chức triển khai thi công các công trình cấp nước sạch đã bố trí vốn kế hoạch năm 2021, kịp hoàn thành đưa công trình vào khai thác sử dụng trong năm 2021 cấp nước phục sinh hoạt cho nhân dân.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị các cơ quan chức năng chủ động phối hợp quản lý với các Nhà máy thủy điện để duy trì lưu lượng chạy máy và thời gian chạy máy hợp lý nhất; quản lý chặt chẽ nguồn nước, tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, các hệ thống kênh nhằm giảm thất thoát và lãng phí nước; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, để chủ động phòng tránh thiên tai, hạn hán trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các Sở, ngành và các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai, hướng dẫn kỹ năng phòng chống các loại hình thiên tai, hạn hán cho người dân vùng nông thôn, nhất là cho đồng bào DTTS... Cùng với đó, tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn nhằm các hộ dân thoát nghèo, cuộc sống ngày càng no ấm, phát triển bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
Đến năm 2030, phấn đấu 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO